Mỗi năm 3 Giải bóng chuyền trẻ: Liệu có phải quá nhiều?
Trong hệ thống các giải thi đấu do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tổ chức hiện tại mỗi năm có 3 giải thi đấu bóng chuyền dành cho cấp độ trẻ là: Giải Vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc, Giải Vô địch Cúp các CLB toàn quốc và Giải Vô địch Bóng chuyền U23 quốc gia.
Thông qua các giải đấu, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam mong muốn thúc đẩy công tác đào tạo, xây dựng lực lượng vận động viên bóng chuyền trẻ toàn quốc bên cạnh việc góp phần rèn luyện, bồi dưỡng tài năng trẻ, tuyển chọn vận động viên xuất sắc tập trung đội trẻ quốc gia tham dự các giải đấu quốc tế.
Không những thế, thông qua các giải bóng chuyền trẻ còn giúp các nhà chiến lược chuẩn bị lực lượng kế cận cho đội tuyển quốc gia như nhiều năm qua bóng chuyền đã từng thành công với nhiều VĐV tài năng. hàng năm, thông qua những giải đấu này, nhiều CLB đã trình làng được những VĐV có tố chất trở thành lực lượng kế cận cho đội tuyển quốc gia trong thời gian tới.
Năm 2020 thêm giải Vô địch Bóng chuyền U23 quốc gia tạo nên 3 sân chơi cho các VĐV trẻ trên toàn quốc có cơ hội được thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm thi đấu. Nhìn rộng ra khu vực và trên thế giới thì mật độ giải trẻ trong 1 năm tại Việt Nam là quá ít. Nhiều quốc gia ngay cạnh chúng ta như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật bản đã có những giải U12,13 trở lên cho các VĐV thi đấu, từ đó giúp đội tuyển bóng chuyền quốc gia của họ có được nhiều lựa chọn và chất lượng luôn được nâng cao.
Thông qua những giải đấu như thế giúp các CLB bóng chuyền tập trung định hướng đào tạo trẻ và tập trung nguồn lực cho tương lai của đội bóng. Lực lượng kế cận luôn được đảm bảo và dồi dào. Từ đó nuồn lực dành cho đội tuyển quốc gia được nâng tầm về số lượng và chất lượng hơn so với hiện nay.
Tại Việt Nam, ngoài Giải Vô địch bóng chuyền Cúp các CLB toàn quốc là yêu cầu bắt buộc 20 đội bóng đang thi đấu tại giải VĐQG cử đội trẻ tham dự. Hai giải đấu còn lại là các đội bóng có thể đăng ký tham dự hoặc không tham dự cũng không chịu ràng buộc bởi bất cứ quy định nào khác.
Như vậy, có thể thấy để tập trung đào tạo và phát triển bóng chuyền trẻ là bài toán kết hợp khá nhuần nhuyễn giữ lãnh đạo mang tầm chiến lược của Liên đôàn Bóng chuyền Việt Nam cùng với các CLB đang nắm giữ thế mạnh về đào tạo trẻ. Tiến tới, muốn Bóng chuyền Việt Nam phát triển cần chú trọng hơn và có quy chế đặc thù cho các đội bóng hạng đội mạnh và ngay cả hạng A để cùng chung sức trong quá trình thực hiện đào tạo trẻ.
Việc tạo ra nhiều sân chơi cho các vận động viên trẻ sẽ giúp họ có cơ hội được thi đấu tích lũy kinh nghiệm và tạo nguồn vận động viên cho các giải đấu chuyên nghiệp cấp độ cao cũng như đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, thiết nghĩ các nhà chiến lược cần điều chỉnh thời điểm tổ chức giải đấu để đảm bảo thể lực, phong độ tốt nhất cho các vận động viên, tránh hao mòn thể lực dẫn đến chấn thương đáng tiếc ảnh hưởng đến quá trình phát triển lâu dài.
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Giải Vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc đã chính thức bị hoãn vô thời hạn và sẽ trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát (theo thông báo của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam). Đây là quyết định bất khả kháng vào thời điểm cả xã hội đang chung tay chống lại sự lây lan của dịch COVID-19. Hy vọng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các giải đấu sẽ trở lại thành món ăn tinh thần cho NHM bóng chuyền nước nhà.