Hodgson đổi chiến thuật, “Tam sư” mộng đổi đời
Ở trận thắng Wales, HLV Roy Hodgson vừa lặng lẽ thử nghiệm tới 2 hệ thống chiến thuật cho Tuyển Anh với hiệu quả thật tuyệt vời.
Anh hạ Wales bằng 3 hệ thống
Bằng chứng là ông dùng Harry Kane đá cắm ở đội hình xuất phát 4-3-3 gồm 2 cầu thủ chạy cánh, nhưng sau đó chuyển sang 4-4-2 ngay đầu hiệp 2 khi thay Raheem Sterling cùng Harry Kane bằng Jamie Vardy và Daniel Sturridge.
Quyết định này đem lại bàn san bằng cách biệt của ngôi sao Leicester. Lúc giờ thi đấu còn khoảng 15 phút, ông lại thử nghiệm 4-3-3 với 3 tiền đạo giăng ngang bắng cách đưa Marcus Rashford vào sân. Hệ quả là Daniel Sturridge ghi bàn quyết định chiến thắng ngược 2-1 vào phút cuối.
Khoan bàn tới việc điều chỉnh này gần như đảm bảo cho Anh suất dự vòng 1/8 và chỉ còn chờ xem “Tam sư” đứng đầu bảng hay không, HLV Roy Hodgson dự định thay đổi chiến thuật ngay giữa giải đấu có thể là cố tình, hoặc cũng có thể là vô ý lặp lại hành động của những người tiền nhiệm từng làm vỏn vẹn 4 lần trong lịch sử với kết quả gần như tương tự: Đem lại thành công cho đội nhà.
4 lần đổi ý đều để tiến xa
Điều thú vị là lần đầu Anh phải đổi chiến thuật lại là ở World Cup 1966 lịch sử. Lúc đó, Jimmy Greaves là chân sút chủ lực sau khi tiền đạo Tottenham ghi 4 bàn ở trận giao hữu với Na Uy trước VCK, nhưng do bị đau ở ống quyển, ông phải nhường chỗ cho Geoff Hurst trong vòng bảng và không cách nào đòi lại được do Geoff Hurst ghi bàn ở tứ kết thắng Argentina, rồi lập công ở chung kết.
Tuy nhiên, điều chỉnh quan trọng nhất là khi HLV Alf Ramsey quyết định không dùng cầu thủ chạy cánh nữa nên bỏ rơi John Connelly. Vì vậy, giới chuyên môn còn gọi ngôi vô địch World Cup của Anh là “kỳ quan không cánh”.
Đến năm 1986, HLV Bobby Robson cũng điều chỉnh chiến thuật giữa dòng khi đưa Anh đến tứ kết – thành tích tốt nhất của “Tam sư” tại World Cup sau ngôi VĐTG. Nguyên nhân lần này là do Bryan Robson bị đau vai, còn Ray Wilkins bị treo giò sau trận ra quân hòa Morocco 0-0. Về cơ bản, Anh vẫn đá 4-4-2, nhưng tiền đạo Mark Hateley phải nhường chỗ cho Peter Beardsley chơi như tiền vệ tấn công và “Tam sư” bỏ đá cánh kiểu truyền thống để dùng tiền vệ giỏi chuyền bóng như Peter Reid.
Song song đó, HLV Bobby Robson sử dụng hàng thủ 4 người giăng ngang thay vì dùng 2 hậu vệ cánh hỗ trợ tấn công. Kết quả của những điều chỉnh này là Gary Lineker đoạt Chiếc Giày Vàng, còn Anh chỉ dừng bước do “Bàn tay của Chúa” của Diego Maradona.
Lần thứ 3 Anh phải điều chỉnh chiến thuật là tại World Cup 1990. Thoạt đầu, HLV Bobby Robson ưa dùng 4-4-2, nhưng sau khi vượt qua vòng bảng, ông đổi thành 5-4-1. Quyết định này đã tạo cơ hội cho David Platt tỏa sáng, sau khi Bryan Robson không may dính chấn thương. Hệ quả là Anh đột phá thêm bước nữa khi vào tới bán kết và chỉ chịu xuống tranh hạng 3 sau khi thua Đức ở loạt “đấu súng”.
World Cup 2006 là lần gần nhất mà Anh lại phải thay đổi sơ đồ chiến thuật khi đang đá giải. Bước ngoặt xảy ra khi Wayne Rooney vừa bình phục sau chấn thương ở bàn chân, nhưng Michael Owen lại bị đau. Vì lực lượng dự bị chỉ còn lại Peter Crouch kém cỏi và Theo Walcott mới 17 tuổi, HLV Sven-Goran Eriksson quyết định bỏ 4-4-2 để dùng sơ đồ 5 tiền vệ.
Do đó, Anh chỉ dừng bước ở tứ kết do thua Bồ Đào Nha có Luis Figo và Cristiano Ronaldo trong loạt đá luân lưu 11m. Tất nhiên, truyền thông Anh vẫn không hài lòng với tư tưởng cho rằng thế hệ của David Beckham, Frank Lampard, Steven Gerrard và Joe Cole lẽ ra phải tiến xa hơn nữa, nhưng xét riêng về chiến thuật, HLV Thụy Điển rõ ràng đã cố gắng đưa ra lựa chọn tốt nhất để ứng phó với sự bố bất ngờ.