Những bản hợp đồng cho mượn tiền đạo tốt nhất và tệ nhất ở Ngoại hạng Anh
Jurgen Klinsmann (Sampdoria – Tottenham, 1998)
Khi phải đối mặt với nguy cơ xuống hạng ở mùa giải 1997/98, Tottenham đã người hùng Jurgen Klinsmann trở lại sân White Hart Lane với hy vọng tiền đạo người Đức sẽ tái hiện phong độ giúp ông ghi 29 bàn sau 50 trận ở mùa giải duy nhất thi đấu cho Spurs, 1994/95.
Rốt cuộc, Klinsmann đã không khiến NHM Tottenham phải thất vọng khi đóng góp 9 bàn trong 15 trận ở Premier League, bao gồm 4 bàn trong chiến thắng 6-2 trước Wimbledon, một trận đấu có tính quyết định giúp “Gà Trống” trụ hạng thành công.
George Weah (AC Milan – Chelsea, 2000)
Đến Chelsea ở tuổi 34, nhưng George Weah vẫn tạo ra nhiều khoảnh khắc cảm xúc trong 6 tháng ngắn ngủi khoác áo The Blues.
Cựu tiền đạo AC Milan đã ghi 5 bàn cho Chelsea, bao gồm pha lập công ở trận ra mắt gặp Tottenham và 2 bàn giúp Chelsea tiến vào chung kết FA Cup, giải đấu họ đã vô địch sau chiến thắng trước Aston Villa.
Robbie Keane (Inter Milan – Leeds Utd, 2001)
Robbie Keane đã chuyển đến Inter Milan với mức giá 13,1 triệu bảng vào mùa Hè năm 2000 sau một mùa giải ấn tượng cùng Coventry City. Nhưng sau khi HLV Marcelo Lippi bị sa thải, HLV kế nhiệm Marco Tardelli đã không trọng dụng Robbie Keane và đẩy anh đến Leeds Utd theo hợp đồng cho mượn vào tháng 1/2001.
Trở lại với môi trường thi đấu quen thuộc, Robbie Keane nhanh chóng lấy lại bản năng sát thủ, ghi 9 bàn trong 14 trận đầu tiên đá cho Leeds Utd. Phong độ ấn tượng của Keane đã thuyết phục Leeds Utd mua đứt anh vào tháng 5/2001 với mức giá 12 triệu bảng.
Nicolas Anelka (PSG – Liverpool, 2002)
Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, “Gã du mục” Nicolas Anelka từng khoác áo 4 đội bóng hàng đầu nước Anh. Ngoài 3 lần được mua đứt bởi Arsenal, Chelsea và Man City, tiền đạo người Pháp còn có khoảng thời gian 6 tháng thi đấu cho Liverpool vào năm 2002.
Tuy nhiên, khoảng thời gian khoác áo Liverpool không thực sự tốt đẹp với Anelka khi anh chỉ có vỏn vẹn 4 bàn thắng, và The Kop cũng không thể vượt qua Arsenal để giành chức vô địch giải Ngoại hạng mùa 2001/02.
Christophe Dugarry (Bordeaux – Birmingham City, 2003)
Năm 2003, Birmingham City đã gây sốc khi mượn thành công nhà vô địch World Cup 1998, Christophe Dugarry, khi đội bóng này đang mấp mé trên bờ vực xuống hạng.
Với đẳng cấp của mình, Dugarry đã giúp Birmingham thoát hiểm ngoạn mục bằng cách đóng góp 5 bàn trong 4 trận đấu quan trọng với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Sunderland, Charlton, Southampton và Middlesbrough.
Sau đó, Birmingham đã mua đứt tiền đạo 30 tuổi người Pháp ở mùa giải kế tiếp, nhưng Dugarry không còn tỏa sáng như khoảng thời gian thi đấu dưới dạng cho mượn.
Henrik Larsson (Helsingborg – Man Utd, 2007)
Ở tuổi xế chiều, Larsson gia nhập Man Utd theo một bản hợp đồng kỳ lạ bậc nhất lịch sử. Tiền đạo người Thụy Điển chỉ thi đấu ở Man Utd từ ngày 1/1 đến ngày 12/3, trùng với thời gian giải VĐQG Thụy Điển nghỉ thi đấu.
Dù chỉ đá cho Manu trong hơn 2 tháng, nhưng Henrik Larsson cũng kịp đóng góp 3 bàn thắng sau 13 lần ra sân và nhận được sự đánh giá rất cao từ HLV Sir Alex Ferguson cả về thái độ thi đấu lẫn năng lực chuyên môn.
Sau đó, Man Utd đã ngỏ ý muốn gia hạn hợp đồng với Larsson đến cuối mùa giải 2016/17, nhưng tiền đạo người Thụy Điển đã từ chối để trở về quê nhà.
Daniel Sturridge (Chelsea – Bolton, 2011)
Không thể chen chân vào đội một của Chelsea vào năm 2011, Daniel Sturridge đã quyết định chuyển sang Bolton tích lũy kinh nghiệm, và đây là một lựa chọn đúng đắn.
Tiền đạo người Anh đã có 8 bàn sau 12 lần ra sân cho Bolton, sau khi trở thành cầu thủ thứ 6 ghi bàn trong cả 4 trận đầu tiên thi đấu cho một đội bóng mới ở Premier League. Phong độ tốt của Daniel Sturridge đã giúp Bolton trụ hạng thành công, nhưng bản thân tiền đạo người Anh vẫn không thể có chỗ đứng ở Chelsea.
Romelu Lukaku (Chelsea – West Brom, 2012/13)
Giống như Daniel Sturridge, Romelu Lukaku cũng không được trọng dụng tại Chelsea và chỉ có thể tìm kiếm cơ hội ra sân tại các đội bóng nhỏ hơn theo dạng cho mượn.
Và West Brom đã may mắn nhận được món quà từ Chelsea khi mượn thành công Lukaku ở mùa giải 2012/13. Tiền đạo người Bỉ đã ghi 17 bàn giúp West Brom kết thúc mùa giải năm đó ở vị trí thứ 8, thành tích tốt nhất của đội bóng ở giải Ngoại hạng.
Nhưng cũng giống như Sturridge, Lukaku vẫn không thể chiếm được một suất đá chính tại Chelsea và tiếp tục được cho mượn tại Everton trong mùa giải tiếp theo, trước khi hoàn toàn dứt áo ra đi vào mùa 2014/15.
Radamel Falcao (Monaco – Man Utd, 2014 và Monaco – Chelsea, 2015)
HLV Louis van Gaal và nhiều người NHM Man Utd đã rất vui mừng khi đội bóng của họ mượn thành công Radamel Falcao kèm theo điều khoản mua đứt vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng Hè 2014.
Chân sút Colombia đã có khởi đầu không tệ sau khi bình phục chấn thương dây chằng khiến anh phải bỏ lỡ World Cup 2014. Nhưng ngày vui không kéo dài được lâu, Falcao dần mờ nhạt và kết thúc 1 mùa giải thi đấu cho Man Utd với thành tích 4 bàn sau 29 lần ra sân.
Sau đó, HLV Jose Mourinho vẫn quyết định đưa Falcao về Chelsea vào tháng 7/2015 với hy vọng hồi sinh “Mãnh hổ”, nhưng bất thành.