Man City - Watford: Pep đã sai về... tắc bóng?
Pep Guardiola từng tuyên bố thà “về nhà” còn hơn thay đổi cách huấn luyện Man City. Tuy nhiên ông nên sớm “thức tỉnh” trước những vấn đề nghiêm trọng liên tiếp ở hàng thủ đội bóng.
"Tôi không phải HLV của những cú xoạc bóng, vì vậy tôi không cho các cầu thủ tập xoạc bóng", Pep nói sau thất bại tan nát 2-4 trước Leicester cách đây vài ngày. "Tắc bóng là gì? Điều tôi muốn là cố gắng chơi hay và ghi nhiều bàn thắng".
Quả thật Man City là đội ít xoạc bóng nhất trong 6 đội đang dẫn đầu bảng xếp hạng. Tính trên cả giải đấu, họ đứng thứ 17 và chỉ hơn ba đội về chỉ số này là Sunderland, West Ham (bộ đôi vật lộn ở khu vực đèn đỏ) và Burnley.
Premier League ngày nay có tốc độ chóng mặt và thiên về cơ bắp. Vì vậy những pha tắc bóng là điều cần thiết ở giải đấu này. Chúng giúp giải quyết vấn đề nhanh chóng, khiến đối phương chùn bước và gây hưng phấn mạnh cho khán giả.
Arsenal: 291 lần
Man Utd: 285
Liverpool: 283
Chelsea: 275
Man City: 239
Trước đây những nhà vô địch nước Anh đều sở hữu một vài chuyên gia xoạc bóng trong đội hình. Ở Chelsea dưới thời Jose Mourinho là Terry, Carvalho, Gary Cahill và Makelele. Sir Alex có Roy Keane, Scholes, Gary Neville, Vidic ở Man Utd.
Trong giai đoạn Man City nổi lên, Kompany là chuyên gia đánh chặn kiểu vậy. Bây giờ Man Xanh trông hoàn toàn khác lạ khi thiếu đội trưởng người Bỉ.
Có lẽ Pep đã thật lòng khi nói ông không bao giờ huấn luyện các học trò xoạc bóng. Ở Tây Ban Nha và Đức, Barca và Bayern luôn có thế trận vượt trội, chơi áp đảo và khiến đối phương chẳng có mấy cơ hội cầm bóng để thử thách hàng thủ của Pep.
Nhưng tại Premier League – nơi có 5 hay 6 đội cạnh tranh cho chức vô địch – Man City chỉ trông cậy vào hàng công là không ổn. Pep ý thức được sự quan trọng của phòng ngự, nhưng dường như cách giải quyết của ông lại không đi thẳng vào vấn đề trọng yếu.
Man City: 50 lần
Swansea: 39
West Ham: 36
Thay vì “đóng khung” hàng thủ để duy trì sự ổn định, Man City liên tục thay đổi đội hình và ra sân với hàng loạt sơ đồ, hệ thống khác nhau. John Stones rõ ràng là người “tội nghiệp” nhất.
Chàng trai 22 tuổi luôn phải thi đấu dưới sức ép của phí chuyển nhượng 50 triệu bảng. Vậy mà anh chẳng biết ai sẽ là người đá cặp với mình vào giữa hay cuối tuần.
Chưa hết, Pep yêu cầu một trung vệ như Stones phải chơi như một tiền vệ trung tâm – nghĩa là sở hữu nhãn quan chiến thuật cùng khả năng chuyền bóng tốt.
Video các sai lầm không thể tha thứ của Man City mùa này
Rốt cục tương lai của nước Anh càng ngày càng nhạt nhòa. Stones đã mắc 2 sai lầm “chí tử” ở mùa này vì chuyền về cho Bravo. Nếu tính từ mùa giải trước, cựu cầu thủ Everton là một trong 6 “tội đồ” mắc nhiều sai lầm dẫn đến bàn thua nhất. Đáng nói, 5 người còn lại đều là thủ môn.
Rất nhiều trận như tại King Power hôm thứ Bảy, chỉ có một mình Sotnes là trung vệ thực thụ trong hàng thủ 3 người. Sagna hay Kolarov chỉ chực thấy Man City có bóng là lao lên. Hôm đó, Zabaleta còn được đẩy lên cao để đá wing-back.
Artur Boruc (Bournemouth): 6 lần
John Stones (Everton/Man City): 5
Fabianski, Mignolet, Guzan, Ruddy: 4
Pep đang cố gắng “đốt cháy giai đoạn” ở sân Etihad và gần như bỏ qua nhiệm vụ tối quan trọng ở bóng đá Anh: phòng ngự.
Nhà cầm quân TBN mang Bravo để “Barca-Bayern hóa” Man City. Nhưng Stones không đủ trình bằng Pique hay Boateng, Fernandinho mạnh mẽ nhưng không tinh tế như Alonso hay Xavi.
Zabaletta/Kolarov càng chẳng bao giờ đạt tới tầm của Lahm/Alaba.
Dưới thời Pep, có thể Man City đã thuyết phục được nhiều khán giả về lối chơi tấn công đầy hào nhoáng. Nhưng kết quả mới là điều tối quan trọng.
Man City chỉ giữ sạch lưới 1 trong 17 trận gần nhất trên mọi đấu trường. Họ toàn thắng 10 trận đầu tiên, nhưng chỉ có thể thắng 4 sau 15 trận đã qua.
Bayern và Barca trải qua rất nhiều năm và nhiều thế hệ để hình thành phong cách, triết lý của riêng mình. Ở thành Manchester, 10 chiến thắng liên tiếp đầu mùa chưa đủ để làm bệ phóng cho Pep nâng tầm Man City.