Tại sao cầu thủ Anh ngại ra nước ngoài thi đấu?

thứ tư 31-8-2016 15:13:51 +07:00 0 bình luận
Đằng sau vụ chuyển nhượng bất đắc dĩ của Joe Hart mới đây là câu chuyện đáng suy nghĩ của các cầu thủ người Anh.

Joe Hart là ngôi sao mới nhất của nước Anh bắt đầu chuyến phiêu lưu vô định bên ngoài xứ sương mù. Phải rất lâu rồi chúng ta mới được chứng kiến một người Anh "bơi vào bờ". 

Joe Hart đã tạo nên lịch sử khi trở thành thủ môn Anh đầu tiên thi đấu ở Serie A kể từ khi giải đấu này bắt đầu vào năm 1929. Đó có thể coi như phần thưởng ý nghĩa cho việc anh bị Man City quay lưng phũ phàng. 

Trong ngày ra mắt, Hart để lại dấu ấn "khó phai "khi mắc sai lầm ở phút 56 dẫn tới trận thua ngược của Torino trước Atalanta. Phải lùi 35 trận trước đó ở Premier League 2015-16 chúng ta mới thấy được Hart mắc lỗi dẫn đến bàn thua. Vậy mà ở nước Ý, anh chỉ cần chưa đầy một tiếng để biến mình thành "gã hề".

Trước Hart, chỉ có rất ít cầu thủ tên tuổi của nước Anh rời quê hương để thử sức ở các giải đấu hàng đầu khác. Gần đây là Ravel Morrison (2015), Ashley Cole, Micah Richards (2014), Barton (2012), Joe Cole (2011) và Jermaine Pennant (2009). Nhưng hầu hết không để lại ấn tượng nào cả.


Joe Hart đã trở thành thủ môn người Anh đầu tiên bắt ở Serie A trong 87 năm qua

Xa hơn nữa là lứa ngôi sao David Beckham (2003), Michael Owen, Jonathan Woodgate (2004) và Steve McManaman (1999), hay các bậc tiền bối trong quá khứ là Kevin Keegan (1977), Gary Lineker (1986), David Platt (1991) và Paul Ince (1995). 

Thường chỉ có 2 lý do khiến một cầu thủ Anh ra nước ngoài thi đấu. Họ bị coi là “bad boy” bất mãn ở trong nước vì bị HLV ruồng rẫy, truyền thông kỳ thị và CĐV nghi ngờ tài năng. Đó là những thứ tồi tệ mà Hart, Barton hay Micah Richards nếm trải. 

Trường hợp còn lại thuộc về những ngôi sao có máu phiêu lưu cùng khát khao chứng tỏ tài năng ở mọi môi trường, tất nhiên là những giải đấu hàng đầu chứ không “hạ cánh” tại Mỹ hay Trung Đông. Ashley Cole, Micah Richards, Ravel Morrison chọn Serie A, Joe Cole tới Ligue 1 hay Beckham, Owen tới Real Madrid... 

Trái lại, có quá nhiều thứ níu kéo khiến một cầu thủ tên tuổi của Anh không nỡ bỏ xứ. Tại sao họ phải chơi bóng ở một nơi xa lạ với khác biệt về khí hậu, ngôn ngữ, văn hóa, phong cách thi đấu? Chẳng phải họ đang có mặt ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh hay sao? 


David Beckham rời Man Utd năm 2003 theo tiếng gọi của tiền bạc và vinh quang

Thêm nữa nếu bạn là một cầu thủ Anh và chỉ cần hơi nổi bật thôi, truyền thông xứ sương mù sẽ nhanh chóng "thổi" bạn lên tầm ngôi sao và các CLB phải nhanh tay chèo kéo thật tốt trước khi bị đối thủ cuỗm mất. Điều này dẫn tới một việc, đó là giá trị của các cầu thủ Anh luôn cao đến vô lý. 20 tuổi, Sterling trị giá 49 triệu bảng trong khi Luke Shaw tốn của Man Utd 30 triệu bảng. Rõ ràng, dù ở đâu hay trong hoàn cảnh nào, tiền bạc thường chi phối rất mạnh quyết định của con người.

Tất nhiên còn rất nhiều yếu tố khác liên quan đến tính cách hay hoàn cảnh của từng cá nhân.

