Đào tạo bóng chuyền trẻ - Cái gốc cho sự phát triển bền vững
Để ý bấy lâu nay, những đội bóng thành công là những đội luôn có cho mình một thế hệ kế cận tốt để tiếp bước đàn anh đàn chị trên đội 1.
Phải nói đến những CLB đi đầu trong đào tạo trẻ như cái nôi Thông tin Liên Việt PostBank, Ngân hàng Công thương, VTV Bình Điền Long An...ở đó tuyến trẻ của CLB luôn đạt được những thành tích đáng nể để tiếp tục là niềm hy vọng cho người làm bóng chuyền. Các đội trẻ liên tục đạt được những giải cao trong thi đấu tại cấp độ trẻ chứng tỏ sự đầu tư có lộ trình và tuyển chọn một cách kỹ càng.
Thông tin Liên Việt PostBank là cái nôi hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam
Nhìn vào thành tích của các đội bóng hàng đầu hiện nay cũng thấy rõ một thực tế rằng hầu hết các VĐV đều “trẻ”. Đa phần các nhà vô địch Thông tin Liên Việt PostBank đều là những vận động viên mới được đôn lên đội 1 chỉ 1-2 năm trước đó.
Không nói đâu xa khi nhìn ngay cạnh đó là đội bóng Ngân hàng Công thương cũng chỉ toàn những VĐV trẻ mới lần đầu góp mặt tại giải VĐQG cũng đã làm nên thành công ngoài mong đợi. Đây là hướng đi hoàn toàn đúng và bền vững không chỉ trong bóng chuyền mà còn áp dụng cho tất cả các môn thể thao thành tích cao khác.
Công tác đào tạo trẻ của Thông tin Liên Việt PostBank là mô hình cho các CLB khác học tập
Để tập trung đào tạo trẻ đó là một quá trình đầu tư rất “tốn kém”. Nhưng về lâu dài đó lại là một điều có lợi cho những CLB vốn có truyền thống về đào tạo trẻ. Nhắc đến việc “ăn xổi ở thì” mới thấy hết được cái nguy hại của cách làm mua nguyên mọt đội hoặc mua những VĐV đẳng cấp về để thi đấu và cạnh tranh vị trí...song khi túi tiền vơi đi là lúc CLB bắt đầu lao dốc.
Những bài học nhãn tiền như Bảo Long Hà Tây, hay Hòa Phát Hưng Yên mới đây là minh chứng cho sự phát triển bột phát.
Ngân hàng Công Thương rất thành công trong công tác đào tạo trẻ mấy năm gàn đây
Nhằm đảm bảo nguồn nhân lực để CLB duy trì thành tích cao tại các giải đấu cấp độ trẻ cũng như tuyến 1 và cung cấp nguồn VĐV cho đội tuyển quốc gia trong những năm tới thì đào tạo trẻ vẫn luôn là cốt yếu. Nếu muốn giành được thành tích cao và duy trì thành tích lâu dài thì công tác đào tạo trẻ là đòi hỏi bắt buộc mà mỗi đội bóng đều phải hoàn thành tốt.
Trao đổi với PV ông Trần Đức Phấn trước đây cho hay “Để nâng chất bóng chuyền Việt Nam không còn cách nào khác phải tạo ra bước đột phá về đào tạo trẻ. Hiện tại, ngoài giải trẻ quốc gia, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam còn tổ chức một giải trẻ riêng cho các CLB thuộc giải VĐQG mang tính bắt buộc, thậm chí đội nào không có tuyến trẻ dự tranh sẽ bị trừ điểm và bị đánh tụt hạng”.
Chú trong phát triển và đào tạo bóng chuyền trẻ là gốc rễ của sự phát triển
Một cái nôi bóng chuyền như Thái Bình mấy năm qua cũng lao đao vì thực không còn có những lứa cầu thủ kế thừa tốt. Rất đáng buồn vì một cái "nôi" đầy truyền thống suốt một thời gian dài không có đại diện nào ở độ tuyển trẻ hay đội tuyển quốc gia nữa. Điều này mọt phần đến từ việc muốn phát triển quá nhanh và cần thành tích, một phần do lơ là công tác đào tạo trẻ với sự đầu tư thiên lệch nên đã buông lỏng tuyến dưới.
Rất nhiều biện pháp đã được đưa ra và cũng có những chuyển động tích cực, nhưng chưa đủ mức cần thiết. Hầu hết các đội chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng về lực lượng cùng vòng tròn luẩn quẩn của sức ép thành tích trước mắt, dù giờ đây sự quan tâm và điều kiện kinh phí chung đã tốt hơn nhiều.
Để có sự thành công như Thanh Thúy rất cần công tác đào tạo trẻ tìm kiếm phát hiện tài năng
Không cần phải nhìn đâu xa xôi, hay để ý đội bóng chỉ với 10 lần VĐQG trong 16 năm qua luon trình làng những gương mặt mới từng mùa. Rồi Ngân hàng Công thương được coi là trung tâm đào tạo trẻ mới hàng đầu của miền Bắc, nơi có sự góp mặt của hàng loạt các HLV, VĐV hàng đầu của bóng chuyền nữ Việt Nam. Rồi xa hơn một chút là VTV Bình Điền Long An được xem là “lá cờ đầu” của vùng đất phương Nam.
VTV Bình Điền Long An cũng là một thương hiệu có tiếng tăm lừng lẫy, xứng đáng nối tiếp truyền thống một trong những tượng đài của bóng chuyền nữ VN. VTV BĐLA còn có đến 2 trung tâm đào tạo trẻ là lớp năng khiếu của Sở VHTT & DL tỉnh Long An và lớp năng khiếu do Công ty Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm huấn luyện TTQG II trực tiếp tìm kiếm và đào tạo. Chẳng thế mà những VĐV như Trần Thị Thanh Thúy mới có cơ hội bơi ra biển lớn như bây giờ.