Thuý Vi múa thương biểu diễn, Huy Hoàng bơi như đi chơi và áp lực "gánh tạ Vàng" của TTVN
thứ bảy 30-9-2023 15:09:20 +07:000 bình luận
ASIAD 19 vẫn đang diễn ra, nhưng cũng có một số VĐV Việt Nam kết thúc hành trình Đại hội của mình trong tiếc nuối bởi không vượt qua được áp lực về tâm lý.
Dương Thuý Vi đã mang về tấm HCĐ cho wushu Việt Nam tại ASIAD 19 bằng cuộc ngược dòng bất ngờ và thú vị. Sáng 27/9, Thúy Vi có kết quả thi phần kiếm thuật (trong nội dung kép kiếm thuật và thương thuật) không được tốt và xếp hạng 6 - thứ hạng khiến hầu hết đều nhận định cô khó giành huy chương. Tuy nhiên Thuý Vi khiến tất cả việt vị. Cô đã thi đấu rất tốt trong màn thi thương thuật diễn ra vào buổi chiều, để rồi xếp hạng 2 phần thi này và chung cuộc giành HCĐ.
"Em thi đầu tiên nên cũng không xem các bạn còn lại thi. Chỉ đến lúc lên mạng xã hội em mới biết mình xếp thứ 6, thực ra em cũng không để ý nhưng mọi người nhắn tin nhiều quá. Lúc đó thầy Chương (HLV Nguyễn Văn Chương) còn nói không sao đâu, em mới nói rằng mọi người cứ kệ em đi, em đi biểu diễn mà. Sau khi thi sáng, em vẫn ăn uống, sinh hoạt như bình thường, dù khi thi đấu, em vẫn làm những gì em muốn để có tâm lý thoải mái nhất", Thuý Vi hồn nhiên chia sẻ sau cuộc thi.
"Nếu sợ mất mặt, em đã không có mặt ở đây ngày hôm nay. Em sẽ làm những gì mình thích nên dù được hay không được, ngày hôm nay em cũng rất vui vì mình không mắc lỗi nào, chỉ cần bài thi của em không có điểm trừ là em mãn nguyện rồi."
Một ngày sau, Phạm Quang Huy giải cơn khát Vàng ASIAD 19 cho thể thao Việt Nam cũng bằng phong thái nhẹ nhàng như Vi.
"Tôi có chút lo lắng ở vòng loại. Nhưng khi thi đấu chung kết, tôi tự nhủ cái gì không phải của mình sẽ chưa đến với mình. Tôi vì vậy chỉ tập trung vào kỹ thuật, không nghĩ ngợi nhiều. Đối với tôi, kỹ thuật là quan trọng nhất khi thi đấu. Tôi không lo lắng mấy trước các đối thủ tầm thế giới bởi vì đây là chung kết lớn đầu tiên của tôi. Khi còn đối thủ Hàn Quốc, tôi cũng thấy bình thường, chỉ tập trung vào việc của mình và không để ý xem đối thủ bắn ra sao. Tôi không tự ti và cũng không quá tự tin, chỉ biết là tôi sẽ vào và thực hiện đúng kỹ thuật của mình”.
Thuý Vi và Quang Huy đều làm được điều tưởng dễ mà không hề dễ: kiểm soát được tâm lý thi đấu. Nguyễn Huy Hoàng sau khi không thể giành huy chương ở nội dung sở trường 1500m tự do thừa nhận, anh bị rơi vào trạng thái lo lắng, hơi run do vậy tâm lý không ổn định. Kình ngư gốc Quảng Bình đã lấy lại được sự cân bằng, bước vào nội dung 800m rồi 400m không phải sở trường với tâm thế đi chơi. Và anh đã giành 2 HCĐ.
"Ở ngày thi đấu đầu tiên, em hơi run và tâm lý không ổn định vì suy nghĩ quá nhiều về việc bảo vệ huy chương và đền đáp tình cảm của tất cả mọi người. Nhưng sau khi kết thúc phần thi 1500m, em bắt đầu thay đổi suy nghĩ, phải cố gắng cởi bỏ áp lực và tập trung vào thi đấu.
"Em cảm thấy mình không cần phải tự tạo áp lực cho bản thân. Em giữ cho mình một tâm lý thoải mái, như đi chơi vậy đó."
Nhưng còn nhiều VĐV chưa thể đi thi như đi chơi giống Thuý Vi, Quang Huy hay tự rũ bỏ được áp lực như Huy Hoàng.
