Chuyện dân phủi kiếm việc làm nhờ đá bóng
Dù biết bóng đá phủi là một thú chơi nhưng dân phong trào vẫn có thể tận dụng tài năng để kiếm được công ăn việc làm...
Bóng đá phủi là sàn diễn của dân phong trào có trình độ cao hơn dân văn phòng một bậc nhưng chưa với được tới hàng chuyên nghiệp. Bóng đá phủi không có những bản hợp đồng tiền tỷ như V.league nhưng cũng đem lại nhiều giá trị cho người chơi, ít nhất ở khoản kiếm được việc làm, miếng cơm manh áo...
Từ thế hệ các đàn chú đàn anh 10-15 năm trước, bóng đá phủi đã manh nha giúp những phủi thủ kiếm được việc. "Dị nhân" Anh "tệu" ngót nghét 20 năm làm việc cho bầu Hồng ở công ty Trà Dilmah vì có cái kèo trái siêu quần. Ông từng kể về những ngày đầu làm công việc thu tiền lẻ, trông xe ở quán trà Dilmah số 32 Điện Biên Phủ.
Thuở ấy, giá một cốc trà chỉ 2-3 ngàn đồng nhưng khách đông nườm nượp, Anh "tệu" thu tiền lẻ, dắt xe cho khách mệt nghỉ rồi chiều chiều lại xách giầy ra sân đá phủi cùng các đồng đội trứ danh như Long "Kim", Tú "khỉ", Trung "Chinh"...
Thế hệ Trà Dilmah sau này cũng thuộc dạng hay của phủi Hà thành có thể kể đến Trung "ốc", Khánh "chóe", Linh "Becks"...rất nhiều người đều nhờ quan hệ của bầu Hồng mà nên công nên việc. Trung "ốc" giờ vẫn lái xe cho công ty của bầu Hồng, Khánh "chóe" lái cho DTS...
Cùng thời với các "bô lão" ngày xưa, tổ Ngọc Hà như Bắc "què", Minh Anh, Phong "lùn" được lãnh đạo Vườn thú Hà Nội bê nguyên về chỉ để tắm cho khỉ, tỉa cây cảnh và đá bóng khi có giải nhưng vẫn ăn lương cả năm.
Sau đó một quãng, có thể kể đến lứa Trung "quẩy", Quỳnh "xích thố", Long "Lương", Cường "U Lý", Sáng "vịt"...nhất loạt đầu quân cho Phát hành Báo chí với những công việc như đưa báo mỗi sáng, bảo vệ, lái xe...nhằm giúp đội bóng cơ quan gặt giải.
Tuấn "ốc" đến giờ vẫn nhớ như in trận chung kết giải ngành Bưu chính Viễn thông năm 2007. Trận đấu diễn ra vào sáng thứ Bảy, các nhân viên của Phát hành báo chí theo lịch phải đi phát báo biếu cho một số lãnh đạo. Vậy là cả đội đánh hẳn xe ô tô chở báo đến sân, thi đấu xong lại đi phát báo.
Trong loạt đá luân lưu định mệnh, Tuấn "ốc" đẩy thành công 2 quả cuối của Giang "dân" và Huy "cung" rồi đích thân sút vào "quả chốt", đem về chiếc Cúp sau bao năm chờ đợi cho Phát hành báo chí. Sau trận chung kết thắng "đối thủ truyền kiếp" đó, Tuấn "ốc" và Cường "cúc" được bầu Công gọi lên phòng nói chuyện và quyết định ký hợp đồng làm nhân viên chính thức luôn.
Trong vài năm gần đây, chuyện dân phủi đá bóng hay kiếm được việc làm tốt đã trở thành một xu thế. Đầu tiên có thể kể đến gần nguyên bộ khung hay nhất FC Triều Khúc là Hiệp "trĩ", Tuấn "ếch", Nguyên Công, Thuận "bờm" cùng vào làm cho HD Bank. Cứ lần lượt, đàn anh vào trước kéo đàn em theo sau, miễn là đá bóng hay, lại ngoan ngoãn thì sếp sẽ bố trí công việc ổn định cho, đa phần là lái xe.
