Premier League: Kịch tính tăng, chất lượng giảm
Theo nhà báo Simon Kuper của ESPN, Premier League có thể hấp dẫn hơn nhiều giải đấu lớn khác bởi nó đang ngày càng trở nên kém chất lượng.
“Tôi đã phải nghe quá nhiều về sự hấp dẫn của Premier League trong khi không ai trong số các vị từng ở La Liga hay Bundesliga để biết như thế nào là hấp dẫn”, Pep Guardiola phát biểu tuần trước trong một căn phòng đầy nhà báo Anh. Sau đó ông dẫn Man City đến Tây Ban Nha và bị Barca vùi dập 4-0.
Phát biểu của Pep khiến chúng ta phải suy nghĩ: Liệu EPL có thực sự hấp dẫn? Và từ “hấp dẫn” có nghĩa như thế nào trong bóng đá?
Trước khi bàn về sự hấp dẫn, điều đầu tiên phải nói Premier League bây giờ đã yếu thế hơn các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Theo thứ hạng của UEFA, giải đấu của Anh chỉ đứng thứ 3 sau Tây Ban Nha và Đức.
8. Chelsea 1. Real Madrid (TBN)
11. Arsenal 2. Bayern (Đức)
13. Man City 3. Barca (TBN)
21. Tottenham 4. Atletico (TBN)
22. Man Utd 5. Juventus (Ý)
29. Liverpool 6. PSG (Pháp)
82. Leicester 7. Dortmund (Đức)
3 mùa gần đây, các CLB của Ý đều chơi tốt hơn của Anh. Chelsea là đội bóng duy nhất của xứ sương mù lọt vào tốp 10 CLB châu Âu. Man Utd xếp tận thứ 22, kém hai bậc so với FC Basel của Thụy Sĩ.
Sự suy yếu của EPL trong khu vực không có gì mới mẻ. Nó xảy đến khi thế hệ Vàng với những cái tên đáng chú ý Gerrard, Lampard hay Scholes, Beckham phai nhạt, cũng là khi Ronaldo rời Man Utd tới Real năm 2009.
Từ 2005 đến 2011 có tới 7 CLB Anh lọt vào 7 trận chung kết Champions League. Không đội nào trong số đó còn có thể lọt vào tốp 4 từ 2013.
Premier League chỉ dẫn đầu châu Âu ở khoản mua sắm trong các kỳ CN. Bởi họ buộc phải như thế để “nhập khẩu” các ngôi sao.
35% cầu thủ bản địa đá chính ở xứ sương mù – chỉ số thấp nhất so với các giải hàng đầu khác trong khu vực.
Nhưng Premier League có một lợi thế là nó cân bằng hơn Liga, Serie A hay Bundesliga. Ở Anh, đội bóng nào cũng có thể đánh bại đội bóng nào trong một ngày đẹp trời.
Những CLB xuất sắc nhất châu Âu hiếm khi phải thi đấu ở một giải VĐQG khắc nghiệt và thường thắng dễ trong đấu trường quốc nội.
“Barca có thể thắng 50% số trận của họ bằng đội hình B”, HLV Juergen Klopp từng nói. “Có những trận Messi chỉ chạy 4,3km nhưng vẫn ghi tới 5 bàn. Chẳng thể nào có chuyện như thế ở Anh”.
Klopp có chút phóng đại nhưng các số liệu thống kê cũng đồng tình với ông. Mùa trước Barca ghi trung bình 2,95 bàn/trận tại giải VĐQG, con số này của Real là 2,89 và của Bayern là 2,35. Đội bóng có hàng công tốt nhất EPL là Man Ciy cũng chỉ ghi trung bình 1,87 bàn/trận.
Khái niệm “hấp dẫn” ở bóng đá ở Anh khác so với ở Đức hay TBN. Barca hay Bayern mà dẫn trước thì sẽ giữ bóng tối đa và khiến đối thủ chẳng có cơ hội tấn công. Họ không cần chạy nhiều bởi vì dễ dàng cầm bóng cả trận bên phần sân đối phương.
Sự hấp dẫn ở các trận đấu của Barca, Real, Bayern, PSG hay Juventus là kiểu hấp dẫn của sự tập trung. Nếu đối thủ mắc sai lầm – một người mất bóng hay đứng sai vị trí – sẽ bị trừng phạt nặng nề. Vì thế các cầu thủ phải chơi thật tập trung trong cả 90 phút. Đó là cuộc chơi về tinh thần.
Nhưng cuộc chiến ở Premier League đòi hỏi nhiều thể lực hơn. Tuyến giữa trở lên của các đội bóng Anh mắc vô số lỗi, mất bóng thường xuyên và rất hay lần chuyền dài. Điều này dẫn đến nhiều pha tranh chấp máu lửa cùng những quả tắc bóng 50-50 mà trọng tài ở Anh không tính là phạm lỗi như giải khác.
CĐV Anh góp phần khiến các cầu thủ trở nên “hung hăng”. Họ gào thét bắt cầu thủ chơi rắn hơn nữa và vỗ tay tán thưởng cho những pha va chạm mạnh mẽ.
“Premier League đòi hỏi các cầu thủ phải thể hiện khát vọng mãnh liệt”, HLV Wenger nói hồi năm 2013. “Điều này giải thích tại sao có nhiều cầu thủ ngoại nhưng EPL vẫn giữ được chất bóng đá Anh".
Thật khó để những đội bóng xuất sắc nhất tụ hợp ở giải đấu hấp dẫn nhất. Mỗi nước phải chọn một trong hai thứ và Premier League đang phát triển theo vế thứ 2.