Bóng đá và doping (Kỳ 1): Đức không doping là… đứt!
Hai CLB của Joachim Loew dính doping
Nhân dịp lục lại hồ sơ về bác sĩ Armin Kluemper, người từng giữ chức trưởng khoa Y học thể thao tại bệnh viện của ĐH Freiburg và bị phạt về tội tiếp tay cho nạn gian lận trong thể thao năm 1989, hội đồng điều tra đặc biệt do ĐH Freiburg thành lập nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của chất kích thích tới phong độ của các đội bóng vừa tìm được những bằng chứng xác định doping đã tồn tại trong bóng đá chuyên nghiệp ở Đức từ rất lâu. Trong bản kết luận dài 2 trang trích từ 60 hồ sơ liên quan tới Kluemper, họ khẳng định là trong các thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, có ít nhất một đại diện Bundesliga là Stuttgart và một đội hạng Nhì là Freiburg đã lạm dụng chất kích thích. Điều trớ trêu là cả hai CLB này hiện đều đang đá ở Bundesliga, và đều dùng doping trong giai đoạn sở hữu cầu thủ Joachim Loew, giờ đây là HLV của tuyển Đức.
Đương nhiên là ngay lập tức, các lãnh đạo liên đoàn và CLB ở Đức đều nhanh chóng bác bỏ kết quả điều tra từ ủy ban độc lập của ĐH Freiburg, chỉ trừ Loew giữ im lặng. Cơ sở để họ bảo vệ bản thân cùng bóng đá Đức là lý thuyết của bác sĩ Joseph Keul cũng ở Freiburg: Doping phá vỡ khả năng phối hợp các động tác sao cho hợp lý, mà đây vốn là đòi hỏi bắt buộc ở những môn thể thao phức tạp như bóng đá. Vì thế, các cầu thủ chẳng có lý do để doping. Thế nhưng, người Đức xem ra đang cố tình bỏ qua sự thật là trong bóng đá, sức mạnh và sức bền cũng sắm vai trò rất quan trọng. Hơn nữa, cần lưu ý rằng cách nay vài thập niên, cầu thủ chỉ cần di chuyển bình quân 5km mỗi trận thì ngày nay, thông số đó lên tới 12km/trận.
Số pha tăng tốc mỗi trận cũng tăng lên. Thậm chí các cầu thủ chạy nhanh nhất Bundesliga có thể đạt hơn 35km/h, chẳng kém gì xe máy. Song song đó, thời gian để các cầu thủ hồi phục đang ngày càng giảm hẳn.
Trong bối cảnh ấy, không lạ khi cựu danh thủ Pháp Emmanuel Petit từng than thở: “Cứ theo đà này thì chẳng mấy chốc, các cầu thủ đều phải cần doping. Trên thực tế, một số đã chơi doping rồi”. Bởi lẽ, có phương án nào đủ để cải thiện thể lực ngoạn mục như vậy, ngoại trừ các chất thúc đẩy tái tạo cơ bắp, rút ngắn thời gian phục hồi và truyền chất EPO vào máu nhằm cải thiện sức chịu đựng trước mật độ thi đấu ngày càng dày đặc. Bên cạnh đó, các cầu thủ đâu có ngại sử dụng Testosterone hoặc EPO khi tập luyện, vì chúng chỉ để lại dấu vết trong vòng 48 giờ, song hiệu quả còn kéo dài tới mấy ngày sau đó, khi trận đấu chính thức bắt đầu. Lại thêm các cuộc xét nghiệm hầu hết chỉ được thực hiện trong ngày thi đấu nên giới “quần đùi, áo số” càng không lo lắng bị phát hiện doping.
Nếu vậy, tại sao bóng đá không thể doping? Đúng là chất kích thích không thể biến một “chân gỗ” thành thiên tài có khả năng “đọc” trận đấu cực tốt, song chí ít, EPO giúp đôi chân cầu thủ chống lại được mệt mỏi. Đây là điều rất quan trọng, vì kỹ thuật dù có giỏi tới đâu cũng đều vô dụng, nếu cầu thủ thiếu mất 1/10 giây để đoạt được bóng, hoặc thiếu nửa bước chân để tung ra được cú sút. Người Đức đương nhiên hiểu rõ khác biệt này lớn tới mức nào, vì trong lịch sử bóng đá của họ, chiến tích lớn nhất không phải ngôi vô địch Brazil 2014, thành công ở World Cup 1990, hoặc lần đăng quang VĐTG trên sân nhà năm 1974. Vượt lên trên tất cả, đó là “điều kỳ diệu ở thành Bern”.
