HLV phủi và những điều không phải ai cũng biết
Nhiều người mới chơi bóng đá phong trào thường tò mò muốn biết HLV một đội bóng phủi là người như thế nào, có bằng cấp hay không, cần điều kiện gì để được “ngồi ghế nóng”?…
Trong làng phủi Hà thành hiện tại, chưa nhiều đội bóng có một HLV đúng nghĩa. Đa số các ông bầu hoặc cầu thủ đội trưởng thường kiêm luôn vai trò HLV khi thi đấu.
Một số đội bóng phủi có tiếng và giàu thành tích có hẳn HLV có thể kể đến như Cường Quốc, Top Group. Nhắc đến thành công của Cường Quốc 10 năm trở lại đây, là nhắc đến vai trò to lớn của HLV Ngô Tiến Thiết. Còn nhắc đến Top Group là nhắc đến HLV Tú “khỉ”. Đây là hai HLV gạo cội của làng phủi Hà thành.
HLV Ngô Tiến Thiết sinh năm 1963 tại làng Quảng An, Tây Hồ (Hà Nội). Ông từng có 1 năm thi đấu cho CLB Vận tải 1 (1982 -1983) nhưng danh tiếng chỉ thực sự nổi bật khi chuyển sang cầm các đội bóng đá phủi ở Hà Nội và giành vô số các danh hiệu. Coach Thiết được ghi nhận là HLV phủi giàu thành tích nhất, nhiều học trò nhất và dẫn dắt nhiều đội bóng số má nhất.
Từ Ngân Giang, Phát hành Báo chí, Cường Quốc, coach Thiết đều giúp các đội bóng này trở thành thế lực một thời. Hiện tại, ông vẫn dẫn dắt FC Cường Quốc và tiếp tục duy trì đội bóng này phát triển như một thương hiệu mạnh của phủi Hà thành.
Con đường đến với nghiệp cầm quân phủi của HLV Tiến Thiết cũng là mẫu số chung của nhiều HLV phủi. Đó là việc những người chơi phủi biết tiếng, truyền tai nhau, giới thiệu đến các ông bầu phủi. “Ok, thấy ông bầu tâm huyết hoặc có thằng em, thằng cháu nó nhờ nhiệt tình quá thì mình về giúp đội họ xem sao. Về dẫn dắt đội, có thành tích tốt, ông bầu quý mến nhờ giúp lâu dài thì lại Ok giúp họ tiếp, cứ thế lâu dần thì thành HLV đội thôi”, thầy Thiết từng chia sẻ.
Thành Đồng được ví như “Barca của phủi Hà thành”, là đội bóng nhiều fan bậc nhất giới phủi vài năm qua. Họ lên ngôi vô địch Ngoại hạng phủi mùa đầu tiên (HPL-S1) mà không cần thuê HLV. Đội trưởng Thắng “Xavi”, vừa thi đấu vừa kiêm luôn vai trò HLV của đội. Trong khoảng 4 năm gần đây, Thành Đồng vẫn là đội bóng phủi nhất nhì của Hà Nội và Thắng “Xavi” vẫn là đội trưởng kiêm HLV của họ. Thắng “Xavi” tên thật là Bùi Văn Thắng, từng là tuyển thủ futsal Việt Nam. Con đường để anh trở thành kiến trúc sư trưởng kiêm thuyền trưởng của Thành Đồng cũng là con đường mang tên kinh nghiệm, năng lực dẫn dắt thực sự chứ không cần bằng cấp.
Top Group cũng nằm trong Top các đội bóng phủi hay bậc nhất Hà thành vài năm qua. Đội bóng này được dẫn dắt bởi HLV Lê Tuấn Tú, cựu đội trưởng ĐT futsal Việt Nam. HLV Tú “khỉ” từng một thời được coi là ông vua sân đất nện và là linh hồn trong lối chơi của đội phủi trứ danh Trà Dilmah. Với kinh nghiệm và trình độ thực sự, HLV Tú “khỉ” cũng đã giúp Top Group trở thành một thương hiệu mà không cần một tấm bằng HLV chuyên nghiệp nào.
MV Corp vô địch Ngoại hạng phủi mùa thứ 3 (HPL-S3) dưới sự chỉ đạo chiến thuật của HLV Vũ "Nghệ". Anh vẫn đang là tuyển thủ futsal VN và chơi cho CLB Thái Sơn Bắc. Ở hai mùa giải trước đó, Linh "cười" vừa làm HLV vừa là cầu thủ của MV Corp. Anh cũng xuất thân là một cựu cầu thủ chuyên nghiệp và là một phủi thủ có tiếng ở Hà thành.
