Phelps: "Tôi không muốn thua trong lần cuối thi đấu trên quê hương"
Michael Phelps đã tuyên bố sẽ giã từ sự nghiệp thi đấu sau Thế vận hội tháng 8 tới đây. Và nếu như anh không đổi ý một lần nữa, phần thi 100m bướm tại kì tuyển chọn đội tuyển Olympic sẽ là lần cuối cùng Phelps thi đấu trên đất Mỹ.
Ngày hôm qua khi HLV Bob Bowman hỏi Phelps sẽ định thi đấu như thế nào cho nội dung 100m bướm, anh chỉ trả lời đơn giản:
"Tôi không muốn thua trong lần cuối thi đấu trên quê hương."
Michael Phelps chứng minh lời nói của mình bằng cách về nhất cuộc đua với thời gian 51".00, thành tích tốt thứ nhì thế giới ở nội dung 100m bướm kể từ đầu năm 2016.
Video: Michael Phelps về nhất tại nội dung 100m bướm (Nguồn: NBC)
'The Baltimore Bullet' đã gói gọn kì tuyển chọn Olympic bằng chiến thắng tại tất cả các nội dung mà anh dự thi, bao gồm: 100m bướm, 200m bướm và 200m hỗn hợp. Ở tuổi 31, Michael Phelps trở thành VĐV nhiều tuổi nhất vô địch ở một kì tuyển chọn Olympic bơi Mỹ kể từ năm 1960, thời điểm mà giải đấu bắt đầu thống kê thành tích của các VĐV.
Với những gì đã đạt được trong suốt sự nghiệp thi đấu, Michael Phelps có lẽ không cần ai khoác thêm cho mình những danh hiệu bóng bẩy. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn nhanh sau cuộc thi, Phelps cho rằng điều ý nghĩa nhất đối với anh ngày hôm nay là được thi đấu lần cuối trên đất nước mình, trước sự chứng kiến cổ vũ của gia đình, đặc biệt là cậu con trai bé bỏng Boomer Phelps.
Đối với đội tuyển Olympic bơi Mỹ, những đóng góp của Phelps tại Thế vận hội sẽ không chỉ dừng lại ở những tấm huy chương, mà còn là biểu tượng tinh thần của sự chiến thắng và sự khẳng định cho vị thế của bơi lội Mỹ đối với thế giới.
Có lẽ sẽ phải rất lâu nữa nước Mỹ mới lại sản sinh ra một VĐV bơi lội vĩ đại như Michael Phelps. Nhưng ở thời điểm này, bơi Mỹ cũng không thiếu những tài năng trẻ đầy hứa hẹn.
Chỉ tính riêng những VĐV vô địch trong các phần thi của kì tuyển chọn vừa rồi, Mỹ có đến 7 VĐV 19 tuổi và 4 VĐV 20 tuổi. Còn nếu tính số lượng những VĐV lần đầu được đại diện cho Mỹ tham dự một kì Olympic thì con số này lên tới 21 người, chưa tính những VĐV tham dự các nội dung đồng đội tiếp sức.
Ngoại trừ Missy Franklin hay Katie Ledecky, là những VĐV trẻ tuổi đã thành danh từ rất sớm, nhiều cái tên chỉ vài tháng trước đây thôi còn rất lạ lẫm, nhưng nay đã sẵn sàng trở thành những ngôi sao tỏa sáng tại Olympic 2016.
Josh Prenot, 22 tuổi, phá kỉ lục quốc gia Mỹ nội dung 200m ếch nam với thành tích 2:07.17. Ryan Murphy, chỉ mới 20 tuổi đã "vượt mặt" tất cả các bậc đàn anh sừng sỏ để về nhất ở cả 2 nội dung bơi ngửa 100m và 200m nam.
Video: Josh Prenot phá kỉ lục quốc gia Mỹ nội dung 200m ếch (Nguồn: NBC)
Townley Hass, 19 tuổi, chiến thắng cả những tên tuổi như Ryan Lochte và Conor Dwyer để chính thức đại diện cho Mỹ ở nội dung 200m tự do nam.
Những gương mặt nữ mới cũng không hề kém cạnh các đồng nghiệp nam. Lilly King, cô gái mới 19 tuổi đến từ Indiana University, thống trị cả 2 nội dung 100m và 200m ếch nữ. Hai cô gái 19 tuổi khác là Abbey Weitzeil và Simone Manuel cũng sẽ lần đầu tham dự Olympic ở các cự li ngắn 50m và 100m tự do.
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Maya Dirado, một tài năng nở muộn của bơi lội xứ cờ hoa. Cô gái 23 tuổi đến từ Standford University phải mãi một vài năm trở lại đây mới chứng tỏ được tài năng của mình trên đường đua xanh và cũng sẽ lần đầu tiên được tham dự một kì Olympic. Dirado chiến thắng tuyệt đối ở các nội dung hết sức quan trọng bao gồm 200m - 400m hỗn hợp và thậm chí còn vượt qua cả người đang nắm giữ kỉ lục thế giới, Missy Franklin, ở nội dung 200m ngửa.
Đối với Maya Dirado, Thế vận hội 2016 có thể sẽ là Olympic đầu tiên và cũng là cuối cùng của cô. Dirado đã lên kế hoạch giã từ đường đua xanh để chuyển tới Atlanta theo đuổi sự nghiệp tại một hãng tư vấn kinh doanh.
Nhưng nếu so sánh về độ nở rộ muộn màng, Maya Dirado vẫn phải "chịu thua" trước nam VĐV kì cựu Anthony Ervin. Giống như Phelps, kì Thế vận hội đầu tiên mà Ervin góp mặt là tại Olympic Sydney 2000, nơi anh đã giành tấm HCV cũng chính ở nội dung 50m tự do.
Năm nay đã bước sang tuổi 35, Ervin vẫn tỏa sáng ngay tại cự li ngắn 50m và 100m tự do trước những đàn em tuổi đôi mươi để kiểm cho mình tấm vé tham dự Olympic. Ervin hoàn thành phần thi của mình sau 21".51, chỉ chậm hơn đúng 1% giây so với Nathan Adrian, nhà ĐKVĐ Olympic nội dung 100m tự do.
Video: Anthony Erwin và Nathan Adrian chiến thắng ở nội dung 50m tự do (Nguồn: NBC)
Một số VĐV khác đã từng giành huy chương tại London cách đây 4 năm cũng đã giành được suất tham dự Olympic 2016. Trong đó có thể kể đến Nathan Adrian (50m - 100m tự do nam), Katie Ledecky (800m tự do nữ), Dana Vollmer (100m bướm nữ - 4x100m tự do nữ), Missy Franklin (200m ngửa nữ), Elizabeth Beisel (400m hỗn hợp nữ), Ryan Lochte (200m hỗn hợp nam), Conor Dwyer (200m - 400m tự do nam), Connor Jaeger (400m - 1500m tự do nam)...
Đội tuyển Olympic bơi lội Mỹ với sự kết hợp hài hòa giữa sức trẻ và kinh nghiệm hứa hẹn sẽ bảo vệ ngôi vị số 1 về số huy chương trước sự cạnh tranh từ các đội tuyển mạnh khác trên thế giới như Trung Quốc, Australia, Anh, Pháp, Nhật Bản...