“Dị nhân” sân phủi - Tuấn “bin”: Cá tính một nghệ sĩ
Gia thế hiển hách
Giống như thủ môn Kiên “mán”, Tuấn “bin” là một quái kiệt làng phủi và được sinh ra trong gia đình có truyền thống bóng đá, “danh gia vọng tộc”.
Bố của anh là thủ môn Trần Quốc Nghị hay còn gọi là Nghị “chớp” từng khoác áo CAHN rồi sau này làm HLV trẻ Hà Nội T&T. Ông ngoại Tuấn là cụ Thìn A từng là danh thủ khoác áo ĐT Đông Dương thân sinh của các huyền thoại Thể Công như anh em Ba Đẻn, Cao Cường. Mẹ Tuấn là em của bác Ba Đẻn và chị của cậu Cao Cường, bên dưới còn có các cậu Cao Vinh, Cao Hiển cũng là các cầu thủ có tiếng một thời khoác áo ĐSVN, Quân khu Thủ đô.
Từ bé, Tuấn đã sớm bộc lộ năng khiếu khi có thể rê bóng qua 2-3 người rất dễ dàng. Lớn hơn một chút, Tuấn thường vào sân Chu Văn An, CV Bách Thảo, 10-10 và được đá cùng bố Nghị “chớp”, các chú của tổ Ngọc Hà. Ban đầu, Tuấn thích bắt gôn giống bố nhưng được khuyên: “Chân mày khéo, lên trên mà đá con ạ”. Dần dần, Tuấn học mỗi thứ một ít từ người trong nhà, tự tổng hợp lại thành phong cách riêng. Anh học những pha bẻ, chặt, qua người khéo léo của bác Ba Đẻn, cách cài đè của cậu Cao Cường, sự tinh quái của cậu Cao Vinh.
Tuấn “bin” tên thật là Trần Hoàng Tuấn, sinh năm 1976, tập Thể Công cùng lứa với Triệu Quang Hà, Trương Việt Hoàng và luôn được các HLV danh tiếng như Quản Trọng Hùng, Vương Tiến Dũng đánh giá cao về kĩ thuật, tư duy. Đến năm 16 tuổi thì Tuấn nghỉ hẳn chuyên nghiệp vì vì nhiều lý do và bắt đầu nổi danh trên các sân bóng 7 người.
Một nghệ sĩ
Cựu tuyển thủ futsal Việt Nam Giang “dân” vẫn thường trêu Tuấn “bin”: “Sao anh cứ mang lụa ra sân bóng làm gì, có ai mua đâu?”.
Tuấn “bin” có đôi chân cực khéo, phong cách đá mềm mại, uyển chuyển. Trên sân bóng, anh Bin là một nhà thơ, một họa sĩ lãng mạn, luôn đem tới sự phấn khích lớn cho khán giả và chính các đồng đội, thậm chí cho chính đối thủ.
Tuy nhiên, cũng có lần anh bị Tú “khỉ” nói: “Anh không thích đá cùng mày nữa, mày hay diễn quá”. Tuấn chỉ đáp lại: “Kệ anh, thế mới là em”. Quan điểm khi ra sân của Tuấn là “chưa có tỉ số, mình được quyền diễn. Đội mình dẫn bàn, càng được diễn. Chỉ khi nào đang bị dẫn mới không diễn”. Để có đặc quyền đó, Tuấn phải sở hữu kĩ thuật thượng thừa và có tiếng nói lớn trong đội.
Trong suốt giai đoạn đỉnh cao của FC Mobifone từ 2002 đến 2010, Tuấn “bin” luôn là nhạc trưởng. Vị trí tiền vệ công của Tuấn là bất khả xâm phạm. Và chỉ mình Tuấn “bin” được phép không cần lui về tham gia phòng ngự bởi anh thích dành thời gian, sức lực để sáng tác nên những đường bóng siêu phàm hơn là làm công việc dọn dẹp. Mỗi lần đội bóng gia đình tụ họp, các bác các cậu Ba Đẻn, Cao Cường vẫn thường nói: “Chỉ mình thằng “Bin” được diễn”. Còn lại, những anh em trong họ như Sơn “boong”, Giang “bâu”, Phong “bay”... mà diễn là ăn mắng ngay.
Thủ môn Nam “chân vịt” là một trong nhiều nạn nhân của những pha xử lý dị biệt mang “thương hiệu Bin Nghị”. Rất nhiều trận khi Nam “chân vịt” bắt cho Trà Dilmah hoặc VTN gặp Mobifone đều bị Tuấn “bin” chọc thủng lưới bằng nhiều pha giả sút sục bóng qua đầu, rê qua và đủ mọi động tác đùa giỡn khác mà khán giả xem thì đã mắt nhưng nạn nhân thì tức anh ách. Có lần đá chung kết giải ngành Viễn thông gặp VTN phải giải quyết thắng thua bằng sút luân lưu, Tuấn thực hiện pha chạy đà lắc lư như rắn trườn rồi đá má ngoài chân phải vào khung thành khiến Nam “chân vịt” chỉ biết đứng chôn chân.
