Amalia Nabila: Từ thần đồng bóng chuyền tới tấm băng đội trưởng Indonesia
Sinh ra trong gia đình có cha là một VĐV bóng chuyền nên từ nhỏ, Amalia Nabila đã được tiếp xúc với bộ môn này. Trong một lần đi xem cha thi đấu, Amalia Nabila đã cố niềm đam mê mãnh liệt với bóng chuyền. Năm 9 tuổi, cô đã bắt đầu thi đấu và đến năm 13 tuổi, Amalia Nabila đã được góp mặt trong danh sách đội tuyển bóng chuyền nữ Indonesia.
Năm 2007, chủ công này được gọi lên đội tuyển bóng chuyền nữ tuy nhiên do dính chấn thương mắt cá nên cô đã bị gạch tên. Năm 2008, Amalia Nabila tham gia đội Popsivo Polwan, một đội bóng chuyền của cảnh sát ở Proliga và cô vừa tập luyện vừa đi học. Sau đó, cô gái này có cơ hội đại diện cho Indonesia tại Giải vô địch trẻ châu Á 2008 ở Manila, Philippines.
Amalia được coi là một trong những triển vọng nổi bật nhất trong làng bóng chuyền Indonesia và là một tài năng đặc biệt ở lứa tuổi của cô ấy. Bắt đầu sự nghiệp của mình khi còn là một thiếu niên, cô đã thu thập các huy chương ở cấp khu vực. Tại các kỳ SEA Games, Amalia luôn góp mặt trong danh sách thi đấu chính thức.
Sự nghiệp của Amalia từng gián đoạn vào năm 2017 do cô nhập học trường cảnh sát. Cô cũng là một trong những cầu thủ hiếm hoi khi vừa thi đấu bóng chuyền vừa làm cảnh sát. Tuy nhiên, chỉ sau một năm Amalia đã trở lại đội tuyển quốc gia khi Indonesia đăng cai Á vận hội 2018 tại Jakarta. Chủ công này đã chia sẻ rằng việc Indonesia đăng cai Á vận hội 2018 có giá trị tinh thần rất lớn đối với cô vì đó có thể là kỳ Á vận hội đầu tiên và duy nhất mà cô tham dự.
Ở cấp CLB, Amalia từng 4 lần giành được giải Cầu thủ xuất sắc nhất tại Indonesia Pro Liga từ mùa giải 2013 đến 2016. Ở SEA Games 25 tổ chức ở Lào, Amalia cùng đội tuyển bóng chuyền nữ Indonesia giành được huy chương đồng, thành tích này được kéo dài trong nhiều kì Đại hội.
Cô chủ công sinh năm 1994 này có rất nhiều hỏa lực từ vạch ba mét và mang lại sự ổn định trong tấn công cho đội của mình. Cùng với khủng long Thanh Thúy, cô Amalia từng lọt vào danh sách 7 cầu thủ đáng chú ý nhất tại SEA Games 30 và tại giải đấu này, cô cùng đồng đội đã giành được huy chương đồng.
Chính Amalia là bước đi tiên phong trong việc vừa là VĐV vừa làm cảnh sát và tạo đà thúc đẩy giúp bộ môn này phát triển hơn trông môi trường ấy. Sự hiện diện của các nữ cảnh sát trong cộng đồng bóng chuyền là động lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Cảnh sát. Nhưng trên cương vị là một vận động viên, Ipda Amalia cũng không muốn quên nhiệm vụ của mình khi khoác trên mình bộ đồng phục màu nâu của đội tuyển.
Tại SEA Games 31 lần này, nhiều người hâm mộ mong muốn sẽ tiếp tục được chứng kiến những màn thể hiện của cô nàng thần đồng này. Cuộc chạm trán giữa Thanh Thúy và Amalia luôn được coi là một trong những trận đấu hấp dẫn và đẹp mắt.