Nữ Thanh Hóa, đội bóng chuyền nữ khốn khó nhất làng bóng chuyền Việt Nam
Nhắc đến thành tích mà đội bóng chuyền nữ xứ Thanh có được trong những năm gần đây là khá tốt. Tại giải vô địch quốc gia, Tiến Nông Thanh Hóa vẫn thường xuyên góp mặt trong 4 đội mạnh nhất, chỉ xếp sau những đội bóng giàu truyền thống như Thông tin Liên Việt Postbank, VTV Bình Điền Long An và Ngân hàng Công thương.
Chỉ duy hai mùa gần nhất sự sa sút bắt đầu khi các cô gái phải “quyết tâm” trụ hạng trong những trận đấu cuối cùng của mùa giải. Điều này có thể nhìn thấy từ sâu tận gốc rễ của bóng chuyền Thanh Hóa khi đây là đội bóng ít “điều kiện” nhất, họ chỉ sống nhờ những khoản tài trợ của nhà tài trợ Tiến Nông với số tiền ít ỏi.
Tiến Nông Thanh Hóa vô địch giải bóng chuyền nữ tỉnh Đắk Lắk mở rộng năm 2017
Trong mùa giải 2019, Tiến Nông Thanh Hóa đối mặt trước khó khăn khi 2/3 đội hình do tuổi tác và điều kiện gia đình đã giải nghệ. Đội bóng buộc phải bước vào giai đoạn trẻ hóa, chuyển giao lực lượng, những khó khăn, thử thách đã được dự báo trước với đội bóng ngay từ khi mùa giải mới bắt đầu.
Lực lượng VĐV trẻ kế cận được đôn lên khỏa lấp vào 2/3 đội hình bị khuyết. Đây là lứa VĐV vừa non về chuyên môn, vừa thiếu kinh nghiệm thi đấu, chưa đủ sức tranh tài tại giải VĐQG khi phải đối đầu với các đội bóng mạnh. Họ thường bị thua nhanh vì non kinh nghiệm ở những thời điểm quan trọng của các séc đấu, trận đấu trước các đối thủ ngang cơ.
Tiến Nông Thanh Hóa gặp khó khi chuyển giao thế hệ
Đầu mùa trước, phụ công Đinh Thị Trà Giang cũng chính thức chia tay Tiến Nông Thanh Hóa để đầu quân cho đội bóng Kinh Bắc Bắc Ninh. Sự ra đi của phụ công này và việc 2/3 trụ cột giải nghệ đã để lại một khoảng trống lớn trong đội hình của Tiến Nông Thanh Hóa. Chưa kể, hai trụ cột khác là Lê Thị Lan, Lê Thị Nga sau thời gian nghỉ sinh chưa thể đạt được phong độ cao nhất khi vừa trở lại.
Sự kết hợp giữa các trụ cột mới và cũ như Lê Thị Dung, Lê Thị Hạnh, Bùi Thị Thắm, Hồng Ngọc... và các cầu thủ trẻ mới được đôn lên chưa tạo được sự ăn ý vốn có. Điểm yếu rõ rệt nhất của đội theo quan sát của những nhà chuyên môn đó chính là khâu bắt bước 1.
Khi Đinh Thị Trà Giang (6) rời đội, đội bóng càng thêm khó khăn
Theo quy định của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, tất cả các đội bóng tham gia giải vô địch quốc gia đều bắt buộc phải có đội bóng tham gia giải trẻ vô địch quốc gia. Đây cũng chính là điều kiện để các đội bóng đào tạo lực lượng kế cận cho đội 1. Việc tìm kiếm các VĐV trẻ trong khoảng 3 năm trở lại đây gặp rất nhiều khó khăn.
Công cuộc tìm kiếm từ phong trào tại các địa phương trong tỉnh càng khó hơn, do vậy đội vẫn phải cố gắng chọn bằng được VĐV để bảo đảm quân số cho đội trẻ, bổ sung cho đội 1 dù chưa đáp ứng được yêu cầu. Phải khá vất vả mới giành quyền trụ hạng sau trận play-off nghẹt thở trước Mikado Thái Bình, đội bóng chuyền nữ Tiến Nông Thanh Hóa bước vào mùa giải mới với những yêu cầu về sự tái thiết mạnh mẽ và những thay đổi để theo kịp sự phát triển chung của bóng chuyền cả nước.
Ban huấn luyện đội bóng cũng thay đổi để hướng tới những mục tiêu cao hơn
Sau nhiều năm gắn bó với đội 1, HLV Lê Thị Bình đã chia tay đội bóng để nhường chỗ cho HLV Đỗ Văn Niên. Với sự thay đổi cơ bản trên băng ghế huấn luyện, nhiều khả năng đội bóng sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong phương hướng phát triển CLB cũng như tìm kiếm những mục tiêu cho mình trong mùa giải mới.
Được biết mùa giải 2020 này, mục tiêu của Tiến Nông Thanh Hóa là trụ hạng và phấn đấu giành thứ hạng cao khi có cơ hội. Hiện nay, trung tâm đang đàm phán với nhà tài trợ Tiến Nông để tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành ở mùa giải năm nay. Với những sự đầu tư, đổi mới mạnh mẽ từ ban huấn luyện, lực lượng cầu thủ, hy vọng rằng, Tiến Nông Thanh Hóa sẽ thay đổi hình ảnh của mình, trở lại mạnh mẽ hơn trong mùa giải 2020.