Ký ức EURO '92: Bức tường Berlin sụp, derby Đức đổ theo
Đối với CHLB Đức (tạm gọi Tây Đức), thất vọng lớn nhất tại EURO 1992 chẳng phải là thua Đan Mạch ở chung kết, mà do hủy trận vòng loại với CHDC Đức (Đông Đức).
Nhân chứng lịch sử Gunnar Nordahl
Gunnar Nordahl – cựu tiền đạo huyền thoại Thụy Điển – bỗng lộ vẻ kỳ lạ khi nhìn thấy mẩu giấy ông vừa nhặt lên trong lễ bốc thăm vòng loại EURO 1992. Trao qua tay Gerhard Aigner, TTK UEFA lúc ấy cũng nhìn thật lâu vào cái tên được ghi trên mảnh giấy đó.
Bởi vì là người Đức chính cống, Gerhard Aigner càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của dòng chữ đang hiện ra trước mắt. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng giữ cho gương mặt không biểu lộ bất cứ cảm xúc nào. Rồi bằng giọng nói của một chính trị gia lâu năm, Gerhard Aigner công bố: “CHDC Đức”.
Tòa thị chính thủ đô Stockholm (Thụy Điển) đang lặng như tờ bỗng nghe thấy rõ những tiếng thở hổn hển, kế tiếp là những tiếng cười hồ hởi. Ngay cả Franz Beckenbauer cũng không kiềm chế nổi bản thân.
Đó là thời khắc lịch sử của bóng đá Đức hồi đầu tháng 02/1990. Gunnar Nordahl – khách mời danh dự của lễ bốc thăm vòng loại của VCK EURO 1992 tổ chức trên quê hương ông đã vô tình bốc được lá thăm đặt Đông Đức vào chung bảng 5 với Tây Đức để tranh suất duy nhất dự VCK.
Và ngay lúc ấy, Gunnar Nordahl ắt hẳn không biết rằng người Đức đã chờ đợi điều này từ rất lâu rồi. Chính xác là 34 năm. Bởi từ năm 1956, hai đội tuyển của Đức bắt đầu cùng dự vòng loại World Cup 1958 nhưng tới nay, họ chỉ gặp nhau đúng một lần ở đấu trường quốc tế khi Đông Đức giành được chiến thắng lịch sử ở ngày ra quân vòng bảng tại World Cup 1974.
Đức xem trọng EURO hơn World Cup
Thế nhưng, giới bóng đá Tây Đức không cảm thấy thỏa mãn. Đơn giản vì họ chỉ cảm thấy trọn vẹn nếu 2 đội tuyển Đức gặp nhau trong khuôn khổ EURO. Lý do rất dễ hiểu: Trong mắt người Đức, World Cup chưa bao giờ quan trọng bằng EURO.
Chỉ cần xét kỹ các đời HLV tuyển Đức là hiểu. Trong lịch sử bóng đá Đức, LĐBĐ QG chỉ sa thải HLV do thành tích thi đấu yếu kém ở EURO chứ không phải World Cup. Mọi HLV ra đi sau VCK Word Cup đều do trước đó sớm công bố ý định chia tay ĐTQG, từ Helmut Schön, Franz Beckenbauer đến Jürgen Klinsmann.
Berti Vogts có thể miễn cưỡng xem như ngoại lệ, nhưng thực chất, ông không bị sa thải ngay sau World Cup 1998, mà chỉ bị ép từ chức sau 2 trận giao hữu chẳng hứa hẹn chút khởi sắc trước Malta (2-1) và Romania (1-1) khi chuẩn bị cho EURO 2000. Trong khi ấy, Otto Nerz bị sa thải vào năm 1936 chỉ do thất bại ở Olympic mà thôi.
Ngược lại, HLV Tuyển Đức không thành công ở EURO là nguy to. Jupp Derwall bị ép phải từ chức khi Đức dừng bước ngay vòng bảng EURO 1984. Đến năm 2000, tới lượt Erich Ribbeck phải bỏ ghế trống sau thảm họa ở Bỉ - Hà Lan. Sau đó 4 năm tới Rudi Völler do không vượt qua được vòng bảng.
Thậm chí, “truyền thống” đó còn tồn tại cả ở Đông Đức, khi HLV người Hungary Károly Sós không được gia hạn hợp đồng vì ĐTQG không vượt qua vòng loại EURO 1968. Rudolf Krause thậm chí còn bị sa thải ngay giữa vòng loại EURO 1984 do chỉ đạt 1 điểm qua 4 trận.
