Vì sao HLV Solskjaer chọn Rashford là người lĩnh xướng hàng công MU?
Hiệu quả trong từng con số thống kê
Trong 7 trận dưới thời HLV Solskjaer, Marcus Rashford đã được chiến lược gia người Na Uy xếp đá chính tới 6, và ngôi sao người Anh cũng đáp lại sự tin tưởng đó khi ghi 5 bàn cùng 1 pha kiến tạo.
Tuy nhiên chừng đó vẫn là chưa đủ để nói về màn trình diễn của tiền đạo sinh năm 1997.
Thống kê cho thấy trung bình mỗi trận dưới thời Solsa, Rashford tung ra 3,74 cú sút, nhỉnh hơn cả 2 chân sút hàng đầu NHA lúc này là Mo Salah (3,29) và Harry Kane (3,22).
Số pha chạm bóng của Rashford trong vòng cấm đối phương mỗi trận cũng dao động ở con số 5,4, ngang gửa với thành tích của Salah (5,79) và vượt trội so với Harry Kane (3,84).
Điều đó cũng dẫn đến việc, số bàn thắng kỳ vọng mỗi trận của Rashford tăng lên con số 0,52, ngang ngửa Salah (0,56) và Kane (0,5).
Chẳng thế mà hiệu suất ghi bàn trung bình trận của Rashford chỉ sau 6 trận dưới thời Solsa đã đạt tới con số 0,83, cao hơn cả Salah (0,65) và Kane (0,63).
Nên nhớ rằng, Rashford mới chỉ thi đấu 433 phút dưới thời Solsa ở giải NHA và từ đầu mùa cũng mới chỉ là 1355 phút, ít hơn nhiều so với con số 1939 phút của Salah và 1887 của Kane.
Phù hợp với chiến thuật
Ngay từ khi còn dẫn dắt Molde, HLV Solskjaer đã ưa thích sử dụng mẫu tiền đạo di chuyển rộng và chịu khó lùi về để tham gia vào lối chơi chung, cũng như mở ra khoảng trống cho động đội.
Ở các trận đấu của MU dưới thời Solsa, người ta cũng thường xuyên nhìn thấy hỉnh ảnh Marcus Rashford di chuyển rộng khắp mặt sân và đôi khi lùi xuống giữa sân để phát triển bóng.
Bức hình chụp trận đấu với Bournemouth phía dưới thể hiện rõ nhất việc Rashford di chuyển thông minh để mở ra khoảng trống lớn cho đồng đội phía sau trong các đợt tấn công.
Cũng chính vì điều này mà mẫu trung phong cổ điển, ít di chuyển như Lukaku trở thành phương án dự phòng trong lối chơi của Solsa.
Là một tiền đạo mục tiêu đúng nghĩa, Lukaku thường chỉ chờ bóng từ đồng đội ở phía trên và sử dụng khả năng tì đè, cán lướt của mình để băng lên gây áp lực với hàng phòng ngự đối phương.
Đó cũng là lý do vì sao dưới thời Mourinho, MU thường tạt bóng, chuyền dài rất nhiều thay vì ban bật nhỏ, tấn công trực diện như hiện tại.