Trịnh Thu Vinh sau tấm vé dự Olympic nội dung 10m súng ngắn hơi nữ chỉ xếp thứ 6 cũng ở chung kết nội dung này tại ASIAD 19. Trước đó, xạ thủ của đoàn CAND cũng khóc hết nước mắt vì không vượt qua vòng loại 25m súng ngắn nữ dù khởi đầu tốt. "Thu Vinh đánh mất sự tin, không có tâm lý tốt. Em bị áp lực nặng quá từ tính chất của chung kết, và thành tích", HLV Quốc Cường của Thu Vinh chia sẻ. Bản thân Thu Vinh cũng thừa nhận cô bị tâm lý, và không thể thi đấu ở trạng thái tốt nhất.
Ở nội dung cá nhân cờ vua nam ASIAD 19 , Lê Tuấn Minh có trận mang tính quyết định với kỳ thủ Wei Yi của chủ nhà Trung Quốc ở vòng 8. Nếu giành chiến thắng, Tuấn Minh sẽ rất gần tấm HCV trước khi đánh trận cuối ở vòng 9. Kết quả, Tuấn Minh thua và anh không có huy chương do thua Đại kiện tướng thế giới Nodirbek Abdusattorov của Uzbekistan có Elo lên đến 2731. Minh xếp thứ 8 chung cuộc với 5 điểm.
"Em vào trận với tư cách là một đối thủ cửa dưới, nhưng vẫn cố gắng rình rập và chờ thời cơ. Trong ván đấu đối thủ của em, em tin rằng mình đã có được thế cờ tốt hơn, nhưng vì em đã quá căng thẳng nên đã đánh mất cơ hội. Em thực sự cảm thấy đáng tiếc.
Hệ số của em rất cao, kể cả em có kết quả hòa ván cuối em vẫn có cơ hội đoạt huy chương. Ban đầu, em chọn chiến thuật đánh chắc chắn để bảm đảo an toàn, nhưng khi nhìn thấy sai lầm của đối thủ, em muốn hướng đến chiến thắng và không còn thủ hòa nữa. Em nghĩ rằng mình đã suy nghĩ quá phức tạp. Nếu em chơi đơn giản hơn, kết quả có lẽ đã khác.”
"Đầu tiên, em nghĩ mình đã bị căng cứng về mặt tâm lý sau ván 8. Thứ 2, thế cờ trong ván cuối khá cân bằng, nhưng em ở trong thế buộc phải thắng nên em phải tìm cách cưỡng lên, nhưng không thành công. Đối thủ của em trong ván cuối cũng rất mạnh, là một tay cờ từng lọt vào Top 5 thế giới. Đây cũng là trận đấu mà em bị đánh giá là cửa dưới.”
"Em chưa từng tham dự một giải đấu tầm cỡ như ASIAD, em không chỉ quan tâm đến thành tích cá nhân mà còn phải chú ý đến đồng đội, hay xa hơn là thành tích của cả quốc gia. Ban đầu, em nghĩ rằng Top 8 đã là một thành công với cá nhân em, nhưng đã có thời điểm, em đã rất gần với tấm huy chương. Em đã nghĩ hơi xa xôi, nhưng kết quả chung cuộc lại không được như mong đợi của em. Đây là một giải đấu vô cùng đáng nhớ trong sự nghiệp của em."
Thu Vinh, Tuấn Minh và còn nhiều VĐV khác chưa thể/chưa biết và chưa có chuyên gia tâm lý thể thao hướng dẫn kỹ năng tâm lý, đủ khả năng cân bằng và điều chỉnh tâm lý khi đối diện áp lực. Thể thao Việt Nam dường như chưa chú trọng vấn đề này, vì nhiều lý do.
“Các thầy cô đã nói chuyện với em khá nhiều, khuyên em đã xong nội dung nào thì mình bỏ qua để hướng đến nội dung mới, thi đấu tốt hơn. Nhưng kết quả vẫn không như ý muốn. Thu Vinh vẫn bị tự giằng xé bản thân vì chưa tự tin, nhất là ở chung kết. Bước vào vòng chung kết thì áp lực nặng quá, ban huấn luyện cũng đang tìm cách để gỡ rối cho Thu Vinh nhưng hai bên vẫn chưa làm được" - tâm sự của HLV Trần Quốc Cường cho thấy phương pháp cổ điển vẫn đang được áp dụng trong thể thao Việt Nam nói chung là thầy truyền kinh nghiệm lại cho trò. Nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Quan tâm đầu tư, xây dựng một đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tâm lý thể thao cho các đội tuyển, các VĐV đặt biệt ở những môn trọng điểm là điều thể thao Việt Nam đang rất cần nếu không muốn cứ mãi tình trạng "tập kêu tốt xịt" vì run.