Chờ đợi kỳ tích "Hy Lạp 2004" tái hiện
Một số kết quả bất ngờ ở vòng bảng cùng phương án trao vé vớt cho 4 đội hạng 3 vô tình tạo thành 2 con đường khác hẳn nhau cùng hướng tới ngôi vô địch châu Âu.
Hai nhánh đấu tương phản
Ảnh hưởng từ những “cơn địa chấn” nho nhỏ như Wales soán ngôi đầu bảng B của Anh, hay Croatia lật đổ Tây Ban Nha ở bảng D, hoặc Iceland đoạt ngôi nhì bảng F của Bồ Đào Nha đúng phút cuối đã tạo ra một nhánh cực mạnh và một nhánh cực nhẹ cùng tiến tới trận chung kết EURO 2016.
Hệ quả là Slovakia, Ireland cùng Iceland chỉ còn biết than trời do nằm chung nhánh với Đức, Italia, Pháp, Anh và Tây Ban Nha – những cường quốc của bóng đá châu Âu với tổng cộng 20 danh hiệu vô địch EURO và World Cup.
Ngược lại, nhánh kia bao gồm Bỉ, Croatia, Hungary, Bắc Ireland, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ và Wales đều là những đội chưa từng đăng quang ở bất cứ giải lớn nào. Bỉ và Bồ Đào Nha là những đội hiếm hoi từng vào đến chung kết EURO trước lúc thất trận trước Tây Đức (1980) và Hy Lạp (2004).
Về phần Hungary, họ từng vào đến các trận chung kết World Cup 1938 và 1954 trước khi thua Italia và Tây Đức, nhưng điều quan trọng là ngay cả thời vàng son gần nhất của quốc gia này với “Thế hệ Vàng” thực chất họ trải qua từ lúc EURO còn chưa ra đời.
Bồ Đào Nha hy vọng thành Hy Lạp 2.0
Nhưng giờ đây, những anh hào "hạng hai" của châu Âu đang có cơ hội làm nên lịch sử. Đối với Bồ Đào Nha kỳ này, Tái ông thất mã rõ ràng chưa hẳn chuyện xấu. Vị trí thứ 3 chung cuộc của bảng F do chỉ đủ sức hòa cả 3 trận đang đặt Cristiano Ronaldo và những người bạn bước lại con đường trứ danh của các “chiến binh” Hy Lạp tại... Bồ Đào Nha 2004.
Và thật tình, Bồ Đào Nha có quyền tin may mắn đang đứng về phía họ, tương tự Hy Lạp 12 năm trước. Vì nếu các đội hạng 3 chung cuộc không được xét vớt, Bồ Đào Nha đã bị loại. Tương tự ở VCK EURO 2004, Hy Lạp lẽ ra phải về nước ngay sau vòng bảng, nếu Bồ Đào Nha chịu hòa Tây Ban Nha để cả hai cùng dắt tay vào tứ kết.
Dĩ nhiên, Bồ Đào Nha vừa né được nhánh khó chơi, nhưng Croatia – đối thủ ở vòng 1/8 cũng chẳng thuộc loại dễ “xơi”. Vì ngay cả khi không có đầy đủ bộ ba Ivan Rakitic, Luka Modric và Ivan Perisic, Croatia vẫn đủ sức soán ngôi đầu của các nhà ĐKVĐ châu Âu. Dù vậy, Bồ Đào Nha gặp Croatia rõ ràng vẫn dễ chịu hơn so với Anh, Pháp, Đức, Italia hoặc Tây Ban Nha.
Chung kết sẽ có một đội chưa từng đăng quang
Còn với Bỉ, thua Italia 0-2 ở ngày ra quân rõ ràng cũng là Tái ông thất mã! Vì nhờ đó, thầy trò Marc Wilmots không thể tranh ngôi đầu bảng E với Italia nên có điều kiện đá thoải mái các trận còn lại để chiếm ngôi nhì bảng cùng hành trình đến chung kết bớt gồ ghề hơn với Hungary ở vòng 1/8 và có khả năng là tân binh xứ Wales tại tứ kết.
Đương nhiên là trên con đường bằng phẳng này, hy vọng vào chung kết đâu chỉ của riêng ai. Cả Thụy Sĩ lẫn Ba Lan – hai đội đá trận mở màn vòng 1/8 cũng đều đang ấp ủ tham vọng đó. ĐT Anh của HLV Roy Hodgson có lẽ cũng đang mơ về trận chung kết nội bộ khi Wales gặp Bắc Ireland ở nhánh khác họ, đặc biệt khi Wales không chỉ có Gareth Bale thuộc nhóm siêu sao hiếm hoi tỏa sáng đều đặn ở vòng bảng, mà còn có sự trợ giúp hiệu quả từ Joe Allen và Aaron Ramsey.
Nhưng cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, trận chung kết EURO 2016 chắc chắn sẽ có sự hiện diện của một đội chưa từng vô địch giải lớn nào. Đến lúc đó, với tâm lý thoải mái theo kiểu chẳng còn gì để mất, những “ngựa ô” đáng gờm như Ba Lan/Bồ Đào Nha/Croatia/Wales/Bỉ/Hungary hoàn toàn có thể tiếp tục tạo bất ngờ trước những cường quốc đang mệt mỏi do phải tiêu diệt lẫn nhau, mà kiểu như Italia đuối sức sau chiến thắng Đức nên đành buông xuôi trước Tây Ban Nha ở chung kết EURO 2012 là ví dụ vẫn còn quá rõ. Nói cách khác, EURO kỳ này dễ có tân vương.
Các nhà vô địch EURO và World Cup tại VCK EURO 2016 |
|
Đức: 7 - World Cup (1954, 1974, 1990, 2014), EURO (1972, 1980, 1996). Italia: 5 - World Cup (1934, 1938, 1982, 2006), EURO (1968). Tây Ban Nha: 4 - World Cup (2010), EURO (1964, 2008, 2012). Pháp: 3 - World Cup (1998), EURO (1984, 2000). Anh: 1 - World Cup (1966). |