Hỏi mua Arsenal: Dangote liệu có giống bầu Đức?

thứ sáu 19-6-2015 16:19:58 +07:00 0 bình luận
Một lần nữa, Aliko Dangote lại đánh tiếng muốn làm ông chủ của Arsenal. Liệu khát vọng ấy có thực tế, hay lại đổ bể như cách nay vài năm?

Dangote giàu cỡ nào?

Được giới bóng đá biết tiếng từ 5 năm trước do hỏi mua cổ phần của cổ đông lớn Arsenal Nina Bracewell-Smith, Aliko Dangote hiện là người giàu nhất châu Phi và đứng trong Top 70 thế giới trên bảng xếp hạng năm 2015 của tạp chí Forbes với gia sản ước tính khoảng 11,5 tỷ bảng. Cách nay 1 năm, chính tạp chí uy tín này từng bầu chọn Dangote là Nhân vật tiêu biểu trong năm của châu Phi và cũng trong năm ấy, ông được vinh dự đăng đàn phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Chi tiết đáng chú ý nữa là cho dù tài sản sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán thế giới, doanh nhân người Nigeria 58 tuổi này vẫn rất chăm làm từ thiện. Chỉ trong 2 năm qua, ông đã quyên góp khoảng 185 triệu USD. Ngoài những khoản chi hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân lũ lụt hoặc trọ giúp các phụ nữ bị hiệu ứng phụ sinh phẫu thuật, đóng góp của Dangote cho xã hội chủ yếu là các dự án mang tính chiến lược và có ý nghĩa lâu dài như tái thiết các trường đại học hoặc phát triển nguồn nhân lực…

Có phần phải “chém gió”?

Do đó, khi Dangote tuyên bố ông muốn thâu tóm Arsenal, đây ắt hẳn là một ý tưởng nghiêm túc. Dĩ nhiên trong giới kinh doanh, kế hoạch mua các CLB bóng đá, đặc biệt ở Premier League đều dễ dàng dẫn ngay tới kết luận rằng đó là một chiến lược nhằm đánh bóng tên tuổi bản thân trên thương trường hơn là thật lòng muốn đầu tư, nhất là nếu thương vụ ấy không thành hiện thực. Premier League nói riêng, bóng đá Anh nói chung và rộng hơn nữa là các cường quốc bóng đá của mỗi châu lục đều từng có những chuyện như vậy.

Đơn cử như Liverpool: trước lúc George Gillett Jnr và Tom Hicks mua được đội bóng, từ cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, tập đoàn Dubai International Capital cho tới các doanh nhân như Steve Morgan, Robert Kraft và cả nhà sản xuất phim ở Hollywood là Mike Jefferies đều từng dạm hỏi. Ngay cả Arsenal cũng từng xảy ra chuyện tương tự, khi không chỉ Dangote, mà cả bầu Đức đều từng tuyên bố muốn làm chủ các “Pháo thủ”. Tuy nhiên, thiện chí của Dangote là có thể tin được, vì ông không khẳng định phải mua Arsenal bằng mọi cách. Dangote chỉ tâm sự: “Tôi có thể mua Arsenal, nhưng không phải với một cái giá lố bịch, mà là một mức giá đủ khiến các ông chủ đội bóng không thể cưỡng lại nổi. Tôi hiểu rõ chiến lược của mình”.

Arsenal xưa…

Thế nhưng, phải thừa nhận là sau 5 năm, tài sản của Dangote đã tăng gấp 7, song chướng ngại trong dự tính mua Arsenal cũng tăng lên nhiều. Vì ở lần đầu Dangote liên hệ mua cổ phiếu Arsenal, ban lãnh đạo CLB thật sự có nhu cầu để bán do các “Pháo thủ” đang nợ 360 triệu bảng. Trở ngại chính ngăn cản Dangote thành công chủ yếu chỉ là lòng tự ái của người Anh. Trong khi đó, “miếng bánh” Arsenal bị chia cắt khá nhiều. Ban lãnh đạo nắm 45,31% cổ phần, Chủ tịch Peter Hill-Wood sở hữu 0,8%, Giám đốc Danny Fiszman là cổ đông lớn nhất với 24,11%, Giám đốc Nina Bracewell-Smith có 15,9%, Giám đốc Richard Carr nắm 4,3%, còn các thành viên khác trong ban lãnh đạo có 0,2%, chưa kể Hội CĐV nắm 3,0% cổ phần.

Vào thời điểm ấy, thế lực nước ngoài chỉ có doanh nhân Mỹ Stanley Kroenke sở hữu 12,19% cổ phần, tập đoàn Lansdowne Holdings chiếm 2,7% cổ phần, công ty Red & White của tỷ phú Nga Alisher Usmanov cũng chỉ nắm 24% cho dù mua được 14,58% cổ phần từ cựu PCT David Dein. Đồng thời, số cổ phiếu Arsenal trôi nổi trên thị trường lúc đó chiếm khoảng 15% cổ phần. Nhưng do Dangote không động thủ, Kroenke rốt cuộc đã bứt lên để trở thành ông chủ tại Emirates.

…và nay

Giờ đây, trước mắt Dangote là Arsenal đã có thể sống khỏe. Dĩ nhiên, báo cáo tài chính mới nhất tiết lộ các “Pháo thủ” vẫn còn nợ khoảng 240 triệu bảng do vay mượn để xây sân mới. Thế nhưng, khoản thu 300 triệu bảng từ truyền hình, bán vé và kinh doanh đủ để trang trải nợ nần, thậm chí còn đủ tiền sắm siêu sao như Alexis Sanchez. Lại thêm quy định công bằng tài chính, dự định bơm tiền cho Arsenal của Dangote không còn ý nghĩa“đưa than sưởi ấm giữa mùa tuyết rơi” như cách nay 5 năm. Song song đó, nội bộ Arsenal hiện nay khá “đoàn kết” với 67% cổ phần thuộc về Kroenke và hơn 30% trong tay Usmanov. Theo tính toán của Forbes, giá trị của đội bóng này hiện lên đến 843 triệu bảng (1,3 tỷ USD).

Nhưng ở đời, mọi chuyện đều thường có hai mặt. Dangote nay cũng có thuận lợi, bởi thay vì phải thuyết phục nhiều người thì giờ đây nếu muốn nắm quyền điều hành Arsenal, ông chỉ cần thương lượng với Kroenke – hiện còn là cổ đông chính của CLB bóng bầu dục St. Louis Rams ở Mỹ. Và ngay cả khi giá trị của Arsenal leo lên tới trên 1 tỷ USD, đó cũng chỉ là con số lẻ trong tài sản của tỷ phú người Nigeria. Chỉ có điều chắc chắn là Dangote sẽ không bỏ ra khoản tiền lớn như vậy đầu tư vào Arsenal. Vấn đề đáng chờ đợi là Dangote dự định trả giá tới đâu, vì cho dù đang bước vào giai đoạn hưởng thụ một thương hiệu lớn với đội hình ngon lành và nợ nần không đáng kể, song vì là dân kinh doanh nên rõ ràng, các ông chủ Arsenal chẳng có gì là không thể bán, nếu nhận được một đề nghị đáng cân nhắc.

MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội