Hoàng Thị Mỹ Tâm trải nghiệm hết tuổi thơ của một cô gái ở miền quê thanh bình tại Hà Tĩnh. Cô vượt mọi gian khó, hình thành đức tính tự lập để đi đến vinh quang. Hat-trick HCV ở giải châu Á 2021 và HCV SEA Games 32 là những cột mốc ấn tượng với nữ võ sĩ karate xinh đẹp này.

Không khí SEA Games 32 đang rộn ràng trên khắp cả khu vực. Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh, chỉ mất 10 phút đi xe, chúng tôi tìm về ngôi nhà của bố mẹ Hoàng Thị Mỹ Tâm ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Khung cảnh yên bình của làng quê nằm bên ven đô thị hiện ra với con đường thẳng tấp, trải nhựa láng bóng cùng mùi hương từ cánh đồng lúa đang mới trổ đòng phả lên. Đến trụ sở UBND xã, chị Mai, một cán bộ chuyên trách văn hóa xã nhanh nhẩu dẫn chúng tôi đến nhà bố mẹ Mỹ Tâm.

Có hẹn trước nhưng chị Nguyễn Thị Hòe (sinh năm 1978) vẫn “lỡ hẹn” vì phải làm nốt cho xong nồi bánh giò để kịp giao cho khách. Vừa gặp, chị Hòe cười xòa, liền gọi cho chồng là anh Hoàng Trọng Tuấn (1974) đón khách. 

Thấy người lạ ghé nhà, bà con hàng xóm tíu tít đến hỏi thăm. Chị Hòe bảo: “Đây là ngôi nhà tuổi thơ của Tâm. Vợ chồng tôi đã dọn ra ở căn nhà trọ ngoài chợ để tiện mua bán 5 năm nay nhưng cứ mỗi lần về, Tâm đều ở lại nhà này. Nó bảo, ông bà là số 1, bố số 2 rồi mẹ mới số 3”. 

Ngôi nhà cấp 4 khá cũ, nằm lọt thỏm giữa vườn rộng thênh thang với đủ các cây ăn trái, hoa màu là nơi chất chứa tuổi thơ của nhà vô địch châu Á karate Hoàng Thị Mỹ Tâm.

Mỹ Tâm là con thứ 3 trong gia đình 4 anh chị em. Thuở nhỏ, Tâm gắn liền với tuổi thơ bên cánh đồng làng cùng những trò tinh nghịch của con nít. Chị Hòe kể: “Cách đây gần 20 năm, kinh tế gia đình còn khó khăn. Áo quần Tâm mặc chưa đầy đủ, ai cho gì mặc đó. Vợ chồng làm lụng đủ nghề nuôi 4 đứa con ăn học. 

Từ trồng lạc, trồng lúa rồi bán hàng tạp hóa, dụng cụ học sinh,… và giờ là bán giò ở chợ quê. Tất tần tật, chúng tôi đều làm hết”. Tượng Sơn là mảnh đất thuộc vùng thấp trũng của Hà Tĩnh nên lũ lụt thường xuyên, nguy cơ mất mùa có thể xảy đến. Nghề nông với gia đình anh Tuấn, chị Hòe chỉ đủ trang trải nguồn thực phẩm hằng ngày. Anh chị lăn lộn với nhiều nghề để nuôi con.

Tuổi thơ của Tâm gắn chặt với mẹ. “Đi chăn trâu, câu cá, bứt cỏ, nhổ lạc,…, việc gì Tâm cũng làm được”, anh Tuấn nhớ lại. “Nó là con gái cưng của mẹ Hòe, cứ ríu ríu bên mẹ suốt ngày”, bố Tâm bảo.

