Conte và Guardiola tính “nghỉ hưu non” vì ngại... "nghề nguy hiểm"
Trong tương lai, có lẽ người hâm mộ khó được chứng kiến một HLV lão làng như Ferguson, Wenger, Trapattoni còn ngồi trên băng ghế huấn luyện ở bóng đá đỉnh cao.
Sir Alex Ferguson phải đến năm 72 tuổi mới về hưu, Giovanni Trapattoni vẫn còn dẫn dắt đội tuyển CH Ireland khi 74 tuổi, Arsene Wenger sắp bước sang tuổi 68 nhưng chưa có ý định nghỉ ngơi…
Tuy nhiên, đấy có thể chỉ là những trường hợp hiếm hoi tiêu biểu cho sự bền bỉ trong bóng đá hiện đại. Càng ngày tuổi nghề của các HLV càng giảm xuống dưới áp lực thành tích khủng khiếp.
Không phải ngẫu nhiên trong thời gian qua, lần lượt Pep Guardiola và Antonio Conte đều đề cập đến việc từ giã sự nghiệp huấn luyện. Dù điều này sẽ xảy ra trong nhiều năm tới nhưng nó phần nào cho thấy mức độ khốc liệt của nghề cầm quân, đặc biệt ở một giải đấu đỉnh cao như Premier League.
Conte vừa tiết lộ ý định nghỉ hưu sau 10 năm nữa. Chiến lược gia của Chelsea sẽ bước sang tuổi 48 trong tháng này, điều có nghĩa ông muốn chấm dứt sự nghiệp trước tuổi 60.
Dù không ít lần tuyên bố "Bóng đá là cuộc sống với tôi!", và cách thể hiện tình yêu, cá tính trên đường piste rất cảm xúc, nhưng cựu HLV Juventus không mong đợi sẽ làm việc bền bỉ ngay cả khi đã bước qua "đầu 6" như Sir Alex hay Wenger.
“Tôi có sự tôn trọng lớn cho Pep Guardiola và tôi nghĩ rằng khi bạn có một phương pháp, khi bạn có một triết lý bóng đá muốn mang đến cho tất cả các đội mình dẫn dắt, bạn phải dành nhiều năng lượng. Đôi khi nó khiến bạn có chút mệt mỏi - mệt mỏi hơn trong một số giai đoạn", Conte chia sẻ khi được hỏi về việc HLV Man City mới tuyên bố cách đây ít ngày về kế hoạch sớm nghỉ hưu sau 3-4 năm nữa.
Theo quan điểm của Conte, một HLV dành 20 năm huấn luyện mỗi ngày và đối mặt áp lực hằng tuần sẽ mất rất nhiều năng lượng. Nhưng đó không chỉ là năng lượng thể chất mà còn là năng lượng tinh thần. Tất yếu là trong sự mệt mỏi ấy, bất kỳ ai cũng có thể xảy ra để suy nghĩ về hưu.
Conte muốn có một sự nghiệp huấn luyện lâu dài như những tượng đài Ferguson hay Wenger nhưng thừa nhận rằng vợ ông không thích điều đó. Hẳn nhiên, không ai khác ngoài bà xã của chiến lược gia người Italia hiểu rõ những vất vả và áp lực mà nghề huấn luyện đem lại. Nó tạo ra căng thẳng triền miên, thậm chí là những cơn mất ngủ dưới sức ép về thành tích.
Sự thật, chính Conte và cả Guardiola đã không dưới 1 lần thú nhận rằng họ thường xuyên mất ngủ nếu đội nhà không thể giành chiến thắng.
Bởi thế, có thể hiểu vì sao cựu HLV Liverpool, Gerard Houllier từng rằng nghề huấn luyện viên có thể tổn hại cho sức khỏe, tinh thần. Khi Houllier phải nhập viện hồi năm 2011 để mổ tim, Martin O'Neill nói đùa rằng, ông lo lắng khi những áp lực và căng thẳng đè nặng lên các HLV tại Premier League khiến họ không có thời gian để… cười.
Carole Seheult, một nhà tâm lý học thể thao, tỏ ra lo lắng về tương lai của các HLV có thể khiến họ mắc bệnh về thể chất: “Có thể có hiệu ứng vật lý của làn sóng ngầm này bắt nguồn từ sự lo lắng, bao gồm huyết áp cao và các bệnh liên quan đến stress khác, như viêm loét”.
Trước đây, Tiến sĩ Dorian Dugmore - Tổng thư ký Hội đồng thế giới về phục hồi chức năng tim phổi cho biết, gần một nửa số HLV bóng đá Anh có vấn đề đáng kể về tim mạch và công việc áp lực cao của họ là một “công thức cho thảm họa tiềm năng”.
Theo khảo sát của tờ Independent, một HLV tại Premier League phải làm việc trung bình 87,5 giờ mỗi tuần trong điều kiện khắc nghiệt với áp lực về thành tích và nguy cơ bị sa thải. Vì thế, dù luôn thu hút những HLV hàng đầu thế giới nhưng tuổi nghề của họ tại đây đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Hay nói cách khác, dù lĩnh lương trung bình hằng triệu bảng/năm thì đổi lại, các chiến lược gia phải đối mặt với một "nghề nguy hiểm" đúng nghĩa khi dẫn dắt một CLB tại giải Ngoại hạng.
Như thế, không ai dám đảm bảo rằng những Conte, Guardiola, Klopp, Mourinho có thể trụ vững ở Premier League trong nhiều năm tới một khi họ luôn phải đối diện với áp lực khủng khiếp mỗi tuần trôi qua.