Bóng chuyền Việt cần nhìn V.League, tránh nguy cơ "nhiều người ốm đánh một người mập"
Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã công bố nhà tài trợ mới cho mùa giải 2021 là hãng hàng không Bamboo Airways thuộc tập đoàn FLC. Theo đó, giải sẽ mang tên là Giải bóng chuyền VĐQG Cúp Bamboo Airways năm 2021. Hãng hàng không Tre Việt cam kết tài trợ cho Giải bóng chuyền VĐQG với mức 3,5 tỷ đồng/năm từ đó tăng mức thưởng cho các đội đạt thành tích tại giải.
Trước đó, Hãng đã cam kết tài trợ toàn bộ chi phí hoạt động cho đội bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc. Theo đó, đội bóng đang thi đấu tại giải hạng A chính thức đổi tên thành CLB bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc.
Gần như cùng thời điểm, tập đoàn FLC đã ký kết hợp đồng tài trợ cho đội bóng chuyền nữ Bộ Thông tin Liên lạc biến đội đương kim vô địch trở thành BTL Thông tin - FLC với gói tài trợ dành cho đội bóng có thời hạn 5 năm và mức tài trợ là 20 tỷ đồng/năm, trong đó có 15 tỷ tiền mặt và 5 tỷ đồng là các chi phí khác.
Nhìn từ thực tế này có thể thấy, hệ sinh thái Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết có liên quan đến 2 đội bóng chuyền nữ và còn liên quan đến Giải bóng chuyền VĐQG. Chính điều này khiến không ít người tỏ ra lo ngại bởi CLB Bóng chuyền nữ BTL Thông Tin - FLC hiện đang thi đấu tại giải đội mạnh toàn quốc.
Trở lại với câu chuyện liên quan tới biên bản ghi nhớ của Hãng hàng không với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc có ghi: “Mục tiêu của đội bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc đặt ra ngay từ năm 2021, đội sẽ tham gia Giải hạng A quốc gia, phấn đấu lên hạng đội mạnh. Từ năm 2022, đội sẽ tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế, bao gồm giải Vô địch quốc gia, phấn đấu nằm trong top 8 đội mạnh quốc gia...”.
Như vậy rất có thể từ mùa giải 2022 giải bóng chuyền VĐQG sẽ có 2 đội bóng “cùng 1 ông chủ” thi đấu. Những vấn đề về “vay - mượn” hay “xin - cho” lại được nóng lên sau lễ ký kết hợp tác của đơn vị FLC cùng hai đội bóng và với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.
Trong buổi lễ ký kết, ông Trịnh Văn Quyết có phát biểu: "Tôi bỏ bóng đá vì tôi cũng không có nhiều đội bóng để vô địch. Tôi bỏ bóng đá vì lý do nữa là quản lý VĐV (cầu thủ) rất khó và sau cuộc nói chuyện với anh Thành (Lê Văn Thành) tôi chuyển hướng làm bóng chuyền vì theo như tôi được biết các VĐV bóng chuyền “lành” hơn".
Mặc dù vậy, để xoa dịu những lo ngại, Chủ tịch Lê Văn Thành khẳng định ngay rằng sẽ không có những việc như vậy xảy ra trong tương lai. Nhưng người hâm mộ lo ngại những gì đang diễn ra với bóng đá đang chuyển hướng qua bóng chuyền, làm mất đi tính minh bạch, trung thực của giải đấu. Nhìn sang bóng đá Việt Nam, tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng đã làm ảnh hưởng rất xấu đến thương hiệu, làm xói mòn niềm tin NHM đối với V.League.
"Làm sao một đội đánh được 5 đội? Dù ốm mấy, 5 người ốm đánh 1 người mập cũng chết. Đưa Messi về đá cũng chắc chắn không vô địch được", Bầu Đức của HAGL từng có câu nói nổi tiếng hàm ý về tình trạng "một ông chủ nhiều đội bóng" tại giải đấu cao nhất của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Và một trong những lý do khiến Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, như chính ông chia sẻ trong buổi họp báo là vì "không có nhiều đội bóng để vô địch".
Một điều đáng chú ý, giải bóng chuyền vô địch quốc gia là sân chơi để đánh giá, lựa chọn các tuyển thủ quốc gia nên đặc biệt rất cần sự cạnh tranh sòng phẳng và tính trung thực cao.
Việc các doanh nghiệp cùng đồng hành là tín hiệu vui đối với bóng chuyền Việt, vốn có sức hút không kém bóng đá nhưng lại không nhận được nhiều sự đầu tư về tài chính. Tuy nhiên, việc một ông bầu tài trợ cho giải đấu, vừa tài trợ cho đội bóng đang tham dự giải đấu có thể coi là thách thức cho LĐ Bóng chuyền. Làm sao thương hiệu giải đấu không bị ảnh hưởng, niềm tin của NHM không bị thử thách là bài toán cần giải ngay, bởi cho đến giờ sau nhiều năm "lên chuyên", V.League vẫn chưa thể khôi phục niềm tin từ NHM, vẫn bị nhìn nhận như giải đấu của một ông bầu.