Một ngân hàng khác nổi danh trong giới phủi thời gian qua khi chiêu mộ rất nhiều hảo thủ là BIDV Quang Trung. Sếp Thanh rất máu me bóng phủi, chiêu nạp nguyên bộ khung cầu thủ từng khoác áo Moon FC giành HCĐ giải HPL-S3 về, rèn giũa thêm.
Từ đầu năm đến nay, BIDV Quang Trung xua quân tham dự khá nhiều giải lớn nhỏ từ Thành Lâm, VCCI đến Hạng Nhất phủi. Thủ môn hay nhất Ngoại hạng phủi mùa 3 là Hồng Nhật cũng vì được sắp sẵn một vị trí ngon lành trong BIDV Quang Trung, nên buộc phải chia tay đội bóng đồng hương MV Corp.
Kiếm được việc làm tốt ở ngân hàng, nên dù phải chuyển từ Ngoại hạng xuống Hạng Nhất, Nhật "De Gea" vẫn cảm thấy xứng đáng. Cùng cảnh ngộ với Nhật là ngôi sao Sáng "Persie", mới đây đã phải thốt lên tiếc nuối trên Facebook về việc không được tham dự HPL-S4 dù 3 mùa trước đó luôn góp mặt.
Tất cả cũng vì công việc và họ ý thức được rằng, không dễ gì kiếm được chỗ làm nhiều người mơ ước như vậy, mà phần lớn là nhờ đi đá phủi.
Một trong những doanh nghiệp thu nạp nhiều anh tài phủi hàng đầu là Công ty Dầu khí PSA. Hầu hết các hảo thủ của Cường Quốc FC vài năm nay đều có được công ăn việc làm trong PSA. "Visa" đầu tiên giúp những Đạo "Từ Sơn", Mạnh "nát", Tiến "châu Phi"... vào PSA là tài năng đá bóng, cộng thêm quan hệ gửi gắm từ bầu Cường "hói", HLV Tiến Thiết. Đổi lại, PSA cũng gặt hái nhiều Cúp trong các giải Tập đoàn ngành Dầu khí vài năm nay.
Như năm 2015, khi vô địch giải toàn quốc ngành Dầu khí, PSA đã thưởng rất đậm cho các nhân viên của mình, từ người đá chính cho đến dự bị đều xoa tay hoan hỉ.
Đá bóng hay, kiếm được việc nên những phủi thủ dạng này cũng phải hết sức giữ gìn chân cẳng. Bản thân họ, rồi cả cuộc sống gia đình được đảm bảo nhờ đôi chân. Vì thế, mỗi lần cái gối đau nhức hay cổ chân bị lật, là lo ngay ngáy. Cầu thủ chuyên nghiệp chấn thương sợ mất giá, sợ bị bán còn cầu thủ phong trào sợ mất việc.
Đá phủi kiểu này cũng có những áp lực không hề nhỏ. Những trận đấu căng, hoặc bán kết, chung kết giải quan trọng, có sếp ra xem, hầu hết các phủi thủ đều thấy tâm lý bị đè nặng. Tiền đạo thì lo sợ tịt ngòi, bỏ lỡ cơ hội. Hậu vệ với thủ môn thì lo chẳng may dính lỗi, để thủng lưới khiến đội mất thành tích thì về công ty "xác định" với các sếp.
Dù biết có những sếp rất quý nhân viên, quý "đệ cứng" mình kéo vào làm nhưng họ cũng gặp áp lực riêng. Sếp bé thì có sếp to hơn, rồi nhiều người gièm pha, lời ra tán vào rằng: "nuôi nhân viên chỉ để đá bóng mà đá không ra gì"...Đó là lúc các phủi thủ ''trăm mối tơ vò''.
Bóng đá phủi ngày càng phát triển và giúp nhiều người "sống khỏe". Mới đây, BTC giải HPL-S4 đã thu được hàng trăm triệu tiền bản quyền truyền hình khi bán cho Mobi TV (AVG). Còn với các cầu thủ phủi, sân chơi phong trào cũng ngày càng giúp ích cho họ trong việc tìm kiếm việc làm, nếu gặp được những doanh nghiệp có lãnh đạo máu bóng đá.