Mẫu tiền đạo cao to đang gây thất vọng tại EURO 2016
“Số 9 ảo” đang ngày càng thịnh, nhưng không có nghĩa là mẫu tiền đạo cao to hết “đất sống”. Chỉ là tại VCK EURO 2016, họ ngày càng có nguy cơ “tuyệt chủng”.
“Số 9 ảo” đang đè “số 9 cổ điển”
Như những con voi ma mút khổng lồ từng ngự trị thế giới, những tiền đạo cao to thi đấu kiểu “lấy thịt đè người” từng là một yếu tố quan trọng trong hệ thống chiến thuật do có khả năng giải quyết bế tắc cho đội nhà chỉ bằng một pha bật cao đúng lúc để đánh đầu chính xác. Tiến hóa theo đà phát triển của bóng đá hiện đại, sau này họ còn có thêm nhiệm vụ nữa là làm “tường” phân phối bóng cho đồng đội xung quanh.
Lịch sử không thiếu những ví dụ nổi bật về tầm quan trọng của những “chú voi ma mút” này. Luca Toni (1m93) từng góp công lớn đưa Italia đến ngôi vô địch World Cup 2006 chính bằng năng lực không chiến tốt. Tương tự Tuyển Anh từng một thời ưa dùng “chàng lùn” Michael Owen (1m73) với gã khổng lồ ngờ nghệch Emile Heskey (1m88). Tuy nhiên, thập niên qua đang chứng kiến mẫu tiền đạo cao to này mất dần tầm ảnh hưởng.
Thay đổi ấy một phần là do không phải lúc nào cũng kiếm được mẫu tiền đạo “trâu bò” như Diego Costa hoặc Didier Drogba. Song song đó, chẳng phải đội nào cũng có khả năng lên bóng nhanh hiệu quả. Lại thêm xu thế cầm bóng chắc đem đến thành công cho Barcelona và Tây Ban Nha, các HLV bắt đầu tìm cách thay thế “số 9 cổ điển” bằng “số 9 ảo” nhỏ bé mà linh hoạt và giàu kỹ thuật cùng tốc độ như TBN từng dùng Andrés Iniesta (1m71) hoặc Cesc Fàbregas (1m75).
Những chọn lựa gượng ép
Tuy nhiên, xu thế “số 9 ảo” đang đè “số 9 cổ điển” chẳng có nghĩa là tại VCK EURO 2016, những “gã khổng lồ chân gỗ” không còn đất dụng võ. Ngược lại là khác. Ngặt nỗi, họ được trao cơ hội, nhưng xem ra nhiều người hiện chưa biết cách tận dụng. Artem Dzyuba (1m96) của Nga là một ví dụ: Tiền đạo này chưa in nổi dấu giày vào bất cứ bàn thắng nào và khả năng tranh bóng bổng cũng chỉ cỡ 50-50 (7 thắng, 7 thua).
Marc Janko (1m96) cũng không tỏ ra nổi bật trong 65 phút thi đấu cho Áo, dù tỷ lệ thắng trong không chiến có phần khá hơn (5-3). Nhưng dù góp 1 bàn giúp Hungary thắng Áo 2-0, Adam Szalai (1m93) cũng không tỏ ra lợi hại trong 69 phút thi đấu nên mất luôn suất đá chính, chỉ được tung vào sân ở 5 phút cuối trận hòa Iceland 1-1 và chưa thắng được pha tranh chấp bóng bổng nào!
Điều trớ trêu là những “gã khổng lồ” này thể hiện kém như vậy chưa hẳn là lỗi của họ. Vì theo giới chuyên môn, họ đã cố gắng hết sức rồi. Sở dĩ họ không thể tỏa sáng là do đội nhà cạn kiệt tài năng tấn công nên các HLV buộc phải đôn những cầu thủ chưa đủ tầm dự các giải lớn lên ĐTQG. Trường hợp Haris Seferovic (1m85) được xem như tiền đạo số 1 của Thụy Sĩ là một ví dụ khi bỏ lỡ tới 3 trong 4 cơ hội ngon ăn, phần nào hiểu được do mùa qua anh đá gần 30 trận ở Bundesliga mà ghi có 3 bàn.
Cao to “có tiếng không có miếng”
Tất nhiên, không phải tiền đạo cao to nào gây thất vọng ở VCK EURO kỳ này cũng đều thuộc loại “xài đỡ”. Trong 2 trận đầu của Ba Lan, Robert Lewandowski (1m84) thể hiện khá nhạt nhòa trước hàng thủ Bắc Ireland và bị Jérôme Boateng cùng Mats Hummels khóa chặt ở trận hòa Đức 0-0.
Zlatan Ibrahimovich (1m95) cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của người Thụy Điển. Sau khi im lắng ở trận hòa Ireland, anh không tạo được nhiều sóng gió trước khung thành Italia. Giống như anh là Mario Mandzukic (1m90) vẫn chưa lập công cho Croatia.
Những trường hợp này rõ ràng chẳng phải là do kém cỏi, hoặc vì đội bóng của họ thiếu tài năng. Bởi lẽ, những đội bị xem nhẹ trước giờ bóng lăn như Iceland, Albania, Wales hoặc Bắc Ireland thật chất đều giành giấy thông hành thẳng tới Pháp. Ngược lại, đi tranh vé vớt lại là Nga, Thụy Điển hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, những đội bóng không xoàng trong vòng thập niên qua.
Mãnh hổ nan địch quần hồ
Đến đây, vấn đề xem ra cần đặt lại: Tại sao mẫu tiền đạo cao to đang gây thất vọng? Đáp án có lẽ không phải vì chất lượng, mà do việc tăng số đội tạo ra. Vì khi hòa cả 3 trận vẫn nhiều hy vọng đi tiếp chứ không như trước có đội đạt 4 điểm vẫn bị loại, hầu hết HLV đều nhất trí chọn lối chơi “an toàn là bạn” với số đông cầu thủ thường xuyên tham gia phòng ngự. Trong bối cảnh ấy, hiệu quả “làm tường” cùng ưu thế đánh đầu của những “gã khổng lồ chân gỗ” đương nhiên giảm hẳn.
Thực trạng này giải thích tại sao HLV Roy Hodgson quyết định bỏ rơi tiền đạo cắm Harry Kane (1m88) để chuyển sang dùng cặp tiền đạo Daniel Sturridge (1m88) và Jamie Vardy (1m78) ở hiệp 2 thắng Wales. Và khi mà mật độ cầu thủ ngày càng dày đặc trong vùng 16m50 khiến mấy gã cao to cực khó xoay trở trong không gian hẹp, đừng bất ngờ nếu sắp tới, Thomas Müller (1m86) sẽ phải nhường vị trí “số 9 ảo” lại cho Mario Götze (1m76).