Man Utd khó nhọc tìm người thay thế "Mr May mắn"?
Rải hàng trăm triệu bảng cho các kỳ CN gần đây, đội bóng giàu có Man Utd vẫn chưa tìm ra sự thay thế xứng đáng cho “Mr may mắn” Michael Carrick.
Carrick đang sở hữu thành tích “nực cười” đến khó tin ở mùa giải này. Anh giúp Man Utd bất bại, chính xác hơn là gần thắng trong tất cả các trận mình ra sân.
Cụ thể ở chiến dịch 2016/17, Carrick thi đấu 15 trận thì “Quỷ đỏ” thắng 13. Ở 2 trận hòa còn lại, thầy trò Jose Mourinho tưởng như cầm chắc 3 điểm đến nơi nếu không bị Everton và Arsenal gỡ hòa 1-1 ở những phút cuối.
Để so sánh, khi không có “Mr May mắn” trong đội hình, cũng với 15 trận, Man Utd chỉ thắng 6 và thua tới 5. Tỷ lệ thắng giảm hơn một nửa từ 87% xuống còn 40%.
Mùa 2014/15: 87,5% (14/16)
Mùa 2015/16: 54,5% (12/22)
Mùa 2016/17: 75% (6/8)
Thực tế, tầm quan trọng của Carrick đã hình thành từ rất lâu ở Old Trafford. Trong chức vô địch Anh gần nhất của Man Utd, mùa 2012-13, Van Persie ghi 23 bàn nhưng Carrick đóng vai trò “sống còn” khi ra sân 36/38 vòng đấu.
Anh là "chiếc gạch nối cực kỳ quan trọng" - như Sir Alex Ferguson từng nhận xét, trong bối cảnh những tiền vệ tổ chức như Scholes hay Giggs bắt đầu rút lui vào hậu trường.
Khi Louis van Gaal xuất hiện vào mùa Hè 2014, chiến lược gia Hà Lan không tin tưởng một tiền vệ đã 33 tuổi như Carrick. Sai lầm chí tử ấy gián tiếp khiến Man Utd đánh rơi 17 điểm sau 10 vòng đấu mở màn, bắt nguồn từ sự chuệch choạc của hàng tiền vệ.
Video màn trình diễn của Carrick ở mùa 2016/17
Nhưng kể từ lúc Carrick được trao cơ hội đá chính ở vòng 11, Man Utd giành 6 chiến thắng liên tiếp tại giải Ngoại hạng. Trong cả mùa đó, “Quỷ đỏ” thắng 14/16 trận với “Mr may mắn” đá chính.
Kịch bản tương tự cũng xảy ra với Mourinho nửa đầu mùa này. Phải sau 12 trận của chiến dịch 2016/17, Carrick mới có tên trong đội hình xuất phát. Hôm đó, Man Utd đè bẹp Swansea với tỷ số 3-1 và kể từ đó tiền vệ 35 tuổi đá chính 7/9 trận tiếp theo.
Carrick nhận chiếc áo số 16 của Roy Keane từ năm 2006. Nhưng lối chơi của tiền vệ này không dữ dẵn, thô bạo như người đàn anh, dù tầm ảnh hưởng là không hề thua kém.
Carrick chơi bóng điềm tĩnh như Giggs và thông minh như Scholes. Anh hóa giải sức ép của đối thủ bằng những pha di chuyền hay chuyền bóng tưởng chừng đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Dù dưới triều đại HLV nào đi nữa, có Carrick trên sân, lối chơi của Man Utd mượt mà, uyển chuyển hơn hẳn.
Sau khi Scholes và Giggs lần lượt giải nghệ, Man Utd nỗ lực tìm kiếm những “bộ óc” xuất chúng để kế tục. Nhưng Vidal, Sneijder hay Thiago đều không tới Old Trafford chỉ vì sự thiếu quyết đoán của phó chủ tịch Ed Woodward.
Ngược lại, “Quỷ đỏ” không tiếc tiền tiêu hàng trăm triệu bảng cho những cầu thủ tấn công như Di Maria (60 triệu bảng), Depay (25), Martial (60), Pogba (89), Mkhitaryan (26). Họ cũng mang về nửa tá tiền vệ Mata (37), Fellaini (27,5), Herrera (29), Schneiderlin (24) hay Schweinsteiger (6,5).
Nhưng không ai có thể tạo ra nhiều “may mắn” như Carrick, dù trẻ và khỏe hơn rất nhiều. Thậm chí một tiền đạo miễn phí như Ibra, cũng 35 tuổi như Carrick, mới đang là đầu tàu của Man Utd với 18 bàn sau 28 trận.
Có lẽ sau kỳ CN Đông, như một thói quen, Man Utd sẽ lại mời chào Carrick thêm 1 năm hợp đồng. Đó là điều cần thiết nhưng không thể giải quyết triệt để vấn đề.
“Quỷ đỏ” không thiếu tiền và họ cần mạnh tay để mang về những ngôi sao tầm cỡ ít nhất có thể cho thấy sẽ gánh được trọng trách Carrick để lại. Đó có thể là Kroos (Real), Verratti (PSG), Dele Alli (Tottenham)… Nhưng liệu ai sẽ tới?