Trở ngại cho billiards hướng tới chuyên nghiệp: UMB cấm thi đấu 32 cơ thủ VN tham dự PBA LPBA SY Bazzar Hà Nội Open

thứ tư 18-9-2024 19:34:23 +07:00 0 bình luận
Phát triển từ thể thao nghiệp dư sang mô hình chuyên nghiệp và xã hội hóa thật sự là việc nói dễ hơn làm, cho dù đã có vài mô hình thành công.

Làng thể thao Việt Nam nói chung và billiards nói riêng những ngày qua lại có dịp xôn xao, sau khi Liên đoàn Billiards Carom Thế giới (UMB) cấm thi đấu 27 cơ thủ Việt Nam vừa tham dự PBA LPBA SY Bazzar Hà Nội Open 2024. Trong số đó, có 5 cơ thủ đã bị cấm liên tục mấy năm qua như Mã Minh Cẩm, Ngô Đình Nại, Nguyễn Huỳnh Phương Linh, Nguyễn Quốc Nguyện và Nguyễn Đức Anh Chiến do tham dự PBA từ lâu, nên không còn tranh tài tại những giải thuộc hệ thống của UMB.

27 cơ thủ còn lại có Trần Văn Ngân, Nguyễn Ngọc Trị, Ngô Văn Đức, Lâm Hán Thành, Nguyễn Văn Phước Hiếu, Đỗ Đức Hiền, Nguyễn Đình Núi, Trương Văn Đức, Ken Vĩnh, Tô Minh Thiện, Huỳnh Thanh Hiền, Nguyễn Vũ Quang Trường, Nguyễn Quốc Thắng, Huỳnh Tấn Mỹ, Huỳnh Đức, Huỳnh Lê Trương Hưng, Huỳnh Phi Long, Trần Đình Phương Vũ, Nguyễn Mạnh Phát, Nguyễn Văn Long, Trần Tiến Phong, Nguyễn Công Thành, Cao Ngọc Bảo Kha, Đặng Mai Phú, Trương Thái Duy, Trần Quốc Vinh, Trương Bé Năm.

Trần Văn Ngân tham dự PBA LPBA SY Bazzar Hà Nội Open 2024.

Thật ra, đối với giới billiard 3 băng, UMB cấm thi đấu đối với các cơ thủ dự PBA hoàn toàn không mới, vì năm nào mà chẳng cấm. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao chỉ thấy UMB ra lệnh cấm mà ở chiều ngược lại, PBA lại không? Sự khác biệt này chủ yếu do UMB là tổ chức được thành lập từ lâu dành cho thể thao nghiệp dư như tôn chỉ của IOC và Olympic (bên quần vợt có thể đối chiếu với ITF), còn PBA ra đời với mục tiêu chuyên nghiệp hóa môn billiards (như bên quần vợt có ATP và WTA).

Dĩ nhiên, UMB có công rất lớn trong nỗ lực phát triển billiards với 7 World Cup và 1 giải Vô địch thế giới, góp phần không nhỏ giúp Billiards Việt Nam lớn mạnh với những tên tuổi như Trẩn Quyết Chiến hoặc Bao Phương Vinh. Nhưng cho dù cố gắng rất nhiều, UMB vẫn không cách nào đẩy billiards lên thành một nghề. Nguyên nhân chủ yếu là do tiền thưởng còn ở mức khiêm tốn. Nhà vô địch World Cup những năm qua được khoảng 370 triệu đồng, còn vô địch thế giới nhận khoảng 480 triệu đồng. Khoản tiền thưởng đó thật ra không cao, nếu xét tới chi phí ăn ở khi thi đấu nước ngoài, như Nguyễn Hoàng Yến Nhi đi một lần tiết kiệm vẫn lên tới 55 triệu đồng, chưa kể chi phí thuê bàn tập và chu cấp cho gia đình. Vô địch còn chưa sống khỏe, bàn gì tới những cơ thủ bị loại trước đó. 

