"Bọn hooligan Anh chỉ là lũ đàn bà"
ĐT Nga chỉ xếp thứ 29 trên BXH FIFA nhưng lại thuộc nhóm đầu trong “BXH Hooligan” thế giới.
Vladimir, một Giám đốc quan hệ công chúng làm việc tại Moscow, đã kết hôn và có 2 bé gái là người mang thiên hướng bạo lực trong thể thao. Anh ta chính là một trong những gã làm xấu mặt bóng đá Nga tại EURO 2016.
Vladimir đã trở về Nga hôm Chủ nhật sau khi tham gia trong cuộc ẩu đả với các CĐV Anh cuối tuần trước tại Pháp. Tâm lý bạo lực của Vladimir được thể hiện ở tuyên bố “bọn Anh đều là lũ đàn bà”, và không thèm quan tâm cảnh báo của UEFA sẽ loại ĐT Nga khỏi VCK EURO 2016 nếu như những cuộc ẩu đả đẫm máu trước và sau trận gặp ĐT Anh tại Marseilla hôm thứ Bảy lặp lại.
Hãng tin AFP đã tiếp cận được với Vladimir và nhận được cái gật đầu về một cuộc phỏng vấn từ người đàn ông này, với điều kiện không đưa tên thật của anh ta.
Theo Vladimir, anh ta chỉ có 48 giờ ở Marseille nhưng chứng kiến “tất cả những điểm nóng” trong cuộc ẩu đả với các CĐV Anh, và rằng “có tham gia ở một mức độ nào đó”. Vladimir ước tính khoảng 150 gã côn đồ người Nga “khát máu” nhất bay sang Marseille trong ngày diễn ra trận ĐT Anh gặp ĐT Nga.
CĐV của Lokomotiv Moscow cho biết có khoảng 500 đến 600 NHM CLB này tham gia với nhóm côn đồ trên tại “các sự kiện quan trọng như EURO”.
Spartak Moscow, CSKA Moscow và Zenit St Petersburg cũng có nhóm côn đồ với lượng thành viên lên tới hàng trăm người. Sân đấu của những đội bóng này từ lâu đã mang tiếng xấu khi nó luôn vang lên những bài hát phân biệt chủng tộc nhắm vào các cầu thủ da đen.
Có tới 15 nghìn người Nga được cho là sẽ có mặt trên đất Pháp để cổ vũ cho đội tuyển tại EURO 2016 và Vladimir cho biết sự trung thành với CLB được các CĐV đặt sang một bên ở những sự kiện thể thao như thế này.
“Không quan trọng các CĐV đến từ thành phố nào hay họ ủng hộ CLB nào. Điều quan trọng nhất là chúng tôi đều đến từ Nga. Chúng tôi đến để chiến đấu với những gã người Anh”, Vladimir nói.
Những CĐV trung thành của ĐT Nga đặt cho các CĐV Anh những cái tên như “đám du thủ du thực” hay “bè lũ” nhưng lại coi họ như kình địch của các CĐV đến từ xứ sương mù.
“Bọn người Anh lúc nào cũng nói chúng nó là hooligan dữ dằn của bóng đá. Chúng tôi tới để cho thấy chúng nó chỉ là bọn đàn bà”, Vladimir chia sẻ tiếp. “Nhiều hooligan không quan tâm đến trận đấu và cũng chẳng để ý liệu UEFA có loại đội tuyển hay không”.
Vladimir cũng miêu tả sự tương phản giữa hooligan Nga và Anh. Theo đó, hooligan Anh “là những gã già hơn và to béo, nốc bia rất nhiều”, trong khi “các CĐV và hooligan từ Nga chủ yếu trẻ hơn, có độ tuổi tầm 20-30 và hầu hết đều chơi thể thao. Họ chơi những môn như đấm bốc hay tất cả các thể loại võ thuật”.
Nói như Vladimir thì, mục đích của nhiều người Nga có mặt tại Pháp hay các sự kiện thể thao lớn chỉ là để chứng minh các CĐV Anh không phải hooligan, không biết đánh đấm. Rất nhiều người Nga tới chỉ nhằm mục đích này.
“Nhóm côn đồ Nga sẽ tìm mọi cách gây hấn với các nhóm CĐV Anh tại một quán bar bằng cách cố gắng giật băng rôn cổ vũ của họ”, Vladimir nói tiếp.
Vị giám đốc điều hành nhấn mạnh rằng trong khi “bọn Anh thường dùng chai lọ và ghế (khi đánh nhau), thì phong cách của người Nga chỉ nắm đấm”. Sử dụng vũ khí sẽ “gây ra nhiều chấn thương không cần thiết”.
“Đối với chúng tôi, nó giống như thể thao. Chúng tôi không mong muốn giết hay làm ai đó bị thương. Chúng tôi chỉ muốn chứng tỏ sức mạnh của người Nga”.
Những hooligan Nga luôn tìm cách ẩn mình trong đám đông, Vladimir cho biết.
“Nếu anh nhìn thấy một gã quàng cờ Nga hay mặc chiếc áo có cờ Nga, gã đấy không bao giờ là một hooligan. Một hooligan phải ăn vận phù hợp với đám đông. Tôi mặc một chiếc áo sơ mi trắng, quần tây và đi giầy da”.
Vladimir cũng cho rằng cảnh sát Pháp tỏ ra bị động trong các vụ ẩu đả. “Tôi có cảm giác dường như họ (cảnh sát Pháp) thấy thú vị khi nhìn những người Nga đánh người Anh. Họ chỉ can thiệp vào phút cuối”.
Kết thúc cuộc phỏng vấn, Vladimir cho biết anh ta sẽ chỉ quay lại Pháp nếu Nga vào chơi trận chung kết và dự đoán các trận đấu khác sẽ “yên ả hơn rất nhiều”.