Dị nhân sân phủi Kiên “mán”: Hơn cả một “người nhện”
Ở giải futsal toàn quốc lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM năm 2007, Kiên "mán" ẵm danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất và để lại ấn tượng bằng khả năng chơi chân tuyệt hảo. Ở 2 trận cuối vòng bảng gặp Thanh niên Cần Thơ và Duhal Tiền Giang, Kiên "mán" lên đá tiền đạo và trận nào cũng có một cú đúp. Đó là thành tích khá “điên rồ” đối với một thủ môn.
"Mọi người thường nói thủ môn là một vị trí nhàm chán nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi có thể cản phá bằng chân như một hậu vệ, chuyền bóng như một tiền vệ và ghi bàn như một tiền đạo, ngoài ra còn được dùng tay chơi bóng", Trần Trung Kiên cười khà khà khi nói về vai trò của một "người gác đền". Đó là cách nghĩ “rất” thủ môn, khác biệt với sự tự tin đầy sảng khoái.
Nhắc đến phủi Hà Nội là phải nhắc đến Trà Dilmah, đội bóng nhiều năm thống trị hầu hết các giải đấu phong trào tại Thủ đô mấy thập niên qua. Dù chỉ tập hợp những cầu thủ nghiệp dư và từng ăn tập nhưng Trà Dilmah từng không ít lần đánh bại các đội chuyên nghiệp. Đó còn là nơi cung ứng rất nhiều nhân tài cho ĐTQG futsal Việt Nam trong quá khứ. Nhắc đến thủ môn trong thời kì hoàng kim của Trà Dilmah là phải nhắc đến Kiên "mán". Cùng với Trà, Kiên có bộ sưu tập mười mấy chiếc Cúp và chưa lần nào về nhì ở các giải đấu coi như chính thức mà đội tham dự.
Trần Trung Kiên sinh ra trong một gia đình có truyền thống lừng lẫy. Cả 3 người bác của Kiên là Trần Văn Vĩnh, Trần Văn Khánh, Trần Văn Thành rồi đến người anh họ Trần Tiến Anh đều từng lên tuyển và là "sao số" ở Thể Công hoặc Công an Hà Nội. Bố của Kiên là ông Trần Văn Trung, từng bắt trẻ Công an Hà Nội và lên ĐTQG vài lần. Em ruột Kiên là Trần Anh Đức - tự Đức “tỉn” - đang chơi cho đội 1 Hà Nội T&T, cũng là một thành viên của Trà. Bản thân Kiên "mán" từng khoác áo ĐT futsal Việt Nam cho đến trước thềm SEA Games 2007, khi xảy ra vụ “đình công” tai tiếng do phản ứng với những tiêu cực “dây dợ” trên ĐTQG.
Lớn lên trong một gia đình nhìn đâu cũng thấy thủ môn nhưng Kiên "mán" không được định hướng sẽ phải kế nghiệp xỏ găng. Kiên thích đá bóng hơn là bắt bóng và chỉ làm "người gác đền" khi đội bóng cần. Đàn anh Tú "khỉ" nhận xét: "Có Kiên đứng trong khung thành, đội bóng như có thêm một trung vệ nữa. Nó chơi chân hay nên các đội bóng muốn "quây" cũng rất khó. Nói không quá, trong nhiều trận bóng, nó chạm bóng bằng chân còn nhiều hơn các tiền vệ đối phương".
Những năm đỉnh cao từ 2005 đến 2010, Kiên "mán" bắt chắc tay đến nỗi trung vệ Long "Kim" của Trà Dilmah luôn thoải mái dâng cao, chẳng mấy khi bận tâm đến chuyện phòng ngự. Kiên không có dáng vẻ hù dọa tiền đạo, chỉ cao hơn 1m60, người nhỏ thó nhưng đối mặt, sút xa hay penalty là chuyện nhỏ. Một đặc sản của Kiên "mán" là "bài quỳ" khép háng. Trong sự nghiệp của mình, số lần Kiên bị "xâu kim" chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Dị nhân sân phủi Việt "lì", vang danh với kĩ thuật thượng thừa đến nỗi đi 2 chiếc giày dành cho chân phải vẫn… đá tốt, chuyên xỏ háng các thủ môn nhưng hễ gặp Kiên "mán" là lắc đầu ngao ngán. “Để bắt bài một tiền đạo, bạn phải tư duy như một tiền đạo”, Kiên “mán” có quan niệm độc đáo như vậy và chính những năm tháng đá ở nhiều vị trí trên sân đã tôi luyện nên khả năng đọc tình huống tuyệt vời của anh.
