Bóng chuyền nam Hà Nội - Vì sao nên nỗi?
Vì đâu nên nỗi? Chúng ta phải lật ngược lại lịch sử của đội bóng với cái tên Bưu Điện Hà Nội và sau này được mang tên Viễn Thông Hà Nội. Ngày đó cái tên đội bóng chuyền ngành Bưu điện sau thuộc về Viễn Thông được coi là biểu tượng của Thủ đô với những VĐV đẳng cấp và thành tích đáng tự hào như Nguyễn Mạnh Hùng, Sỹ Hòa, Nguyên Hòa, Hùng Cường, Nguyễn Tuấn Kiệt...luôn là cái tên được nhắc đến đầu tiên trong làng bóng chuyền Việt Nam.
Khi đội bóng nữ Bưu Điện Hà Nội giải thể năm 2009 thì đội nam cũng được chuyển về ngành thể thao Hà Nội, kể từ đây đội bóng dường như phải bắt đầu lại từ đầu. Đứa con rơi rớt của ngành thể thao Thủ đô được bồi đắp để xây dựng và phát triển với con số 0 tròn trĩnh. Cho tới năm 2019 đội bóng nam mới chính thức trở lại với giải bóng chuyền VĐQG.
Trong trận chung kết giải hạng A mùa giải 2019, khi đối mặt với CA TP.HCM các chàng trai trẻ Hà Nội đã làm nên lịch sử khi đưa đội bóng trở lại. Sau trận đấu đó Ông Bùi Đình Lợi - Trưởng bộ môn Bóng chuyền - Bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội) chia sẻ sau khi đội bóng thắng trong trận chung kết mùa giải 2019: “Kết quả này phản ánh quyết tâm của toàn thể đội bóng”.
Ngay sau đó ông cho biết thêm: "Từ cuối năm 2019, khi bàn về đường hướng để đội bóng chuyền nam Hà Nội có thể thi đấu lâu dài tại Giải vô địch quốc gia, cần tìm kiếm những doanh nghiệp có thể đồng hành cùng đội. Đấy là điều cần thiết để giúp đội bóng phát triển bền vững, nhất là khi đội đã có hệ thống đào tạo trẻ cùng điều kiện tập luyện tốt hơn rất nhiều đội bóng khác ở Việt Nam".
Có thể nói, tại giải bóng chuyền VĐQG hiện nay, đội bóng chuyền nam Hà Nội thuộc dạng nghèo nhất mặc dù nằm giữa thủ đô và đại diện cho ngành thể thao của một trung tâm kinh tế chính trị của cả nước. Các VĐV vẫn lăn lưng đi đấu hội làng để kiếm thêm thu nhập bởi mức lương thực tế của họ chả đáng là bao so với nhiều đội bóng khác đang thi đấu tại giải bóng chuyền VĐQG.
Không có nhà tài trợ nên đội vẫn dựa vào nguồn ngân sách nhà nước để tập luyện và thi đấu. Nếu căn cứ Thông tư số 61/2018/TT-BTC ngày 26/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao khi tập luyện là 220.000 VNĐ và khi tập trung thi đấu là 290.000 VNĐ thì mức thu nhập của VĐV bóng chuyền nam Hà Nội quá bèo bọt.
Tuy nhiên, nếu như nhìn vào mặt tích cực có thể thấy các chàng trai bóng chuyền nam Thủ đô vẫn đang cống hiến cho niềm đam mê của mình bằng việc nỗ lực không ngừng sau từng mùa giải. Mùa giải trước họ đi chung kết ngược và may mắn vượt qua XSKT Vĩnh Long để trụ hạng.
Mùa này, tại vòng 1 họ thi đấu khá xuất sắc khi đánh bại những đối thủ sừng sỏ như Á quân TP.HCM, đó là tín hiệu mừng nhưng cần cụ thể hóa bằng những chiến lược dài hơi hơn để phát triển sao cho xứng tầm với bóng chuyền thủ đô. Đó là câu hỏi dành cho nhũng người làm quản lý để giúp lấy lại hình ảnh đội bóng người dân Hà Nội gửi gắm niềm tin vào đó, để hàng năm những chàng trai bóng chuyền Thủ đô không còn phải canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền mà tập trung cho chuyên môn lấy lại hình ảnh "vang danh một thuở" ngày nào.