Rio 2016: VĐV Trung Quốc cầu hôn trên bục chiến thắng có quá sốc?
Những ý kiến trái chiều đã xuất hiện khi nữ VĐV nhảy cầu He Zi được đồng đội, người bạn trai Qin Kai cầu hôn ngay sau khi cô vừa nhận HCB tại Olympic 2016.
Bởi tại Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung, những màn cầu hôn ở nơi công cộng không phải là phổ biến. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng đó là hành động “lãng mạn để đời” thì số còn lại nghi ngờ điều đó.
He Zi cũng không phải ngoại lệ. Và dù cô đã nhận lời cầu hôn của Qin Kai sau một khoảng thời gian bối rối khá lâu, vẫn có không ít quan điểm thể hiện sự bất bình.
Trên mạng xã hội Weibo, tài khoản Gu Jueyang viết: “He Zi phải đưa ra một quyết định cá nhân có thể thay đổi cuộc đời trong lúc cả thế giới đang chĩa cái nhìn về phía cô ấy. Quả là một cách tạo áp lực tuyệt vời. Nếu He Zi từ chối lời cầu hôn, cô ấy sẽ bị gắn mác độc ác bởi hàng tỷ người ngồi xem. Nó có thể lãng mạn thật, nhưng tôi không nghĩ như vậy”.
Một tài khoản Weibo khác thì giễu cợt: “Nơi công cộng và thời điểm, những thứ tạo nên cặp đôi vàng của Trung Quốc”.
Trong khi đó, nhà văn Sunny Singh đang sống tại London đưa ra luận điểm: Cầu hôn nơi công cộng là cách người đàn ông thể hiện cái tôi sở hữu của mình.
“Đó là một mánh khóe thể hiện sự sở hữu, giống như kiểu ‘em có thể giành huy chương Olympic hoặc là một giám đốc, nhưng điều quan trọng nhất với em là vợ của anh’. Không có gì lãng mạn ở đây cả. Hãy thử tưởng tượng nếu Michael Phelps giành HCV rồi một người phụ nữ đến cầu hôn anh ta, có lẽ mọi người sẽ cười cô ấy. Vấn đề ở đây là khi người đàn ông thành công, đám đông sẽ chúc mừng họ, còn người phụ nữ phải đứng sang một bên”.
Theo Singh, Qin Kai đã hưởng lợi khi chọn đúng thời điểm cô bạn gái vẫn còn xúc động với tấm huy chương: “Bạn vừa giành huy chương, điều mà bạn đã phấn đấu cả đời, trước rất đông khán giả. Kể cả những người sắt đá nhất cũng sẽ yếu mềm trong khoảnh khắc đó. Và với những người phụ nữ, họ được dạy phải cư xử lịch sự và chẳng thể nói không lúc đó”.
Trái ngược với quan điểm trên, những người khác nghĩ rằng Qin Kai chỉ đơn giản “hét to cho thế giới biết tình yêu của mình” và đó không phải việc làm sai trái.
Daisy Amodio – sáng lập của công ty chuyên tư vấn cách cầu hôn – tin rằng việc cả hai cùng là VĐV khiến họ hiểu nhau hơn: “Với cặp này, Olympic là tất cả. Họ đã tập luyện vất vả suốt 4 năm, vậy tại sao không làm điều đó ở đây? Phần thưởng cuối cùng cho họ là một đám cưới chẳng phải quá tuyệt vời sao!”.
Amodio thừa nhận cầu hôn nơi công cộng có những rủi ro, và đôi khi phản ứng không tốt đến từ mọi người xung quanh, nhưng khẳng định nó không mạo hiểm như nhiều người nghĩ.
“Bạn cần phải chắn chắn 100% đối tác sẽ đồng ý, điều này là không dễ. Thế nhưng cũng có vài cô gái thực sự muốn bạn trai cầu hôn mình. Tôi đã thuyết phục bạn trai tôi cầu hôn tôi trong 5 năm đấy”.
Amodio cho biết một nửa trong số những màn cầu hôn mà công ty cô tổ chức được yêu cầu diễn ra ở nơi công cộng. Tuy nhiên, điều này đang giảm đi khi nhiều người có xu hướng cầu hôn tình yêu của mình ở một địa điểm với khung cảnh lãng mạn hơn là trước đám đông.
Về màn cầu hôn của Qin Kai và He Zi, Amodio nói rằng cô không bất ngờ trước sự cổ vũ rất nhiệt tình của khán giả vì “cuối cùng, ai cũng thích cái kết có hậu”.
Video màn cầu hôn gây sốt của Qin Kai và He Zi: