Man Utd: Thua nhiều, tiền cũng... mất tiêu
Chưa rõ Man Utd sẽ tiến xa đến đâu ở Premier League mùa này, nhưng "Quỷ đỏ" không thể chịu đựng một mùa giải nữa nằm ngoài Top 4 và không kiếm nổi vé dự Champions League.
Thất bại ê chề trước Watford đánh dấu trận thua thứ 2 liên tiếp của thầy trò Mourinho khi mùa giải mới đi qua 5 vòng. Đành rằng, Man Utd hiện chỉ cách vị trí thứ 4 của Arsenal đúng 1 điểm và mùa giải còn rất dài. Nhưng cách khởi đầu như thế này thật khó chấp nhận với CLB đã đốt nhiều tiền thứ nhì trong kỳ chuyển nhượng vừa qua (145 triệu bảng).
Hãy nhớ, trong 3 mùa gần đây, “Quỷ đỏ” chỉ duy nhất một lần lọt vào Top 4, chính xác hơn là cán đích thứ tư ở mùa giải 2014/15 - năm đầu tiên trong triều đại Louis van Gaal. Nhưng ngay mùa sau, 2015/16, Man Utd bị loại thẳng cẳng ngay từ vòng bảng Champions League và xếp thứ 5 chung cuộc ở Premier League.
Đó là giai đoạn mà doanh thu của đội chủ sân Old Trafford không thể tăng đột biến như kế hoạch đề ra, thậm chí còn sụt giảm trông thấy.
Cụ thể, Man Utd đạt doanh thu kỷ lục trong lịch sử đội bóng ở mùa giải 2013-14 với 433,2 triệu bảng. Nhưng sau một năm tràn trề thất vọng cùng David Moyes (cán đích thứ 7), thu nhập của CLB giảm xuống còn 395,2 triệu bảng ở chiến dịch 2014-15. Trong đó, gần 40 triệu bảng thâm hụt bắt nguồn từ việc không thể tham dự đấu trường Champions League.
Doanh thu của Man Utd (đơn vị: triệu bảng)
Mùa 2013-14: 433,2 (kỷ lục) - Tiền từ Champions League: 18 tiền thưởng + 20,2 từ bản quyền truyền hình
Mùa 2014-15: 395,2 – lỗ 40 triệu bảng vì không được dự Champions League
Mùa 2015-16: 515,3 (kỷ lục) - Tiền từ Champions League: 13,6 tiền thưởng
Mùa 2016-17: 540 triệu bảng (dự toán) – lỗ 70 triệu bảng vì không được dự Champions League
Mùa giải trước, Van Gaal và Man Utd dù sớm dừng bước ở vòng bảng Champions League nhưng vẫn giúp CLB kiếm về khoảng 40 triệu bảng. Và nó góp phần giúp "Quỷ đỏ" lập kỷ lục trở thành đội bóng Anh đầu tiên vượt ngưỡng 500 triệu bảng doanh thu, cụ thể là 515,3 triệu bảng cho mùa 2015/16 như công bố cách đây hơn 1 tuần.
Việc trở lại đấu trường danh giá nhất châu Âu mùa trước cũng giúp Man Utd ký được tới 14 hợp đồng tài trợ, nổi bật nhất là với Adidas cùng mức tài trợ kỷ lục 750 triệu bảng/10 năm. Đó là tiền đề để Man Utd có thể chi tiêu thoải mái trong kỳ CN Hè và lập kỷ lục với thương vụ 92 triệu bảng Paul Pogba, bên cạnh nguồn thu tăng mạnh từ bản quyền truyền hình khi gói 3 mùa giải từ 2016-2019 của Premier League được bán với giá kỷ lục 8,3 tỷ bảng.
Mới đấy, Man Utd cũng dự tính doanh thu mùa này sẽ quanh mốc 540 triệu bảng, bất chấp đã mất gần 70 triệu bảng từ các hợp đồng tài trợ quảng cáo cũng như việc CLB không được dự Champions League năm nay. Nhưng bởi CLB đã chi bộn tiền trong Hè để nâng cấp đội hình, chưa nói đến tham vọng trở lại ngôi vương, rõ ràng mục tiêu "tối thiểu" với Man Utd cũng là nằm trong Top 4, không chỉ để thu về mức thưởng lớn hơn từ BTC Premier League mà còn kiếm suất dự Champions League mùa tới.
Nhưng nếu cứ chơi với phong độ hiện tại, 9 điểm sau 5 vòng đấu, trung bình 1,8 điểm/trận, Man Utd sẽ chỉ có thể giành tổng cộng 68,4 điểm ở Premier League. Mà trong 5 năm trở lại đây, số điểm trung bình của đội bóng xếp thứ 4 - đội giành suất tham dự Champions League cuối cùng - là 71,4 điểm.
Còn nhớ, Adidas tuyên bố sẽ cắt giảm 30% số tiền tài trợ nếu như Man Utd hai năm liền không lọt được vào Top 4. Mà bản hợp đồng tài trợ kỷ lục 750 triệu bảng/10 năm với hãng đồ thể thao khổng lồ này đã giúp cải thiện đáng kể doanh thu của "Quỷ đỏ" trong hoạt động thương mai.
Bên cạnh đó, UEFA hứa hẹn sẽ tăng bộn tiền thưởng tại Champions League để làm hài lòng các CLB từ lớn đến nhỏ của châu Âu. Cụ thể từ mùa sau, một đội được thưởng 14 triệu bảng nếu có mặt ở vòng bảng, 2 triệu bảng cho một trận thắng ở vòng bảng, lọt vào vòng knock-out là 7,3 triệu bảng... Tổng cộng nhà vô địch châu Âu có thể thu về 68 triệu bảng tiền thưởng, đó là chưa kể tiền bản quyền truyền hình. Mà nếu Man Utd chỉ có thể ngồi nhà xem Champions League qua ti-vi, tiền sẽ không tự chảy vào túi họ.