Vì vậy, không như các cơ thủ châu Á - ví dụ là Nguyễn Hoàng Yến Nhi của Việt Nam - có điều kiện dồn toàn bộ thời gian vào tập luyện thì ở châu Âu, ngoại trừ "nữ hoàng" Therese Klompenhouwer, hầu hết cơ thủ cả nam và nữ đều có việc làm ổn định và chỉ tập billiards lúc rảnh. Trong bối cảnh như thế, PBA ra đời với mục tiêu phát triển billiard carom 3 băng lên thành một nghề đủ để các cơ thủ kiếm sống mà không cần phải làm thêm công việc khác.

PBA thành công thuyết phục các tập đoàn lớn tài trợ như Panasonic, Shinhan Financial Investment, Welcome Savings Bank, TS Shampoo, Mediheal và SK Rent-A-Car; sau này có thêm Huons, NH Nonghyup Card, Blue One Resort và Crown Haitai. Nhờ đó, PBA có khả năng tổ chức hàng năm tới 9 giải Tour và 1 giải vô địch thế giới cho PBA (nam), số lượng giống như vậy cho LPBA (nữ), 7 Tour Trẻ và 6 Vòng đấu đồng đội. So sánh tiền thưởng, PBA vượt trội với mỗi ngôi vô địch Tour nam trị giá 1,8 tỷ đồng và Tour nữ 740 triệu đồng. Tiền thưởng cho giải Vô địch thế giới của PBA càng khủng khiếp với nhà vô địch nam nhận hơn 5,5 tỷ đồng, còn vô địch nữ có hơn 1,8 tỷ đồng.

Với lịch đấu đều đặn trong năm, PBA đảm bảo đủ sân chơi và thu nhập cho các cơ thủ thể hiện tốt, qua đó giúp họ có thể tập trung hoàn toàn cho billiards. Điều này giải thích tại sao các cơ thủ hàng đầu thế giới đang lần lượt chuyển từ UMB sang PBA. Cũng với tôn chỉ biến billiards thành một nghề, PBA chưa từng cấm cơ thủ thi đấu giải này tham dự những giải đấu của tổ chức khác, nên thỉnh thoảng lại thấy Mã Minh Cẩm, Ngô Đình Nại, Nguyễn Huỳnh Phương Linh, Nguyễn Quốc Nguyện và Nguyễn Đức Anh Chiến trở về Việt Nam tranh tài. Ngược lại, khi không đủ khả năng thu hút nhà tài trợ nhằm cạnh tranh tiền thưởng với PBA, UMB chỉ còn cách ra lệnh cấm nhằm níu kéo các ngôi sao. IOC sẽ không vì vậy mà khiển trách UMB, phần nào do xuất phát điểm của Olympic thật chất cũng là đấu trường dành cho thể thao nghiệp dư.

Thế nhưng, biện pháp này rõ ràng là cách cạnh tranh không lành mạnh, nhất là khi hệ thống thi đấu của UMB và PBA khác hẳn nhau. Sự khác biệt trong hệ thống thi đấu giải thích tại sao cho dù PBA có tiền thưởng khổng lồ, không ít ngôi sao vẫn trung thành với UMB như Trần Quyết Chiến. Từ đây có thể suy ra, chỉ cần vững mạnh về tài chính, UMB đủ sức cạnh tranh lành mạnh với PBA theo kiểu cơ thủ cảm thấy lối chơi của mình phù hợp hệ thống nào thì dự hệ thống đó. Nói cách khác, điều mà UMB cần làm không phải là ngăn cản cơ thủ chuyển sang PBA bằng lệnh cấm, mà cần cải tổ từ công tác tổ chức tới truyền thông nhằm thu hút thêm nhiều nhà tài trợ, qua đó gia tăng tiền thưởng đủ để góp phần biến billiards thành một nghề (như cách PBA đang làm) và tri ân những cơ thủ tài năng vẫn đồng hành cùng tổ chức này.

Du Yên
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội