Điều khiến Qatar phải “mất ngủ” khi chạm trán Nhật ở chung kết Asian Cup 2019
Trận chung kết Asian Cup 2019 là cuộc đối đầu của Nhật Bản và Qatar, cả hai đều giành chiến thắng tuyệt đối 6 trận trước đó. Đội bóng xứ sở hoa anh đào không ghi nhiều bàn thắng hơn đối thủ, lại không giữ sạch lưới như Qatar song thầy trò HLV Moriyasu luôn mang đến nỗi khiếp sợ cho mọi đối thủ.
Hành trình đi đến trận chung kết của những chiến binh Samurai xanh chỉ đúc kết trong hai từ: Đẳng cấp! Ở vòng bảng, Nhật Bản thi đấu thong dong. Họ chỉ thắng Turkmenistan 3-2, hạ Oman 1-0 và thắng Uzbekistan 2-1.
Đó là ba trận đấu mà đội bóng của HLV Moriyasu thi đấu như “thách” đối thủ. Họ liên tiếp mắc những sai lầm ở hàng thủ trong hai trận đấu với Turkmenistan và Uzbekistan. Đặc biệt, ở trận gặp Oman, Nhật Bản áp đảo đối thủ cả trận song cũng chỉ ghii 1 bàn thắng.
Bước sang vòng knock-out, lối chơi của Nhật Bản vẫn chưa thật sự thuyết phục. Họ “nhường” hẳn thế trận cho Saudi Arabia và rồi để Việt Nam thi đấu đôi công. Thế nhưng, đội bóng của HLV Moriyasu vẫn giành chiến thắng với tỷ số 1-0.
Những trận thắng với tỷ số sít sao đó đã đánh lừa người hâm mộ, rằng Nhật Bản không thực sự mạnh. Họ cũng không thi đấu áp đảo đối phương mà nhiều thời điểm, phải căng mình chống đỡ.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là cú lừa ngoạn mục của đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Moriyasu. Nhật Bản thể hiện đẳng cấp của đội bóng lớn trong trận bán kết. Trước Iran hừng hực khí thế, đội bóng xứ sở hoa anh đào thi đấu điềm tĩnh và luôn biết cách để trừng phạt đối thủ.
Không lên bóng quá nhiều nhưng mỗi pha bóng tấn công của họ ẩn chứa độ nguy hiểm cao và ba trong số đó được các cầu thủ chuyển hóa thành bàn thắng. Đó mới chính là hình ảnh của Nhật Bản với công cường, thủ vững.
Đội hình của Nhật Bản có đến 13 cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu song không có cá nhân nào nổi trội. Tính tập thể là điểm mạnh của đội bóng thuộc xứ sở hoa anh đào. Càng thi đấu, sức mạnh của họ lại càng được thể hiện.
Trong 11 bàn thắng mà họ ghi được, có đến 4 bàn từ chân sút Osako. Ấy vậy, tiền đạo này không phải là cầu thủ khó thay thế khi trong tay HLV Moriyasu còn nhiều sự lựa chọn khác như Muto, Takumi Minamino, Kitagawa hay Junya Ito.
Nhiệm vụ của các tiền đạo Nhật Bản không chỉ gói gọn trong khâu ghi bàn. Trong số 5 tiền đạo, chỉ mới có Osako và Muto lập công. Song, vai trò của họ rất quan trọng trong việc lôi kéo hàng thủ đối phương.
Chính việc không quá phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào khiến Nhật Bản trở thành đội bóng khó lường. Sự đa dạng trong lối chơi luôn mang đến khó khăn cho mọi đối thủ và điều này tạo nên sức mạnh khó cưỡng của những Samurai xanh.