Những ký ức EURO thường được nhắc tới
Hiện tượng Đức xem trọng EURO hơn còn thể hiện qua việc giới bóng đá Đức nhớ đến những cú ngã ở EURO nhiều hơn. Họ vẫn chưa thể quên sự cố xảy ra trước Giáng sinh 1967 một tuần, khi Tây Đức không xuyên thủng được hàng thủ chủ nhà Albania nên không vào được VCK EURO 1968. Trận hòa đó bị gọi là “die Schmach von Tirana” (mối nhục ở Tirana). Đấy cũng là lần đầu và duy nhất Tây Đức không qua nổi vòng loại một giải lớn.
Kế đến là trận bán kết EURO 1988 thua Hà Lan. Ngay trước trận đấu, Ronald Koeman (Hà Lan) đã đổi áo lưu niệm với Olaf Thon (Đức). Sau này, hình ảnh ấy đã được in trên giấy vệ sinh! Điều đó chứng tỏ Tây Đức rất tức tối nếu thua ở EURO.
Lịch sử Đông Đức cũng không khác mấy, khi gặp Iceland tại Reykjavik ngày 05/06/1975. Trước đó, chẳng ai coi Iceland ra gì, nhất là do suốt 5 năm qua, họ chỉ thắng 3 trận và đều trước Faroe. Nào ngờ khi gặp Đông Đức vừa đá rất hay ở World Cup 1974, Iceland thắng 2-1. Vì vậy mà sau trận đấu, HLV Georg Buschner của Đông Đức tuyên bố: “Đây không phải một trong những trận đấu kém nhất của chúng tôi mấy năm qua, mà là một trong những thất bại thảm hại nhất lịch sử”.
Cũng chính vì Đức xem trọng EURO hơn World Cup, nên những ai chẳng phải người Đức có thể cảm thấy bất ngờ nếu biết rằng trong mắt dân nước này, đội hình mạnh nhất mọi thời đại lại không phải là các nhà vô địch World Cup.
Đối với họ, đội hình mẫu phải gồm có Sepp Maier, Horst-Dieter Höttges, Paul Breitner, Hans-Georg Schwarzenbeck, Franz Beckenbauer, Herbert Wimmer, Jupp Heynckes, Uli Hoeness, Gerd Müller, Günter Netzer và Erwin Kremers. Đấy chính là các nhà vô địch EURO 1972.
Vậy là chúng ta chống chúng ta?
Với tâm thế như vậy nên sau lễ bốc thăm ở Stockholm, tờ “Kicker” hào hứng giật tít: “Chúng ta chống chúng ta!”. Nào ngờ chỉ chưa đầy 3 tháng sau, “Bức tường Berlin” sụp đổ. Ngay thời điểm ấy, Franz Beckenbauer – lúc đó là HLV Tuyển Đức sớm lo ngại rằng trận derby lịch sử mà tất cả chờ đợi có nguy cơ không xảy ra.
Rốt cuộc, đúng như “Hoàng đế” dự báo, vào giữa tháng 07/1990, chỉ 11 ngày sau khi Franz Beckenbauer dẫn Đức đến ngôi vô địch World Cup và nước Đức mới thống nhất được khoảng 1 tháng, 2 LĐBĐ Tây Đức và Đông Đức nhất trí rút Đông Đức khỏi vòng loại EURO 1992. Vậy là trận Đông Đức – Bỉ lẽ ra thuộc vòng loại EURO 1992 trở thành trận giao hữu. Và đó cũng là trận đấu cuối cùng của Đông Đức.
Dù vậy, Đông Đức vẫn có đại diện dự VCK EURO 1992. Đó là Matthias Sammer, Thomas Doll và Andreas Thom, những thành viên của Đông Đức trong đội tuyển Đức thống nhất vào tới chung kết EURO lần đầu tiên từ năm 1980.
Điều thú vị là giờ đây tại VCK EURO 2016, những người Đức đang có khả năng gặp lại người quen cũ: tân binh Iceland từng gây sốc cho Đông Đức. Chỉ cần Iceland đứng thứ 3 bảng F và Đức xếp đầu bảng C, họ có thể hội ngộ ngay từ vòng 1/8 sau hơn 40 năm.