Bóng đá ngấm vào máu Kiên “mán” từ bé. Mỗi dịp nghỉ hè, Kiên “mán” lại cùng cậu bạn thân Kiên “Phú” và cậu em ruột Đức “tỉn” với đám trẻ quanh khu phố Hàng Cót dậy từ 5h00 sáng, đá hết vườn hoa Hàng Đậu rồi chạy bộ đến sân 10/10 đá tiếp. 16h chiều lại “xếp hàng” để chiến tiếp, cứ như vậy đều đặn 3 tháng hè trong nhiều năm liền. 14, 15 tuổi Kiên “mán” đã nhẵn mặt các sân phủi từ 10/10, Long Biên, An Dương, Ngọc Hà đến Hoàng Cầu, Giáp Nhị, Hoàng Mai… và thường được chơi với các bậc đàn anh, đàn chú, trong vai trò cầu thủ tấn công.
Kiên "mán" (1985) có kĩ thuật cá nhân rất tốt, từng thi đỗ vào U.13 Thể Công cùng lứa với Ngọc Duy (1986) rồi sau đó được đôn lên U.14. Hồi đó, Kiên vượt qua mọi bài test đầu vào rất khắt khe của lò đào tạo trứ danh này từ tâng bóng 12 điểm chạm 3 vòng, dẫn bóng luồn cọc, chạy 12 phút, bật cao, bật xa... Trong mấy năm ở Thể Công, Kiên đá hậu vệ, tiền vệ biên nhiều hơn bắt gôn. HLV Phan Văn Mỵ (Thể Công) là người nhìn ra tài năng thủ môn của Kiên trước tiên rồi sau này là những đàn anh tại Trà Dilmah như Trung "Chinh", Long "Kim"… Mỗi lần đội thiếu thủ môn, các anh hay các chú lại nói như đinh đóng cột: "Bác và bố mày đều bắt gôn hay, chắc chắn mày cũng có tố chất, đừng có chối, bắt đi xem nào". Và từ những lần đóng thế bất đắc dĩ ấn tượng, Kiên "mán" mặc định là thủ thành chính của mọi đội bóng.
Một trong những yếu tố làm nên thành công của Kiên “mán” là bản tính ham học hỏi. “Với tôi, bất kì pha bóng nào cũng có cái để mình học”. Chịu khó nghiền ngẫm và rút ra những bài học riêng, Kiên có thể làm tốt nhiều vai trò trong một đội bóng: Cầu thủ và HLV. Lứa cầu thủ Trà Dilmah từng “làm mưa, làm gió” các giải mini giai đoạn 2011-2013 như Linh “Becks”, Trung “ốc”, Vũ “còi”, Dân “dật dẹo”, Giang “còi”, Huy “mô”, Thạch “ngáo”, Cán “Cris”, Sơn “móm”… đến giờ vẫn trân trọng và coi Kiên “mán” như một người thầy, người anh lớn. Dù là một thủ môn nhưng Kiên “mán” có thể phân tích, truyền dạy nhiều bài học, kinh nghiệm cho cả các cầu thủ tấn công. Ở nhiều giải, Kiên “mán” thường lên đá hậu vệ, tiền vệ và đóng vai trò trợ lý HLV bên cạnh coach Anh “tệu”.
Thời đỉnh cao của Trà Dilmah và Kiên "mán" đã qua nhưng mỗi khi nhắc đến, từ đồng đội đến đối thủ đều dành cho anh một sự ngưỡng mộ nhất định. Bởi Kiên "mán" không chỉ là một người xuất sắc trong cầu môn mà còn là người khai phá khái niệm: Thủ môn phải biết chơi chân, đó là một thòng để và để rồi nó đã trở thành “một trường phái”, một “di sản của phủi” mà sau này khi futsal xuất hiện, phổ biến thì mới thành khái niệm phổ thông...