Jamie Vardy từ chối Arsenal là khôn ngoan?
Có rất nhiều điều hấp dẫn nếu chuyển đến một CLB lớn như Arsenal nhưng Jamie Vardy đã chọn ở lại Leicester vốn được đánh giá là quyết định mang tính thận trọng.
Việc Vardy tiết lộ chưa bao giờ nói chuyện với HLV Arsene Wenger khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Đúng là chỉ một ngày trước khi lên đường sang Pháp cùng đội tuyển Anh tham dự EURO 2016, Arsenal tuyên bố kích hoạt điều khoản mua Vardy với giá 20 triệu bảng. Tuy nhiên, 20 ngày sau, Leicester thông báo tiền đạo 29 tuổi này sẽ ký hợp đồng mới.
“Bạn có rất nhiều thời gian rảnh rỗi khi làm nhiệm vụ ở đội tuyển Anh để suy nghĩ (về tương lai), nhưng mỗi khi tôi nghĩ về nó đều có cùng một câu trả lời là ở lại nơi mình đang ở. Vì vậy, đó là những gì tôi đã làm. Tôi cũng nói chuyện với HLV đội tuyển Roy Hodgson và ông cho rằng tôi đã lựa chọn đúng”, Vardy giải thích về quyết định ở lại Leicester.
Cho rằng vẫn còn nhiều công việc dang dở cần hoàn tất, Vardy đã ký hợp đồng mới 4 năm đến 2020 với mức lương 100.000 bảng/tuần, cao nhất CLB.
Đây là lần thứ hai trong năm tiền đạo này gia hạn và được cải thiện mức lương sau khi lần lượt nâng từ mức 40.000 lên 60.000 bảng/tuần và bây giờ là 100.000 bảng.
Trên thực tế, đề nghị của Arsenal cao hơn với mức lương 120.000 bảng/tuần. Tuy nhiên, với tiền thưởng dựa theo thành tích, Vardy hoàn toàn có thể đạt tới con số nói trên.
Cũng cần biết rằng, để đạt được mục tiêu về bàn thắng thì việc khoác áo Leicester vẫn dễ thực hiện hơn so với tại Arsenal, nơi sự cạnh tranh diễn ra khốc liệt, áp lực từ kỳ vọng lớn hơn nhiều.
Rõ ràng, bên cạnh tình yêu với đội bóng đã làm nên lịch sử bằng chức vô địch Premier League thì Vardy đã lựa chọn sự thận trọng nhằm duy trì sự nghiệp của mình hơn là bước vào một cuộc phiêu lưu.
Ở tuổi 29, sẽ là phù hợp hơn nếu Vardy thi đấu ở một đội bóng trung bình như Leicester. Khả năng duy trì hiệu suất của anh có thể được đảm bảo nhờ “Bầy Cáo” về cơ bản vẫn giữ được bộ khung chính và HLV Claudio tiếp tục vận hành sơ đồ 4-4-2 phù hợp với phong cách “kick & rush” của tiền đạo người Anh.
Chính Vardy vừa thừa nhận, một trong những lý do giúp anh thành công là nhờ Ranieri đã trao một vai trò tự do trên hàng công, giúp Á quân Vua phá lưới Premier League mùa trước này nhận được sự hỗ trợ tối đa của các đồng đội.
Có vẻ như sự thận trọng của Vardy trong việc từ chối Arsenal để ở lại Leicester xuất phát từ chính những bài học tại Premier League trong quá khứ.
Có không ít tiền đạo sau một mùa giải bùng nổ rồi chuyển đến một đội bóng lớn hơn và... hoàn toàn đánh mất mình. Từ Andy Carroll, Charlie Austin, Jay Rodriguez cho đến Rickie Lambert, Grant Holt…
Có thể thấy, chính sự khác biệt về môi trường, phong cách chơi, chiến thuật và cả sự kỳ vọng lớn đã khiến cho các chân sút nói trên không thể duy trì được hiệu suất của mình. Vardy cũng dễ rơi vào kịch bản tương tự nếu nhận lời sang Arsenal.
Nhiều ý kiến cho rằng, Vardy ở lại sân King Power là một quyết định khôn ngoan bởi không chắc anh sẽ tỏa sáng trong mùa giải tiếp theo, ngay cả khi tiếp tục khoác áo Leicester.
Vardy là mẫu tiền đạo bùng nổ muộn và chính vì vậy bị nghi ngờ về tính bền vững. Nhiều “ngôi sao băng” vừa lóe lên đã chợt vụt tắt trên bầu trời Premier League.
Trong bối cạnh sự cạnh tranh ở giải đấu hàng đầu thế giới này ngày càng khốc liệt hơn, một cầu thủ không thuộc hàng đẳng cấp siêu việt như Vardy có tiếp tục gây ấn tượng nay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.