Những điều chưa biết về sân cỏ nhân tạo ở Hà Nội
Chi phí làm 1 sân 7 người
Chi phí đầu tư làm 1 sân bóng cỏ nhân tạo từ 250-400 triệu. Bao gồm các chi phí: thuê đất, thi công nền hạ, trải thảm cỏ nhân tạo, phụ kiện, bảo dưỡng.
Sở hữu một mảnh đất có diện tích đủ lớn để làm sân bóng đá cỏ nhân tạo gần như là điều không tưởng đối với các nhà đầu tư. Vì thế đa số các ông chủ của các sân cỏ nhân tạo ở Hà Nội đều phải thuê đất. Phần lớn các ông chủ sân thuê đất có thời hạn 5-10 năm, mảnh đất thường gần trường học, khu văn phòng hoặc khu dân cư.
Phụ kiện để làm sân bóng gồm hệ thống đèn chiếu sáng, khung thành, lưới chắn bóng, bóng đá,... chi phí khoảng 40 triệu cho một sân 7 người.
Anh Trần Văn Thành, chủ hệ thống sân Thành Lâm VTC và Thành Lâm Green Park cho biết: "Tùy kích thước và chất liệu cỏ mà giá làm một sân có sự khác nhau. Nếu một sân 7 có kích thước 30m x 50m như chỗ Thành Lâm Green Park thì chi phí đầu tư khoảng 400 triệu".
Mỗi năm sân bóng cỏ nhân tạo sẽ cần bảo dưỡng ít nhất 2 lần (6 tháng/lần) và tốt nhất là 4 lần (3 tháng/ lần) với chi phí bảo dưỡng 1 sân khoảng 3-5 triệu/ 1 lần. Như vậy mỗi năm cần đầu tư 10-20 triệu để bảo dưỡng một sân.
Nếu sân đạt mức doanh thu trung bình 30-65 triệu/ tháng, chủ đầu tư có thể hoàn vốn trong 15 tháng.
Những sân được ưa chuộng
Sân Thành Lâm Green Park và sân Minh Đức ở đường Dương Đình Nghệ đang là hai sân được dân phủi đánh giá rất cao về mặt cỏ, ánh sáng và khoảng trống ngoài đường biên rộng rãi. Khung giờ vàng (17h30 - 19h và 19h -20h30) ở 2 sân này đều đã kín hết từ thứ 2 - thứ 6 hàng tuần.
Giá một sân vào khung giờ vàng ở 2 sân này là 800.000 đồng/trận chưa tính nước uống. Vào thứ 7 và Chủ nhật, giá giờ vàng là 600.000 đồng/trận. Sân Thành Lâm Green Park với thiết kế cao, dốc cũng có khả năng thoát nước tốt khi trời mưa. Đội bóng Trà Dilmah thường xuyên đá giao hữu và đá tập nội bộ trên sân Thành Lâm Green Park.
Thủ môn Kiên “mán” của Trà Dilmah nói: “Tôi thích chơi ở các sân như Thành Lâm Green Park, Bách Khoa và Thành Đồng. Lối chơi của Trà Dilmah là ban bật nhanh, chuyền sệt nhiều nên phải chọn những sân có mặt cỏ tốt”. Trung vệ Cường “trắng” của EOC: “Tôi thấy sân Thành Lâm mới đá rất thích, cỏ êm ái”.
Một trong những sân được ưa chuộng khác là sân Thành Phát ở đường Hoàng Minh Giám với hệ thống 11 sân 7, được đánh giá cao về khả năng thoát nước khi trời mưa. Sân Thành Phát đang là sân mà nhiều đội bóng có tiếng như EOC, HAT (đội của ca sĩ Tuấn Hưng) chọn làm nơi thi đấu giao hữu, tập luyện. Ánh sáng của sân Thành Phát cũng khá tốt với hệ thống 12 cột đèn cao áp bố trí cho 4 sân sát nhau.
Sân Bách Khoa được dân phủi ưa thích bởi có khán đài, đường pitch rộng rãi và đặc biệt là hệ thống đèn rất sáng.
Sân 88 Lê Văn Lương có ưu điểm giống với sân Thành Phát là nhiều sân 7, dễ bắt đối, vị trí thuận tiện đi lại, sát mặt đường, nhiều chỗ để xe. Đây cũng là 2 cụm sân có đội ngũ nhân viên quản lý rất chịu khó tìm đối tác “chữa cháy” cho các đội bóng. Không chỉ vậy, 2 cụm sân này còn có hẳn một “biệt đội” lập ra chỉ chờ “chữa cháy” cho các đội nào đã thuê sân nhưng không có đối tác hoặc bị đối tác “bỏ bom”.
Biệt đội này cũng gồm nhiều dân phủi cứng hoặc nhìn chung có trình độ trung bình khá trở lên, sẵn sàng làm “quân xanh” cho mọi đội bóng. Vì thế, lượng khách đến chơi ở 2 cụm sân này luôn rất đông và khung giờ vàng luôn kín lịch. Giá ở 2 sân bóng này cũng tương tự nhiều sân có chất lượng và uy tín tốt khác: 800.000 đồng/trận vào khung giờ vàng.
Một số sân cỏ nhân tạo khác cũng đang được dân phủi ưa chuộng, đánh giá cao về tiêu chuẩn cỏ, ánh sáng, chỗ để xe là sân Ngọc Bảo ở Trung Kính, Minh Kiệt ở Nguyễn An Ninh, sân Long Biên, sân của Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao tại Mỹ Đình.