Khi chơi bóng cho Real, Michael Owen – thần đồng một thời của bóng đá Anh – luôn lo lắng cho vợ và con gái “không biết làm gì” khi mình bận bịu cả ngày. Gia đình Owen cảm thấy bị cô lập và cựu ngôi sao Liverpool chỉ trụ lại Tây Ban Nha chưa đầy 1 năm.

Với Jermaine Pennant, vấn đề lớn nhất của anh là ngoại ngữ. Được trả lương cao nhất ở Real Zaragoza nhưng cựu cầu thủ Arsenal và Liverpool cũng chỉ ở Tây Ban Nha 7 tháng. Anh "lưu lạc" tới Ấn Độ và hiện tại là Singapore – 2 nước sử dụng tiếng Anh chỉ sau tiếng bản địa.


Steve McManaman là cầu thủ Anh thành công nhất khi ra nước ngoài thi đấu

Dẫu thành công hay thất bại ở xứ người, chưa có cầu thủ Anh nào than thở hay hối tiếc. Joey Barton luôn tự hào với quãng thời gian 1 năm ở Marseille. Anh khoe đã chọc tức Thiago Silva là “thằng lười quá cân” và chê bai thẳng mặt Zlatan Ibrahimovic có cái mũi to tướng.

Ashley Cole suy sụp ở Roma nhưng người ta luôn ngưỡng mộ sự quả cảm của anh. Ở độ tuổi 34, Cole không sang Mỹ như Gerrard hay Lampard – nơi dù người ta có thất bại vẫn nhận được nhiều lời khen (và cả tiền bạc).

Mới đây tân HLV Sam Allardyce nhấn mạnh nếu tuyến Anh muốn giành danh hiệu, họ cần tìm kiếm các “nhân tố ngoại”. Điều này có thể giải quyết nếu Theo Walcott chơi bóng cho PSG, Harry Kane đầu quân cho Real hoặc Milan, những Dele Alli hay Ross Barkley sẽ chuyển sang TBN hoặc Đức.

Vấn đề là các cầu thủ Anh có dám từ bỏ “thiên đường” ở xứ sở sương mù hay không?

Những ngôi sao Anh ở trời Âu

La Liga:

David Beckham: Rời Man Utd năm 2003 khi 28 tuổi. Anh chỉ giành 1 chức vô địch La Liga ở mùa giải cuối cùng ở Real nhưng bù lại giúp CLB kiếm bộn tiền. Sau đó Becks tiếp tục lưu lạc qua LA Galaxy ở Mỹ và PSG ở Pháp.

Steve McManaman: Tới Real năm 1999 và lập tức trở thành trụ cột. Một thương vụ cực kỳ thành công khi tiền vệ cánh này giành 2 La Liga và 2 cúp Champions League.

Gary Lineker: tới Barca khi ông 26 tuổi. Đá 3 mùa ở đây trước khi trở về Anh. 42 bàn sau 103 trận, Lineker giúp Barca giành 1 cúp Nhà Vua và 1 UEFA Cup Winners' Cup (tiền thân của Europla League).

Michael Owen: đến Real năm 2004 và không thành công lắm dù luôn để lại dấu ấn khi được ra sân (16 bàn sau 45 trận).

Jonathan Woodgate: có lẽ là thương vụ thảm hại nhất từ nước Anh. Gia nhập Real với giá 13,4 triệu bảng. Trong trận ra mắt trung vệ này đá phản lưới nhà và sau đó nhận thẻ đỏ. Chỉ có 9 trận tại La Liga vì chấn thương liên miên.

Ligue 1:

Joey Barton: bất ngờ tới Marseille vào mùa hè 2012 dưới dạng cho mượn. Chơi 33 trận và giúp đội bóng đất Cảng đoạt ngôi á quân nước Pháp.

Joe Cole: đến Lille khi 30 tuổi và để lại nhiều dấu ấn (9 bàn sau 43 trận). Trở về nước anh suýt được gọi lên tuyển.

Serie A

Ashley Cole: sang AS Roma năm 2014. Ký hợp đồng 2 năm nhưng phải chấm dứt sớm một nửa thời gian.

Micah Richards: bị Man City tống khứ dưới dạng cho mượn. Quyết định tới Fiorentina nhưng chỉ chơi 10 trận cho đội bóng này ở giải vô địch quốc gia.

Bundesliga

Kevin Keegan: Khi 26 tuổi, ông bất ngờ bỏ Liverpool để chơi cho Hamburger vào năm 1977. Một năm sau, Keegan vô địch nước Đức và về nhì ở European Cup (tiền thân của Champions League) mùa 1978-79

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội