Việt Nam, Asian Cup và một châu Á gần nhau hơn

thứ năm 17-1-2019 4:01:00 +07:00 0 bình luận
Thế giới cần, rất cần một châu Á gắn bó hơn. Đó là việc không dễ ở một châu lục có sự phân hóa vô cùng đa dạng, nhưng Asian Cup 2019 có thể là một bước khởi đầu trên hành trình kết nối.

Trên những tấm biển quảng cáo ở sân Hazza bin Zayed đêm qua, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy dòng chữ “Bringing Asia Together” (Mang châu Á đến gần nhau). Đó là thông điệp của Cúp châu Á năm nay, và theo như ông Aref Al Awani – Giám đốc giải đấu – thì không có nơi nào tốt hơn UAE để thể hiện tinh thần “Bringing Asia Together”. Thực ra thì những nhà tổ chức thường có xu hướng phóng đại sự thành công của giải đấu, nhưng tính đến thời điểm này thì có vẻ ông Awani đang nói không sai.

Đây là phiên bản Cúp châu Á đầu tiên trong lịch sử có 24 đội tham dự, tức là quá nửa số thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Tất cả các tiểu vùng Tây Á, Trung Á, Nam Á, Đông Bắc Á và Đông Nam Á đều góp mặt, trong đó có 5 đội lần đầu tiên vượt qua vòng đấu loại là Lebanon, Kyrgyzstan, Philippines, Yemen và Việt Nam (để so sánh, tại Cúp châu Á 2015 thì Đông Nam Á và Nam Á không có đại diện nào).

Tất nhiên tăng gấp rưỡi số lượng đội bóng tham dự có vẻ là hơi nhiều, nhưng lập luận của AFC là các đội cần có thêm cơ hội cọ xát và thực ra sự mở rộng này cũng chỉ là đón đầu xu hướng lớn. Năm 2026, VCK World Cup cũng sẽ đón chào 48 đội tuyển, tức tăng gấp rưỡi so với con số 32 hiện nay.

Theo nghĩa đen thì rõ ràng là các quốc gia châu Á đang gần nhau hơn, nhưng thông điệp này còn đúng cả theo nghĩa bóng. Với thể thức thi đấu mới thì các đội thứ 3 ở mỗi bảng vẫn có cơ hội vào vòng sau, miễn là họ có thành tích tốt hơn hai đội thứ 3 khác. Nghĩa là từ chỗ chủ yếu chỉ quan tâm đến bảng mình hoặc cùng lắm là bảng bên cạnh (để tính toán đối thủ cho vòng loại trực tiếp), giờ đây các đội bóng phải theo dõi... tất cả các bảng.

Sau trận thắng Yemen đêm qua, giờ đây người Việt Nam sẽ phải hồi hộp cổ vũ cho CHDCND Triều Tiên trước Lebanon và mong rằng Turkmenistan không thua đậm Oman. Bỗng dưng, một lượng đáng kể người Việt biết rằng Oman, Lebanon hay Turkmenistan nằm ở đâu trên bản đồ châu Á, giống như cái cách mà họ từng tích cực tìm kiếm về Kyrgyzstan hay Syria.

“Gần nhau hơn” là điều quan trọng đối với bất kỳ khu vực nào. Nhưng nó đặc biệt quan trọng ở một nơi có sự phân hóa đa dạng như châu Á. Với 4,5 tỷ dân (chiếm 60% dân số thế giới) trải dài trên diện tích 44,5 triệu km2 và sử dụng khoảng 2.200 ngôn ngữ khác nhau, sự khác biệt giữa các tiểu vùng ở châu Á là cực kỳ lớn. Những rào cản thiên nhiên như dãy Himalaya, các sa mạc Trung Á.... đã chia châu lục đông dân nhất thế giới thành ba khu vực địa lý lớn là Đông Á, Nam Á và Tây Á.

Trong phần lớn thời gian tồn tại của mình, các khu vực này phát triển tương đối độc lập và khá ít tương tác với nhau do hạn chế về giao thông, đi lại. Các khu vực này dần hình thành những nền văn hóa riêng biệt, có tôn giáo đặc thù riêng và giữa các khu vực có sự khác biệt lớn về mặt ngôn ngữ, văn hóa hay đơn giản là ngoại hình.

Không nói đâu xa, cư dân các nước Tây và Trung Á như Iran, Uzbekistan... có khá nhiều điểm tương đồng với các quốc gia Địa Trung Hải hoặc thậm chí là Nam Âu và sự khác biệt giữa một người Hy Lạp với người Iran có lẽ không lớn bằng khác biệt giữa người Iran với người Hàn Quốc. Nhưng, bất chấp những khác biệt đó, thế giới đang cần một châu Á gắn kết hơn bao giờ hết.

Thế kỷ 19-20 đã chứng kiến người Âu Mỹ lên ngôi, nhưng trong thế kỷ 21 này thì châu Á mới là động lực tăng trưởng của thế giới. Theo dự báo của IMF, kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng khoảng 5,6% trong năm 2019, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng bình quân toàn cầu (3,6%). Và một trong những cách tốt nhất để duy trì đà tăng trưởng của châu Á là tăng cường kết nối giữa ba vùng địa lý lớn thông qua việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại cũng như thúc đẩy đầu tư, hợp tác kinh tế giữa các quốc gia.

Chuyện đó nói thì dễ hơn làm bởi, như đã nói, cách biệt về văn hóa và tập quán giữa các tiểu vùng còn lớn, nhưng “con đường dài vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Bóng đá là một phương thức hết sức hiệu quả nhằm gia tăng tinh thần giao lưu, hợp tác, và Cúp châu Á 2019 lần này có thể mới chỉ là bước khởi đầu. Để châu Á gần nhau hơn.

Nguyên Vũ
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội