Chiến thắng thay đổi bóng chuyền nữ Việt Nam tại đấu trường SEA Games
Đó chính là chiến thắng trước các cô gái Philippines ở bán kết SEA Games 2001 được tổ chức trên đất Malaysia. Chiến thắng mà cho tới thời điểm này vẫn đang được nhớ tới như mốc son lịch sử đánh dấu bước đà để đưa bóng chuyền nữ nước nhà vươn mình thức giấc.
Nhìn lại lịch sử của bóng chuyền nữ Việt Nam hội nhập trở lại với bóng chuyền khu vực kể từ SEA Games 15 vào năm 1989 tại Malaysia khi đó chúng ta đứng cuối bảng với vị trí 6/6. Đó là những năm đầu tiên khi bóng chuyền nữ bước chân ra khu vực với nhiều bỡ ngỡ. Hành trình ấy kéo dài cho đến 8 năm sau tại SEA Games 19 (năm 1997) chúng ta mới có được tấm huy chương đồng đầu tiên sau rất nhiều giọt mồ hôi và cả máu trên sàn đấu.
Mong chờ 2 năm để bước tiếp thành công nhưng SEA Games 20 không được tổ chức cho nên đến kỳ SEA Games 21 trên đất Malaysia, đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia mới giành được tấm HCB và liên tiếp sau đó, trong các kỳ đại hội kể từ năm 2001 đến nay, bóng chuyền nữ Việt Nam luôn khẳng định được ngôi vị Á quân tại đấu trường khu vực.
Nhớ lại kỳ SEA Games 21 được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 8/9 đến ngày 17/9/2001. Đại hội được khai mạc tại sân vận động quốc gia Bukit Jalil với rất nhiều đoàn VĐV của các nước trong khu vực trong đó có các cô gái bóng chuyền nữ Việt Nam. Tại đại hội đó đoàn thể thao Việt Nam đứng thứ 4 trên bảng tổng sắp huy chương với 33 HCV, 35 HCB và 64 HCĐ.
Với riêng bóng chuyền là tấm HCB, tuy là về nhì nhưng nó cũng đánh dấu cho bước phát triển của những cô gái sau rất nhiều năm quyết tâm đổi mới. Đây cũng là dàn VĐV đã đi vào lịch sử làng bóng nữ nước nhà. Những cái tên Trần Hiền, Lê Hiền, Kiều Chinh, Thanh Tuyền, Thu Dung hay cả những cô gái trẻ Phạm Kim Huệ, Bùi Thị Huệ và Đặng Thị Hồng đã cho NHM một trận đấu mãn nhãn. Tại bán kết gặp đối thủ Philippines, chúng ta bị dẫn 2-1 và khi hiệp 4 đang diễn ra với tỷ số 24-17 nghiêng về đội bạn.
Lúc này chuyền hai Đặng Thị Hồng mới được tung vào sân và chính những đường chuyền bất ngờ, sáng tạo của cô gái khi đó mới 21 tuổi đã giúp ĐTVN lội ngược dòng với tỷ số 29/27. Đây chính là bước ngoặt để chúng ta kết thúc set 5 với chiến thắng để mang về phần thắng chung cuộc 3-2 và hiên ngang bước vào chung kết.
Chiến thắng trước Philippines ở một trận cầu có thể gọi là “điên rồ” mang về cho chúng ta tấm HCB vì sau đó các cô gái không thể vượt qua đối thủ cực mạnh là Thái Lan trong trận chung kết. Thiếu một chút nữa, chúng ta sẽ bước lên ngôi đầu khu vực nhưng đó là một thành tích đáng để tự hào.
Chiến thắng ấy góp phần cổ vũ cho những cô gái vàng của thế hệ sau này giữ vững ngôi Á quân nhiều năm liền tại khu vực ĐNÁ. Những con người ngày ấy giờ có người gắn bó với bóng chuyền theo nghiệp HLV, có người kinh doanh hay có người hiện nay vẫn thi đấu nhưng đó có thể coi là lứa cầu thủ thuộc thế hệ vàng của bóng chuyền Việt Nam, những người đã tạo ra bước đà chính xác cho sự phát triển sau này.
Danh sách VĐV bóng chuyền nữ tại SEA Games 21:
Trần Thị Hiền (21 tuổi - BĐQN)
Lê Thị Hiền (21 tuổi - BĐQN)
Bùi Thị Hương (20 tuổi - BĐQN)
Nguyễn Thanh Hoa (22 tuổi - BĐHN)
Lê Hương Lan (22 tuổi - BĐHN)
Đặng Thị Hồng (21 tuổi - BĐHN)
Lương Thị Thanh (20 tuổi - BĐHN)
Nguyễn Thị Kiều Chinh (24 tuổi - Giấy Bãi Bằng)
Nguyễn Tuyền (23 tuổi - Giấy Bãi Bằng)
Dương Thị Hải Hà (23 tuổi - Giấy Bãi Bằng)
Trần Thị Thanh Tuyền (23 tuổi - Giấy Bãi Bằng)
Trịnh Thị Thu Dung (26 tuổi - Long An)
Phạm Kim Huệ (18 tuổi - BTL Thông tin)
Bùi Thị Huệ (16 tuổi - Thái Bình)
Đỗ Thị Vĩnh Linh (21 tuổi - Hải Phòng).