Vì sao “đại tỷ” Ngân hàng Công thương liên tục mất quân?
Ngay từ đầu mùa bóng Nguyễn Thị Xuân đã chuyển sang khoác áo Hóa chất Đức Giang Hà Nội khiến đội bóng trở nên suy yếu khá nhiều so với mùa trước. Có thể nói Nguyễn Thị Xuân chính là công thần của đội bóng trong suốt một thời gian dài cùng với lứa đàn chị Phạm Kim Huệ, Hà Thị Hoa...đưa đội bóng vươn tới đỉnh cao của bóng chuyền Việt Nam.
Sự ra đi của Nguyễn Thị Xuân khiến HLV Nguyễn Tuấn Kiệt phải đôn lứa trẻ từ tuyến 2 lên cáng đáng và chính bởi lý do đó, ngôi sao mới chủ công Vi Thị Như Quỳnh đã có màn thể hiện không thể tốt hơn dần khỏa lấp chỗ trống của người đàn chị để lại.
Mùa trước Đinh Thị Thúy cũng khiến làng bóng chuyền xôn xao trong vụ kiện tụng tốn nhiều giấy mực của báo chí. Sự ra đi trong những lùm xùm của cô gái quê Hà Nam khiến bản thân cô không thể chơi tại vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG PV Gas 2019. Đinh Thị Thúy cùng với Lưu Thị Huệ, Nguyễn Thu Hoài, Lê Thanh Thúy được BHL đội bóng xây dựng tạo thành bộ khung hướng tới những thành công cho đội 1 như trong quá khứ.
Tuy nhiên với nhiều lý do khác nhau Đinh Thị Thúy đã về với Kinh Bắc Bắc Ninh trong một mùa giải nhiều biến động. Năm đó Ngân hàng Công thương vẫn về nhì tại giải bóng chuyền VĐQG PV Gas 2020.
Mới đây, trước khi vòng 2 và vòng chung kết giải bóng chuyền VĐQG PV Gas 2020 diễn ra. chủ công Trần Tú Linh cũng theo đàn chị Nguyễn Thị Xuân hội ngộ tại đội bóng nhà giàu Hóa chất Đức Giang Hà Nội. Đây là thông tin khiến nhiều người bất ngờ bởi hợp đồng của cô được ký một cách chóng vánh và đương nhiên cô gái người Hà Tĩnh cũng “ngồi chơi xơi nước” tại vòng 2 và vòng chung kết diễn ra trong tháng 12 tới đây.
Sự ra đi của Tú Linh khiến đội bóng Ngân hàng lúng túng trước giai đoạn quan trọng nhất của mùa giải. Rất may, nhờ tài thao lược của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt hai cái tên kỳ cựu Phạm Kim Huệ và Đoàn Thị Xuân đã kịp trở lại góp sức cùng đội bóng cho cuộc chiến cạnh tranh một vị trí cao tại giải bóng chuyền hàng đầu quốc nội.
Vậy lý do nào khiến “đại tỷ” Ngân hàng Công thương liên tục mất quân? Câu hỏi được đặt ra khiến nhiều người ngỡ ngàng khi nhìn vào quá trình rơi rụng nhân tài của đội bóng. Trao đổi với HLV Nguyễn Tuấn Kiệt ông cho biết “hiện tại do cơ chế quản lý của đội bóng với VĐV chỉ bằng hợp đồng lao động của Ngân hàng Viettinbank mà không có một đơn vị chuyên trách thể thao quản lý bằng những hợp đồng chặt chẽ như một số đội bóng khác nên sự ràng buộc không nhiều. Hơn nữa đội bóng đa phần là những người sống cùng nhau bằng cái tình với CLB tuy nhiên ở đâu cũng thế, một số VĐV dễ bị lôi kéo bởi những những khoản lót tay cao từ các đội bóng khác mặc dù nếu nói về mức lương tại CLB so với mặt bằng chung đang thuộc Top cao của làng bóng chuyền Việt”.