Khi bóng đá phủi cũng đào tạo trẻ
Hơn 100 thí sinh đến thử chân trong buổi tuyển chọn cầu thủ trẻ mới đây của Đại Việt SC là một con số đáng kinh ngạc về sự phát triển, tính chuyên nghiệp trong giới phủi.
Những đội bóng phủi giàu truyền thống ở Hà thành đã có lò đào tạo trẻ trong vài năm qua là Trà Dimah, Thành Đồng, Cường Quốc, Triều Khúc. Mới đây, một số đội bóng cũng quan tâm đến khâu đào tạo trẻ có thể kể đến Đại Việt SC, Phương Anh, Moon, Tô Ký.
Các đội bóng này đề cao việc sử dụng cầu thủ “cây nhà lá vườn” thay vì đến giải đấu lớn phải ráo riết tuyển quân, gọi người, mượn người. Đây là một cách làm đúng đắn, giúp đội bóng có bản sắc riêng.
Ở HPL-S3, Cường Quốc là đội bóng dám sử dụng nhiều cầu thủ trẻ gà nhà thi đấu nhất. Rất nhiều cái tên như Đăng Đông, Đức “đen”, Đạt “tèo”, Quân “con”, Quân “xôi”, Thịnh “Bắc Ninh”, Tâm “Nam Định” được sử dụng thường xuyên.
Nhiều trận đấu mà màn đối đầu với Hanel tại vòng 10 HPL-S3 là một điển hình, người ta nhìn thấy cảnh các hảo thủ cứng cựa của Cường Quốc như Dũng “Crouch”, Mạnh “nát”, Tiến “châu Phi”, Hùng “sư phạm”, thậm chí đội trưởng Đạo “Từ Sơn”… ngồi dự bị cả hiệp 1 hoặc cả trận theo dõi, cổ vũ các em trẻ thi đấu.
Ở trận đấu đó, đội hình xuất phát của Cường Quốc gồm toàn cầu thủ trẻ dạng “cây nhà lá vườn” trừ Tú “Yến” bổ sung giai đoạn 2 đối đầu với dàn hảo thủ dày dạn kinh nghiệm của Hanel như Tú “Thổ”, Xuân Dương, Công Huy, Tuấn Anh “cốm”, Tú “Tó”…
Đó là một bước tiến đột phá trong cách làm bóng đá của bầu Cường “hói” – người từng được coi đã có thời biến Cường Quốc trở thành Lương Sơn Bạc của phủi khi luôn gọi “hàng tuyển” về đá là phải giành cúp bằng được.
Từ 2 năm nay, bầu Cường đã thuê thêm sân cho đội trẻ Cường Quốc tập riêng 1-2 buổi trong tuần. Thông thường, đội 1 tập vào thứ 4 hàng tuần ở sân Ngọc Bảo còn đội trẻ tập vào thứ 5 hàng tuần ở sân Phúc Xá. HLV Tiến Thiết là người “đứng lớp” ở cả 2 buổi tập.
Những buổi tập của trẻ Cường Quốc trên sân Phúc Xá cũng thu hút rất nhiều cầu thủ ở nhiều đội khác đến xem và xin vào tập cùng. Số lượng cầu thủ đội khác xin tập cùng có thời điểm tăng chóng mặt khiến bầu Cường “hói” tính thuê thêm một sân mới bí mật hơn để cho những tài năng trẻ đã qua sàng lọc được tập kín.
Thành Đồng cũng là một đội bóng được yêu mến ở làng phủi Hà thành như Cường Quốc. Trong khoảng thời gian cuối năm 2015 đến nay, đội bóng này thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo miễn phí cho các bạn trẻ yêu bóng đá đến tập cùng các hảo thủ đội 1.
Mỗi buổi tập mở của đội trẻ Thành Đồng kết hợp cho các cầu thủ bốn phương thử chân thường thu hút hàng chục “ứng viên”. Có nhiều em mới 12, 13 tuổi cũng đến thử chân và gọi các HLV như Thắng “Xavi”, Giang “say” bằng chú.
Triều Khúc cũng là đội chú trọng đào tạo trẻ. Đặc biệt, đội bóng làng cổ này vẫn giữ được cái nết chỉ sử dụng “thổ dân” từ đội 1 đến đội trẻ. Trong nhiều giải đấu lớn khoảng 2 năm nay như Ngọc Bảo, VCK Forumbongda, Triều Khúc thường để các thành viên đội trẻ thi đấu và lấy tên là FC 6789 hoặc FC SV 2012.
Trong buổi sơ tuyển vòng 1 của Đại Việt SC mới đây, có tới hơn 100 cầu thủ trẻ đến thử chân. Đây là một con số đáng kinh ngạc với quy mô của một đội bóng phong trào. Đại Việt SC nổi tiếng là đội bóng có cách làm hình ảnh, quản lý dữ liệu chuyên nghiệp bậc nhất giới phủi Hà thành.
Sau 3 vòng sơ tuyển, Đại Việt SC đã chọn được 40 cầu thủ trẻ tuổi bước vào vòng trung tuyển. Sau vòng trung tuyển với cường độ tập luyện cao hơn, CLB sẽ loại tiếp 20 người để giữ lại 20 người xuất sắc nhất vào đội trẻ Đại Việt.
Đây sẽ là đội hình cuối cùng để HLV Quỳnh “xích thố” cho khổ luyện trong vòng 2 tháng, sau đó sẽ chọn những nhân tố tốt nhất đi đá giải và du đấu. Cầu thủ nào không phù hợp vẫn sẽ bị thải hồi sau thời gian tập luyện. Trong danh sách 40 ứng viên lọt vào vòng trung tuyển của Đại Việt SC, đa số sinh năm 1994 đến 1998.
Đi tiên phong trong công tác đào tạo trẻ ở phủi Hà thành là Trà Dilmah FC. Lứa cầu thủ trẻ Trà Dilmah từng ghi dấu sân phủi có thể kể đến Cán “Cris”, Linh “Becks”, Khánh “chóe”, Vũ “còi”, Sơn “móm”…
Hiện tại, Trà Dilmah vẫn đang đào tạo một lứa cầu thủ trẻ mới sau lứa cầu thủ kể trên. Bầu Hồng vẫn theo dõi thường xuyên tình hình bóng đá phủi và lựa chọn các giải đấu vừa sức để cho lứa trẻ hiện tại đăng ký thi đấu cọ xát. Chỉ dạy và giám sát các cầu thủ trẻ Trà Dilmah thi đấu, tập luyện hàng ngày là HLV Anh “tệu” và thủ môn Kiên “Mán”.
Có thể thấy, các đội bóng phủi ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn và chú trọng đến khâu đào tạo trẻ kế cận. Đây là một bước tiến mới đáng ghi nhận của bóng đá phong trào trong vài năm qua.