Alex Ferguson nhận lương cao nhất Man Utd: Nghề nguy hiểm, tiền phải nhiều
Một điều chắc chắn, thành công không sao nhưng thất bại sẽ khiến HLV là người phải ra đi đầu tiên. Vì thế, việc họ đòi hỏi quyền lợi cho mình là điều hoàn toàn dễ hiểu, dù đó là một HLV như Alex Ferguson.
Có thể nói, trong vô vàn chi tiết được cựu HLV người Scotland tiết lộ trong cuốn “Leading” vừa mới phát hành, như việc Man Utd đã bỏ qua cơ hội kí hợp đồng với Sergio Aguero, Daniel Levy là người rất khó đàm phán như tất cả đều biết, Pep Guardiola từ chối đến Old Trafford hay Jose Mourinho thích trở lại Chelsea hơn là thay thế ông và Paul Scholes, Eric Cantona, Cristiano Ronaldo, Ryan Giggs là những cầu thủ đẳng cấp thế giới ít ỏi mà ông từng làm việc, chứ không phải David Beckham, Wayne Rooney, Roy Keane hay Peter Schmeichel, thì tiết lộ thú vị nhất có lẽ là bản hợp đồng của ông và những đòi hỏi về lương.
Nhờ thế, trong khi tất cả đều tin rằng Wayne Rooney là cầu thủ có thu nhập cao nhất ở Premier League với bản hợp đồng mới trị giá 250.000 bảng/tuần được kí vào năm 2010, số 1 tại Old Trafford không ai khác là Ferguson. Điều này chỉ được Ferguson tiết lộ trong “Leading” khi Ferguson viết: “Khi nhà Glazer và David Gill đồng ý tăng lương cho Wayne Rooney vào năm 2010, họ muốn biết suy nghĩ của tôi. Tôi đã nói với họ tôi không nghĩ đây là điều công bằng nếu Rooney có thu nhập cao gấp đôi tôi và Joel Glazer hỏi luôn, ‘Tôi đồng ý với ông, nhưng chúng tôi nên làm gì?’ Quá đơn giản. Chúng tôi đồng ý với nhau rằng không cầu thủ nào được trả cao hơn tôi”.
Nhờ thế, Ferguson cũng được tăng lương lên gấp đôi sau đó và hợp đồng được kí trong 3 năm cho đến lúc ông rời Old Trafford. Vấn đề ở đây là liệu có công bằng hay không khi một HLV vốn chỉ ngồi ngoài đường piste lại có thể có thu nhập cao nhất nhì phòng thay đồ, thay vì là những ngôi sao đẳng cấp thế giới? Trong con mắt của Fergie, dĩ nhiên câu trả lời là hoàn toàn hợp lý, dù chuyện so đo giữa ông và Rooney có thể là một trong những lý do khiến mối quan hệ của họ xấu đi.
Mở rộng ra, thứ nhất, có thể theo cựu HLV người Scotland, ông là người quyết định thành bại của Man Utd vì ông xây dựng đội hình, đưa cầu thủ này về, đẩy cầu thủ kia đi. Và Rooney hay một cầu thủ nào khác không thể làm được điều đó.
Thứ hai, ông đã giúp Man Utd trở thành đội bóng giàu thành tích nhất ở Anh và nhờ thành công đạt được trên sân cỏ, Red Devils đã nổi tiếng khắp thế giới, thu hút được nhiều fan và các hợp đồng quảng cáo, tài trợ.
Thứ ba, nếu tất cả vẫn nói không có cầu thủ nào lớn hơn CLB, ở trường hợp của Ferguson, ông lớn hơn Man Utd. Bằng chứng là Man Utd đã trải qua mùa giải tệ nhất (2013/14) trong nhiều năm sau khi ông tuyên bố giải nghệ.
Sau cùng thì lịch sử Premier League, nếu không muốn là bóng đá Anh, không có người thứ hai như Ferguson. 26 năm cho đến 2013, hàng trăm cầu thủ đến và đi qua cánh cổng sân Old Trafford nhưng ông vẫn ngồi đó, vẫn đưa Man Utd giành hết danh hiệu này tới danh hiệu khác. Sự ổn định mà ông xây dựng cho Old Trafford xứng đáng được bù đắp bằng những đòi hỏi về lương, về cầu thủ và về quyền quyết định mọi chuyện. Có thể ai đó sẽ cho rằng, ông đã quá tham lam và độc tài, thử hỏi Man Utd sẽ cảm thấy sao khi họ trả cho David Moyes một mức lương vừa phải, rồi sa thải và bồi thường cho ông ta? Sau đó, họ đưa Louis van Gaal về, trả cho HLV người Hà Lan một khoản và không biết khi nào Man Utd có thể trở lại vị trí số 1 ở Premier League?
Và không chỉ có Ferguson. Arsene Wenger cũng hành động tương tự ở Arsenal, đội bóng mà ông dẫn dắt kể từ năm 1996 tới nay. Theo báo chí Anh, hợp đồng của Wenger có kèm điều khoản đảm bảo ông luôn là người có thu nhập cao nhất ở Emirates. Sở dĩ có chuyện này là khi Thierry Henry gia hạn hợp đồng, tiền đạo người Pháp vượt qua ông và vì thế, trong lần đàm phán sau, ông đã yêu cầu CLB ghi kèm điều khoản trên.
Điều thú vị là nhiều năm trước, khi Ferguson biết thu nhập của người đồng cấp, ông cũng đòi Man Utd trả một con số tương tự. Tình thế bất đắc dĩ này đã buộc giám đốc điều hành David Gill phải kiểm tra xem Fergie có nói đúng về thu nhập của Wenger hay không, trước khi họ tăng lương cho ông.
Những đòi hỏi của Ferguson hay Wenger có thể xuất phát từ một phần tính cách của họ nhưng HLV nào cũng là con người và ngoài cái quyền họ được đòi hỏi cho tương xứng với công việc của họ, cho sức ép họ phải đối mặt, mức thu nhập còn phản ánh sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên.
Trong trường hợp ngược lại và xấu nhất là bị sa thải, ít nhất họ cũng sẽ được đền bù cho những rủi ro rất lớn thường xảy ra với họ nhiều hơn là với các cầu thủ.
Mạnh Hào
HLV giàu nhất ở Anh
Trước khi Alex Ferguson chia tay sân cỏ vào hè năm 2013, Sunday Times Sport Rich List đã thống kê ông là HLV giàu nhất ở Anh với số tài sản trị giá 34 triệu bảng. Thống kê này của Sunday Times Sport Rich List gọi nôm na là tiền nổi như bất động sản, tranh, ngựa đua, lương… Trước đó vào năm 2012, tờ France Football cho biết Ferguson nhận 6,6 triệu bảng/năm ở Old Trafford.
Đứng sau Ferguson là cựu HLV của Sunderland và Ipswich, Roy Keane, người có số tài sản 29 triệu bảng. Kế đó là Arsene Wenger của Arsenal (29 triệu bảng) và Roberto Mancini (21), Giovanni Trapattoni (21), Sven-Goran Eriksson (16), những người hiện đã rời Anh… hay Steve Bruce (14).
Sau đó là cựu HLV của QPR , Harry Redknapp, với 13 triệu bảng, rồi HLV hiện đang dẫn dắt Stoke, Mark Hughes (14 triệu bảng)…
Phạm Hưng
Từ số báo ngày mai (25/09), trang Phòng đọc chậm của Thể thao 24h sẽ bắt đầu đăng tải cuốn tự truyện Leading của Sir Alex Ferguson. Mời quý độc giả đón đọc.