Những pha "ngả bàn đèn" có nên bị cấm khỏi bóng đá?
Diego Costa, Laurent Koscielny và Rudy Gestede đã trở thành tâm điểm của bóng đá Anh tuần vừa qua sau khi lập công trong tư thế “ngả bàn đèn”. Tuy nhiên, đây cũng là lúc dư luận được một phen sục sôi với câu hỏi: “Liệu có nên cấm các cầu thủ thực hiện những cú tung móc hay không?”.
Chẳng nói đâu xa, ngay trong trận mở màn mùa giải trước, tiền đạo của Norwich, Cameron Jerome đã có một pha tung người móc bóng đẹp mắt để ghi bàn cho đội nhà. Nhưng pha lập công đó đã không được trọng tài Simon Hooper công nhận bởi cú vung chân của Jerome gây nguy hiểm cho hậu vệ Joel Ward bên phía Crystal Palace.
Video: Bàn thắng không được công nhận của Cameron Jerome
Mới đây, Kyle Naughton, Jordy Clasie và Eric Lichaj đều than phiền rằng, những pha tung móc khiến họ bị tổn thương ở vùng mặt. Trong đó, Eric Lichaj đã bị thâm tím mặt sau khi hứng trọn mũi giày Rudy Gestede.
Theo điều 12 của Luật Bóng đá, hành vi nguy hiểm là “bất kỳ những hành động nào đe dọa gây chấn thương cho cầu thủ khi chơi bóng, bao gồm cả việc ngăn cản đối thủ chơi bóng vì sợ chấn thương”.
Tuy nhiên, điều luật này còn nhấn mạnh: “Các cầu thủ được phép sử dụng những pha tung người móc bóng hay cắt kéo nếu như chúng không gây nguy hiểm cho đối thủ”.
Vậy những pha quăng chân với độ cao gần 2m, ngay sát mặt cầu thủ đối phương, có phải là hành vi nguy hiểm? “Không!”, lời khẳng định của ông Dermot Gallagher, cựu trọng tài Premier League.
Theo ông Gallagher, những pha ghi bàn của Diego Costa, Laurent Koscielny hay Cameron Jerome đều hoàn toàn hợp lệ và không có lý do gì để các trọng tài có thể tước đi những siêu phẩm đó.
Video: Những pha ghi bàn theo phong cách "ngả bàn đèn" của Diego Costa, Koscielny và Rudy Gestede
“Thật khó để tước đi những pha lập công theo kiểu “ngả bàn đèn” như vậy bởi nó rất, rất kỹ thuật. Hơn 1 năm trước, tôi đã chứng kiến Cameron Jerome có pha lập công tương tự, nhưng rất tiếc bàn thắng đã không được công nhận. Giờ đây, Diego Costa ghi bàn thắng như vậy và mọi người thắc mắc vì sao trọng tài lại công nhận”.
“Ở mùa giải năm ngoái, chúng tôi đã rất muốn sửa đổi những sai sót trong việc này. Tất cả mọi người đều hiểu rằng, những pha ghi bàn theo kiểu như vậy nên được công nhận bởi nó cho thấy được kỹ thuật siêu việt của các cầu thủ, và Diego Costa đã tái hiện nó một lần nữa ở vòng đấu vừa qua”, ông Gallagher phân tích.
Chuyên gia bóng đá của kênh Sky Sports, Niall Quinn cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của cựu trọng tài Gallagher. Theo ông Quinn, không một cầu thủ nào mong muốn một quả đá phạt khi đối thủ của họ ghi bàn trong tư thế “ngả bàn đèn”.
“Khi một cầu thủ tung người móc bóng, điều đó đồng nghĩa với việc toàn bộ cơ thể anh ta ở trên không với đôi chân được vung cao”, ông Niall Quinn cho biết. “Tuy nhiên, trong tình huống ghi bàn của Costa, đầu của Kyle Naughton vẫn còn cách mũi giày của tiền đạo Chelsea một khoảng từ 15cm đến 20cm. Trên tất cả, không một cầu thủ Swansea nào phàn nàn trong tình huống này”.
Video: Một số pha "ngả bàn đèn" kinh điển của bóng đá thế giới
Về pha ghi bàn của Laurent Koscielny, ông Gallagher cho biết, các cầu thủ Southampton chẳng có lý do gì để bắt lỗi trung vệ Arsenal trong tình huống đó.
“Không một hậu vệ nào đứng gần Koscielny, thậm chí, khoảng cách giữa hậu vệ gần nhất với mũi giày của trung vệ Asenal là không đủ để gây ra sự nguy hiểm. Trọng tài đã có quyết định chính xác khi công nhận bàn thắng”, ông Gallagher khẳng định.
Theo chuyên gia Alan McInally, có thể các điều luật nên cấm những hành vi xử lý bóng cao chân, nhưng các pha tung móc cần phải được giữ lại bởi tất cả những NHM đều muốn chúng được hiện diện trong các trận đấu.
Trong bài phỏng vấn sau trận đấu tại vòng 4 Premier League, khi được hỏi về việc có nên công nhận bàn thắng của Costa hay không, bản thân HLV của Swansea, ông Francesco Guidolin cho biết: “Tại sao không? Đó là một siêu phẩm!”.
Video: Một số chấn thương nghiêm trọng từ những pha tung người móc bóng