Từ hoài nghi của Puskas đến nghi vấn của Beckenbauer
Chẳng phải vô cớ mà huyền thoại Ferenc Puskas (Hungary) nghi ngờ người Đức chơi doping tại Bern (Thụy Sĩ). Vì tại vòng bảng của World Cup 1954, “Đội tuyển Vàng” từng hạ nhục Fritz Walter cùng đồng đội với tỷ số 8-3. Nào ngờ tới chung kết, cho dù chưa quen với đôi giày Adidas mới, Đức thắng lại 3-2 để lên đỉnh thế giới lần đầu tiên trong lịch sử. Sau trận đấu, người ta phát hiện phòng thay đồ của thầy trò ông Sepp Herberger đầy kim tiêm và ống bơm. Đáp lại chất vấn của Puskas, bác sĩ của tuyển Đức giải thích ông ta chỉ tiêm vitamin C. Nhưng sau đó, nhà khoa học Đức Erik Eggers tiết lộ: “Có những bằng chứng đáng tin cậy khẳng định đấy chẳng phải vitamin C, mà là Pervitin, một loại thuốc tổng hợp có tác dụng nhanh và kéo dài hơn so với thuốc kích thích dùng để duy trì huyết áp. Tại Thế chiến 2, quân đội Đức đã tiêm chất này vào người binh lính để biến nỗi sợ thành điên cuồng”.
Điều tra của ĐH Humboldt ở Berlin cũng khẳng định các đội tuyển Đức đã dùng doping từ thập niên 50 tới 90 để vào chung kết World Cup tới 6 lần. Có báo cáo từng tiết lộ việc vài tuyển thủ được tiêm Ephedrine để dự trận chung kết gây tranh cãi ở Anh 1966. Dĩ nhiên, giới lãnh đạo bóng đá Đức đã cố gắng phong tỏa mọi tin xấu, đặc biệt khi chúng ảnh hưởng tới ngôi vô địch châu Âu 1996.
Dù vậy, vẫn có những thông tin bị rò rỉ. Điển hình như trong cuộc phỏng vấn do tạp chí Stern thực hiện năm 1977, Franz Beckenbauer từng tiết lộ về bí quyết giúp ông mau chóng hồi sức: “Tôi có phương pháp đặc biệt để duy trì phong độ đỉnh cao là tiêm máu của mình vào lại cơ thể. Cứ mỗi tháng vài lần, ông bạn Manfred Koehnlechner đến rút máu từ tay tôi rồi tiêm lại vào mông tôi. Biện pháp này gây ra tình trạng viêm nhân tạo, giúp số lượng tế bào đỏ và trắng tăng lên. Tôi không rõ vào lúc ấy, phương pháp này có phạm luật hay không”.
Điều trớ trêu là sau đó, chính “Hoàng đế” đã triệt đường vào ĐTQG của thủ môn huyền thoại Toni Schumacher chỉ vì nói thật về việc ĐTQG dùng chất kích thích tăng cường sức mạnh trong quyển tự truyện phát hành năm 1987, đồng thời khẳng định mọi tuyển thủ Đức thời đó đều gọi các cầu thủ Bayern Munich là “viên thuốc biết đi”. Như thông lệ, làng bóng Đức đua nhau “ném đá” kẻ “phản bội” Schumacher, nhưng cũng có những người lên tiếng bảo vệ sự thật như Paul Breitner khi tuyên bố:
“Doping ở Đức là chuyện bình thường thôi. Đừng làm ra vẻ nghiêm trọng. Đây là vấn đề của mọi người ở Bundesliga, vì ngay cả những người không chơi doping chắc chắn đều từng thấy đồng đội hoặc đối thủ dùng chất kích thích”.
Cùng quan điểm với Breitner còn có cựu tiền đạo Dortmund Peter Geyer với tuyên bố năm 1994, hoặc HLV Peter Neururer xác nhận trong cùng năm đó. Đặc biệt, thủ môn huyền thoại Sepp Maier còn kể lại ở Bayern Munich thập niên 70, HLV Dettmar Cramer thường cho cầu thủ uống những viên thuốc trắng kỳ lạ. Sau này, HLV Felix Magath bị tố cáo dùng chất kích thích để tạo dựng tên tuổi. HLV huyền thoại Otto Rehhagel cũng không là ngoại lệ, hồi ở Bielefeld. Đến VCK EURO 2004, người Đức tin chắc ông đã dùng lại chiêu cũ để giúp các tuyển thủ Hy Lạp có sức bền kinh người nên mới lên ngôi vô địch châu Âu.
Từ những bằng chứng sống động nêu trên, bóng đá Đức rõ ràng không có doping là… đứt!
Minh Châu
Các cầu thủ chạy nhanh nhất Bundesliga có thể đạt hơn 35km/h, chẳng kém gì xe máy.
1984 là năm LĐBĐ Đức (DFB) bắt đầu kiểm tra doping, nhưng cách làm hơi kỳ quặc. Có khoảng 1.000 lần kiểm tra hàng năm ở mọi cấp độ, 3 giải chuyên nghiệp hàng đầu chỉ chiếm tổng cộng gần 100 lần.
Sau trận chung kết World Cup 1954, người ta phát hiện phòng thay đồ của thầy trò HLV Sepp Herberger đầy kim tiêm và ống bơm.