FC EOC mới nổi lên trong vòng 1 năm qua khi thâu tóm rất nhiều danh hiệu và sở hữu một đội hình nhiều sao, được coi là thế lực mới của phủi Hà thành. HLV của đội bóng này là Đào Anh Đức, cựu tuyển thủ futsal, cũng là một phủi thủ nổi tiếng trong màu áo FC Mobifone, S&C, Trà Dilmah. Anh Đức có chứng chỉ HLV môn futsal do FIFA cấp nhưng kinh nghiệm, năng lực, sự am hiểu phủi, cách chơi đặc trưng của sân 7 mới là thứ giúp HLV này thành công với EOC.
Nhìn chung, các HLV phủi thành công đa số xuất phát điểm là những người từng chơi phủi tốt, thậm chí nổi tiếng. Dù là chơi phủi nhưng các HLV này cũng rất chịu khó nghiên cứu các bài tập nâng cao thể lực, kĩ chiến thuật để cầu thủ tập luyện. HLV Tú “khỉ” và Thắng "Xavi" có nhiều kinh nghiệm và các bài tập từ futsal – lĩnh vực mà họ từng nhiều năm gắn bó khi còn là cầu thủ. HLV Tiến Thiết am hiểu nhiều bài tập sân 7, sân 11. Một thế mạnh của coach Thiết là ông khá thân thiết, thường xuyên đàm đạo với những HLV chuyên nghiệp như Phan Thanh Hùng (Than Quảng Ninh), Lê Huỳnh Đức (SHB Đà Nẵng), Nguyễn Thanh Sơn (Becamex Bình Dương)…Vì thế, HLV Thiết luôn biết kết hợp khéo léo phong cách chuyên nghiệp và phủi trong khâu huấn luyện.
Suốt 1 năm nay, HLV Tiến Thiết thường cho FC Cường Quốc chia làm 2 tổ. Tổ chính gồm những thành viên trụ cột tập riêng một buổi ở sân Ngọc Bảo vào thứ 4 hàng tuần. Tổ trẻ gồm các thành viên trẻ, tập riêng một buổi ở sân Phúc Xá vào thứ 5 hàng tuần. Các bài tập áp dụng cho 2 tổ có sự khác biệt lớn. Trong khi tổ chính chủ yếu tập chiến thuật thì tổ trẻ phải tập thể lực, cảm giác bóng nhiều hơn. Ông cũng thường xuyên bố trí một vài thành viên của tổ chính luân phiên tập chung với tổ trẻ để dìu dắt các em.
HLV Đức “SC” của EOC FC thường xuyên theo dõi lại băng hình các trận đấu của đội ngay trong ngày để rút ra kinh nghiệm và chỉ cho cầu thủ những điểm chưa tốt trong cách di chuyển, xử lý tình huống, v.v... Anh nói: “Tôi thường tìm kiếm hoặc xin link video, băng hình các trận đấu một cách sớm nhất có thể, để nghiên cứu và bàn luận với cầu thủ trong đội”.
HLV phủi cũng giống cầu thủ phủi, đa số đến với một đội bóng, chỉ vì cái tình cảm với anh em trong giới, vì nể cái tâm huyết của ông bầu mà giúp chứ không cần lương thưởng, bằng cấp, thi tuyển đao to búa lớn gì. “Không đá nữa thì làm HLV, truyền kinh nghiệm cho các em, đó cũng là cái thú vui của mình, được ra sân thường xuyên cũng đỡ nhớ quả bóng”, HLV Tú “khỉ” cho biết.
Rất nhiều ông bầu phủi là những người giàu có, đam mê nhưng để có thể kiêm nhiệm vai trò HLV, giúp đội thành công thì rất hiếm. Dường như có một công thức chung của những HLV phủi thành công. Đó là họ phải từng chơi phủi hoặc rất hiểu về phủi trước khi tính đến các yếu tố khác. Dù chỉ là chơi phủi nhưng vai trò của HLV cũng rất quan trọng. Để quản lý và chỉ đạo được một đội bóng phủi với quân số 15-20 người, đều là những con người cá tính là một công việc khó khăn.