Đa số hậu vệ đều rất ngại phải đối đầu Tuấn “bin” bởi anh có nhiều chiêu trò qua người và kiến tạo. Một trong những độc chiêu của Tuấn là quả gót chọc khe rất hiểm hóc hay những pha đi bóng kiểu “rắn đuôi chuông” mà danh thủ như Ronaldinho vẫn làm.
Một cá tính
Lối đá của Tuấn “bin” thường gây ức chế cho đối phương bởi anh luôn pha trộn sự hoa mỹ, biểu diễn vào các pha cầm bóng, thích “nghịch ngợm”.
Đá như Tuấn vào thời điểm phủi Hà thành nhân tài trùng điệp, đầy rẫy “kì hoa dị thảo” không hề đơn giản, bởi nếu không có khả năng né đòn, phòng thủ tinh quái thì sẽ chấn thương như cơm bữa.
Ngày đó, Tuấn “bin” đối đầu với Việt “lì” rất nhiều. Nhắc đến Việt “lì” thì dân phủi lâu năm đều biết đó là một bậc thầy kĩ thuật đồng thời có những pha ra đòn rất kín, hiểm. Vậy mà rất khó để Việt “lì” muốn cho Tuấn “ăn đòn” là được. Có lần đá sân Quảng An, trong một pha tranh bóng bổng, Tuấn “bin” cố tình “ăn” lại ông anh đã húc đầu vỡ gò má Việt “lì”. Chuyện những hậu vệ hùng hổ lao vào xoạc Tuấn “bin” rồi bị anh nhảy lên né, hạ tấm thân 70 kg xuống làm cổ chân xoay 180 độ mà cạch đến già không hiếm.
Hồi đi đá giải futsal VNPT đồng bằng sông Cửu Long trong Cần Thơ, Hoàng “bu” khi đó mới ở ĐTQG futsal trở về muốn cả đội di chuyển xoay đều nhưng Tuấn “bin” nói: “Sức anh có hạn, mày bắt anh xoay thế để chết à? Cứ đá như đá 7 ngoài Bắc để anh đứng giữa phối bóng thôi”. Kết quả, Tuấn “bin”, Tuấn “ếch”, Hoàng “bu”, Đức “SC”, Tú “oóc”, Quang “Lịch” đã giành chức vô địch một cách ấn tượng bằng lối đá đậm chất phủi đất Bắc.
Tuấn “bin” rất lười tập thể lực. Hồi còn trong Thể Công, HLV Quản Trọng Hùng thường xốc nách anh lên bắt chạy cùng để luyện sức bền. Tuy nhiên, hễ được tập sút, đi hay chuyền bóng, tập chiến thuật là Tuấn rất say mê. Cứ mỗi lần xem tivi thấy các danh thủ thế giới có chiêu gì hay là Tuấn lại lôi bóng ra tập ngay trong nhà đến quên ăn quên ngủ. Nào là pha xoay compa của Zidane, gắp bóng của Carlos, “rắn đuôi chuông” của Ronaldinho, đảo chân của Figo, tạt bóng của Beckham, đánh gót của Guti… Tuấn tập mọi lúc mọi nơi có thể, kể cả với quả bóng cũ đã xịt hơi hay quả bóng tennis nhặt được. “Bất kì chiêu gì mà thế giới có, anh Bin đều làm được mới dị”, tiền đạo Tuấn “ếch” chia sẻ.
Từ năm 2011 trở đi, Tuấn “bin” không còn xuất hiện nhiều ở các giải phủi danh tiếng nữa nhưng mỗi khi nhắc về anh, giới phủi vẫn luôn nhớ về một cầu thủ có phong cách chơi bóng vừa giống Cantona ở chất điên, sự ngạo nghễ vừa giống Zidane ở sự tinh tế, mềm mại.
Tuấn “bin” cùng Hoàng “bu” là hai “công thần” và trụ cột lâu năm nhất của FC Mobifone lừng lẫy một thời. Ngoài Mobifone, Tuấn “bin” khá nổi danh với FC Sao Đỏ, FC Bắc Kỳ cùng các đồng đội như Tùng “bướm”, Dương “mỡ”, Sơn “boong”, Giang “bâu”, Long “thư”, Long “chat”...
Ít người biết Tuấn “bin” thường đi giày cỡ 42 dù chân cỡ... 41. Đi giày rộng không có cảm giác, khó đá nhưng anh Bin thích như vậy vì thấy thoải mái nhất để phô diễn những pha bóng kĩ thuật. Tuấn không chú trọng sút bóng mà thường tìm cách kiến tạo cho đồng đội và người hưởng lợi nhiều nhất chính là “cạ cứng” Tuấn “ếch” thời Mobifone còn cực thịnh.