Những lúc đến mùa, Tâm mừng như bắt được vàng vì mẹ đi gặt lúa, Tâm lẽo đẽo theo sau. “Nhỏ thế nhưng mỗi lần đi gặt, Tâm hay hốt lúa, hốt cồi (sau khi gặt lúa xong, một phần từ rễ lên thân khoảng 20cm, người dân miền Trung gọi là cồi), rồi trên cánh đồng, nó nô đùa, chơi bật xa nhảy theo điệu con tôm. Cứ mẹ gặt tiếp là Tâm lại hốt và nhảy cho đến khi nào mệt mới thôi”, chị Hòe kể.

Với Tâm, mọi kỹ năng của con nhà nông, cô gái xinh xắn này đều thuần thục. Nhưng những lần như thế lại giúp cho kỹ năng bật nhảy của Tâm tốt đến không ngờ. 

Cô gái nhỏ nhắn sinh năm 2003 là nhân tố quan trọng trong các cuộc thi đấu của Trường tiểu học Tượng Sơn cũng như quê nhà. Tâm chơi tốt tất cả các môn; từ bóng bàn, ném bóng, nhảy xa hay cả bóng đá. “Hễ cứ đi thi là nó giành giải dù có môn chỉ mới tập”, chị Hòe nói.

Niềm đam mê với thể thao cứ thế ngấm vào máu Mỹ Tâm từng ngày. Và trong huyết quản đó, có dòng máu đam mê đến lạ thường của người mẹ. “Tôi mê thể thao lắm, môn gì cũng chơi, môn gì cũng thử. Hằng ngày, tôi đều tập bóng chuyền da cùng mọi người, chơi bóng bàn, chạy bộ hay bất cứ môn gì bà con hàng xóm chơi, tôi đều tham gia”, chị Hòe giãi bày.

Chị bảo rằng: “Chơi thể thao cùng con ngoài việc có sức khỏe còn gắn kết tình mẹ con, để hiểu con mình nhiều hơn. Mấy mẹ con vẫn bày các trò chơi hằng ngày. Đợt dịch vừa rồi, mấy mẹ con lôi kiện ra đá cho đỡ chán, cũng là cách phòng chống dịch hiệu quả”.

Chị Hòe mê thể thao đến nỗi “đang bán bánh giò mà có người gọi chơi bóng bàn là vứt bánh sang một bên, ra đánh vài set rồi mới làm lại”.

Có “bạn” là mẹ song hành ở các môn thể thao, Tâm càng lớn càng thể hiện nhiều tố chất đặc biệt và có cơ hội phát huy. Đến năm lớp 6, Mỹ Tâm được các thầy ở trường Năng khiếu TDTT tỉnh Hà Tĩnh tuyển vào lớp điền kinh. Nhưng sau đó, các thầy nhận thấy Tâm có tố chất nên chuyển sang karate. “Thú thật, lúc đó nhà tôi cũng không biết môn võ này là gì cả”, anh Tuấn thổ lộ.

Thế nhưng, cả nhà đều nhất mực ủng hộ. Chị Hòe bảo: “Thích cho con gái đi theo võ vì có sức khỏe, rèn luyện thân thể và cháu cũng có tố chất”. “Tôi thoải mái cho con đi, cứ cố gắng là được hết”, chị tâm niệm.

Năm 2015, Mỹ Tâm mới làm quen với karate. Ấy thế, cô có sự thăng tiến thần tốc khi chỉ trong vòng 8 tháng đã được tuyển vào đội trẻ quốc gia và nhanh chóng giành HCV giải trẻ đầu tiên.

Ngày Tâm xách ba lô lên đường vào TP. HCM, rời xa vòng tay mẹ năm lên 13 tuổi, chị Hòe khóc sướt mướt. “Bên ngoài trông mạnh mẽ nhưng lần đầu con xa nhà, lại còn nhỏ, tôi nhớ đến phát bệnh, đêm nào nước mắt cũng lăn dài”, chị Hòe trải lòng.

