Đáy biên: Chiến thuật “đặc sản” trên sân phủi
Từ lâu, đáy biên đã trở thành lối chơi làm nên thương hiệu các đội bóng lừng lẫy như Trà Dilmah, Thành Đồng...
Trà Dilmah từ cách đây 10, 20 năm đã gặt hái vô số danh hiệu trên sân phủi với dàn sao như Ngọc Anh “tệu”, Tú “khỉ”, Long “Kim”...và bằng lối chơi lấy đáy biên làm nơi quan trọng để thi triển các bài tấn công. Trong khoảng những năm 2012 – 2015, FC Thành Đồng cũng làm nên thương hiệu “Barca của Hà Nội” bằng lối chơi tập trung đưa bóng xuống đáy biên. Đáy biên là khu vực gần hai cột dọc khung thành đối phương và đường biên ngang nhất.
Để một đội bóng phủi có thể chơi đáy biên tốt thì cần nhiều yếu tố. Trước tiên phải có người chuyền thật tốt xuống đáy biên. Đó thường là tiền vệ trung tâm hoặc trung vệ có khả năng chuyền sệt chuẩn xác như Thắng "Xavi" của Thành Đồng hay Long "Kim", Tú "khỉ" của Trà Dilmah. Yếu tố thứ hai là người đứng ở đáy biên phải có động tác đỡ bước 1 cực chuẩn. Về khoản này, bậc thầy là lão tướng "dị nhân" Ngọc Anh "tệu" của Trà Dilmah. Một người khác cũng đứng đáy biên rất hay trong giới phủi là Giang "say" của Thành Đồng. Thông thường, người đứng đáy biên là những hậu vệ cánh, có kĩ thuật thật sự điêu luyện.
“Người đứng ở đáy biên phải đỡ bước 1 tốt, nếu đỡ lập bập thì hậu vệ sẽ ập vào ngay. Sau khi đỡ tốt bước 1, phải quan sát nhanh xem các đồng đội di chuyển như thế nào, chọn vị trí thuận lợi nhất để nhả bóng ra”, kèo trái Giang “say” chia sẻ.
Chuyên gia phủi Hải “bạc” cho biết: “Thắng “Xavi” có những quả chuyền cực chuẩn bằng lòng mà bóng lại đi căng, vì thế dù khoảng cách từ người chuyền đến người nhận có thể xa nhưng bóng vẫn đi đến đúng địa chỉ”.
Thủ môn kỳ cựu từng khoác áo Trà Dilmah nhiều năm và đến giờ vẫn chơi cùng Lão tướng Trà Dilmah là Nam “chân vịt” nói: “Anh Tú “khỉ” chuyền thì miễn chê còn anh Ngọc Anh “tệu” đỡ bóng bước 1 khỏi bàn. Anh “tệu” quái lắm mà có miếng dứ quá hay, nếu đối phương ập vào nhanh, anh ấy lắc nhẹ cái là qua người. Thành ra, đối phương hay bị sợ mà không dám vào nhanh thì anh ấy lại có nhiều phương án xử lý, căng ngang, chuyền ngược lại cho tuyến 2… Đặc biệt, thương hiệu của Anh “tệu” là những pha đứng đáy biên “mắt lác” đánh lừa thủ môn để sút góc gần ghi bàn”.
Những đội bóng thích chơi đáy biên thường đem đến nhiều cảm giác thích thú cho người xem bởi từ vị trí này, nhiều phương án dứt điểm hiệu quả mà đẹp mắt được xuất hiện. Ưu điểm của đá đáy biên là khả năng ăn bàn rất cao khi bóng và các cầu thủ tấn công đã ở rất sát với khung thành đối phương. Chỉ cần 1 quả căng ngang vào trong, trả ngược lại cho tiền vệ đệm lòng là lưới rung.
Tuy nhiên, không phải đội nào cũng có khả năng đá đáy biên tốt. Nhược điểm của lối đá này là dễ bị phản công nguy hiểm nếu cầu thủ đứng ở đáy để mất bóng. Mặt khác, khi thực hiện pha tấn công không thành công, hậu vệ cánh đứng ở đáy biên phải lui về phòng ngự lập tức sẽ nhanh mất sức. Hậu vệ Giang “say” của Thành Đồng chia sẻ: “Ngày xưa còn trẻ khỏe, lên công về thủ tốt. Giờ thì già rồi, mất bóng xong là đứng thở thôi”.
Trà Dilmah lứa sau với Linh “Becks”, Trung “ốc”, Đại Cán, Khánh “chóe” ít chơi đáy biên hơn. Cả hai hậu vệ cánh của lứa sau Trà Dilmah đều giỏi sút xa hơn là đứng đáy biên. Thế mới nói, lối chơi muốn triển khai tốt phải có con người phù hợp. Nhiều đội bóng ở giới phủi hiện tại cũng ít sử dụng lối chơi tập trung bóng xuống đáy biên hơn. Không nhiều đội bóng có khả năng áp đặt thế trận tấn công tốt và có những con người phù hợp đặc biệt như Trà Dilmah, Thành Đồng. Đa số các đội bóng hiện tại chơi cân bằng giữa công và thủ, các hậu vệ biên không ưa leo cao mạo hiểm như trước và xuống đáy biên chỉ trong một số thời điểm khi trung lộ bị khóa chặt.
Xem lại các pha đứng đáy biên và ghi bàn đỉnh cao của Giang "say":