Giọt nước mắt của chị khóc cạn khi thời điểm con gái gặp chấn thương chỉ sau thời gian ngắn vào TP. HCM tập luyện. “Cháu bị chấn thương giãn dây chằng lưng, phải nghỉ tập đến 8 tháng và đi chữa bệnh nhiều quá đến nỗi nảy sinh tâm lý nản. Nó gọi về, bảo nhìn bạn bè tập mà muốn khóc. Thế là, nước mắt tôi rơi vì thương con khi nào không biết”, chị Hòe nhớ lại.

Có bệnh, anh chị đi vái tứ phương, nhờ khắp nơi. Khi có người bảo, Tâm bị gai cột sống nhưng chị quả quyết “không phải bị gai cột sống, nếu bị thì đã bị từ nhỏ chứ tự nhiên phát thế không phải. Mẹ nuôi con thì mẹ biết”. Nếu bị bệnh này, Tâm khó chơi tiếp thể thao đỉnh cao.

Thế là, chị nhờ người thân chở đi khám bệnh viện lớn nhất. Vì điều kiện gia đình còn khó khăn, anh Tuấn, chị Hòe cũng không thể vào TP. HCM chăm con. “Thương con lắm nhưng biết làm sao được, mình có nỗi trăn trở riêng mà.

Khi Tâm về, đang bán hàng mà nước mắt mẹ lăn dài. Cháu đau thế chỉ biết nghiến răng chịu đựng, có lúc chịu không nổi nhưng giấu mẹ, sợ mẹ lo. Lúc đó, tôi len lỏi ý nghĩ, hay là khuyên con từ bỏ thôi. Hai vợ chồng nhiều đêm cũng không ngủ được”, chị Hòe giọng nghẹn lại khi nhớ về quãng thời gian đầy thử thách của con gái.

Thế nhưng, với điểm tựa của người mẹ, chị tự nhủ, bản thân không được gục ngã bởi con gái đang cần động lực hơn bao giờ hết. “Người bà con giúp nó đi chữa bệnh trong TP. HCM bảo rằng, thấy thương bé quá hay là để bé về nhà, nghỉ tập hẳn. Nhưng tôi quả quyết, rồi cháu cũng sẽ lành và tin vào ý chí cùng may mắn đến với cháu”, chị Hòe tâm sự.

Và rồi, niềm tin, ý chí cũng được đền đáp. Mỹ Tâm chữa trị thành công, đúng liệu trình. “Có hôm, Tâm điện ra bảo “Mẹ ơi, con có lương 3,5 triệu, gom hết tiền lẻ nhưng không tiếc gì cả. Con lấy hết tiền 2 nghìn, 5 nghìn, gom lại được 3,5 triệu, đủ mua tiền thuốc đúng lộ trình”. Thấy thế, càng thương con hơn và cũng vui vì con dần trưởng thành”, chị trải lòng với ánh mắt đầy tự hào về Mỹ Tâm.

Trước đó, Tâm có sự thăng tiến thần tốc với một VĐV trẻ khi chỉ mới làm quen, tập luyện 8 tháng với karate đã được “nhấc” lên đội trẻ đội tuyển quốc gia.

Cột mốc này chỉ là bước đệm cho những thành tích ấn tượng về sau. Sau khi vượt qua thời điểm khó khăn bị chấn thương, Mỹ Tâm có sự phát triển vượt bậc. Cô không quá khó khăn để giành HCV ở các giải trong nước. “Thua một điểm, nó bực lắm. Tâm luôn ra sân với tâm thế muốn thắng tuyệt đối”, ông Tuấn nói về con gái.

Tự rèn giũa bản lĩnh, Tâm còn nhận sự hậu thuẫn lớn từ nguồn động viên ở gia đình. Chị Hòe bảo rằng: “Tâm có hỏi khi thi đấu gặp một VĐV đẳng cấp thế giới thì làm sao mẹ nhỉ. Tôi bảo con cứ đấu hết mình, càng đấu với đối thủ mạnh càng sướng”.

Thế là, Tâm càng tự tin. Ở giải vô địch châu Á vào tháng 12/2021 tại Kazakhstan, Tâm gây chấn động của làng võ châu lục khi lập hat-trick HCV ở tuổi 18 và cũng chỉ mới có 6 năm tập luyện karate.

Ban đầu, tôi chỉ nghĩ cháu theo thể thao để có sức khỏe, có tố chất và thỏa mãn đam mê chứ không nghĩ có thành quả như bây giờ. Hai vợ chồng cũng chỉ tâm niệm, cháu được thi đấu các giải lớn để bố mẹ mừng chứ không quá kỳ vọng nhiều về thành tích. Tâm có những thành tích vừa qua nhờ có quyết tâm, rèn luyện, cố gắng. Ai cũng mừng cho cháu”, chị Hòe tâm sự.

Ở Tượng Sơn, bà con lối xóm đều khen nức nở con ông Tuấn, bà Hòe giỏi nhưng với mẹ Tâm “tôi chưa dám nhận con mình giỏi vì còn cả chặng đường dài nhưng rất tự hào về con”.

Những bước tiến của Tâm cũng là tấm gương để em gái Hoàng Thị Mỹ Phương (2006) hướng đến. Hiện tại, Mỹ Phương đang gặt hái những kết quả ban đầu. Cô vừa đoạt hai tấm HCV giải trẻ khu vực miền Trung – Tây Nguyên 2022.

Cả bốn đứa con đều lớn khôn và ước nguyện của Tâm ngày nào đang dần hiện thực. “Tâm hay bảo không biết khi nào bố mẹ làm nhà đẹp để con có phòng riêng trưng bày huy chương cùng thành tích nhỉ? Đó là ước mơ của vợ chồng tôi nhưng trước đây, gia đình khó khăn, phải nuôi con nên ước mơ chỉ là mơ ước”, chị Hòe trải lòng.

Thế rồi, thời gian qua đi, Tâm gặt hái thành tích và tích cóp cùng bố mẹ chuẩn bị cất nhà. Cô đã mang đến niềm vui vô bờ bến cho cả gia đình khi vừa giành tấm HCV ở SEA Games 32.

Đó là niềm vui lớn của gia đình khi thấy con cái trưởng thành. Càng vui hơn khi bố mẹ luôn đồng hành trên mỗi chặng đường của con. Ở các giải trong nước, ngoại trừ thời điểm dịch, tất cả giải đấu, chúng tôi đều đồng hành cùng các con để cổ vũ, tiếp sức”, chị Hòe thổ lộ.

 

         Nội dung: Trần Khánh

        Thiết kế: Quỳnh Chi

Bài liên quan

Hành trình kì tích giành 3 huy chương Vàng Châu Á của cô gái 18 tuổi Hoàng Thị Mỹ Tâm

Là một trong 10 vận động viên tiêu biểu của năm 2021, nữ võ sĩ Karate 18 tuổi Hoàng Thị Mỹ Tâm đã tạo nên những bất ngờ với kì tích giành 3 huy chương Vàng Châu Á.

Nhịp đập thể thao | Số đặc biệt: Trò chuyện cùng Nhà vô địch Karate châu Á - Hoàng Thị Mỹ Tâm

Trò chuyện cùng Nhà vô địch Karate châu Á - Hoàng Thị Mỹ Tâm là tin tức đáng chú ý nhất trong bản tin nhanh Thể thao ngày 01/02.

Hoàng Thị Mỹ Tâm tập trung cùng đội tuyển Karate quốc gia sau kì tích 3 HCV Châu Á

Sau kì tích giành 3 huy chương Vàng tại giải Vô địch Châu Á, Hoàng Thị Mỹ Tâm tiếp tục cùng các đồng đội tại tuyển Karate Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 31.

Webthethao.vn Bình luận