06h30 (30/06), Chile – Peru: Muốn đi đến cùng, phải rút súng ra
Càng sâu, càng khít
Nếu ở vòng bảng tỷ lệ bàn thắng còn tạm chấp nhận, với 40 bàn sau 18 trận, tức 2,22 bàn/trận, thì khi vào giai đoạn knock-out, sự thận trọng của các đội tăng lên và tỷ lệ đã giảm đáng kể, với 7 bàn/4 trận tứ kết, tức chỉ còn 1,75 bàn/trận. Đã có 3 trận chỉ có từ 2 bàn trở xuống đến zero. Và trận duy nhất có nhiều bàn có sự góp mặt của Bolivia (1-3 Peru), đội bóng được ví như cái rổ đựng bóng với 7 lần thủng lưới ở vòng bảng. Rõ ràng, càng đi sâu vào giải, ranh giới thắng-thua càng thu hẹp và không dễ nhận thấy sự khác biệt giữa những đại gia, ngay cả như Argentina hay Brazil, cho tới cả chủ nhà Chile.
Chile mở màn vòng tứ kết và họ đã khép lại trận thắng Uruguay gây tranh cãi bằng duy nhất 1 bàn. Thành tích đó khiêm tốn hơn nhiều nếu nhìn lại con số 11 bàn Chile ghi ở vòng bảng và đặc biệt cái cách họ trút 5 bàn vào lưới Bolivia ở lượt trận cuối. Trước Uruguay, Chile vẫn kiểm soát bóng tốt qua đó tiếp tục là đội bóng có thời lượng giữ bóng trung bình/trận nhiều nhất ở giải. Nhưng số cơ hội dứt điểm ngon ăn của các cầu thủ chủ nhà suy giảm rõ rệt, trước một hàng phòng thủ được tổ chức tốt, có chiều sâu. Những ngòi nổ lợi hại nhất, từ Sanchez đến Vargas, hết Vidal tới Aranguiz lần đầu tiên câm lặng ở giải năm nay. Chỉ khi còn 10 người Uruguay mới sụp đổ, nhưng người hùng của Chile lại là… hậu vệ Mauricio Isla. Rạng sáng mai không gì hứa hẹn Chile sẽ có trận đấu dễ thở hơn. Nên nhớ, Peru phòng ngự tốt chẳng kém Uruguay với chỉ 2 bàn thua ở vòng bảng, mà đều ở trận gặp Brazil khi siêu sao Neymar tỏa sáng rực rỡ. Còn lại, họ không cho Venezuela đang phấn khích có cơ hội ghi bàn và làm “mất tiếng” dàn tấn công đắt giá của Colombia.
Peru không sở hữu một trung vệ đẳng cấp cỡ Diego Godin của Uruguay, nhưng bù lại HLV Ricardo Gareca biết cách bố trí hệ thống phòng ngự tương đối kín kẽ, chắc chắn. Chưa hết, sự trở lại của cặp tiền vệ trung tâm Ballon – Lobaton sau án treo giò càng giúp Peru tăng khả năng phòng thủ. Và sau cùng, nếu Peru còn sở hữu chân sút đang hưng phấn Paolo Guerrero, Vua phá lưới giải đấu 4 năm trước vừa vươn lên dẫn đầu danh sách dội bom sau khi nã hat-trick vào lưới Bolivia, đó là hiểm họa tiềm tàng với Chile.
Lại… đấu súng?
Tất nhiên, với những gì đã thể hiện cùng lợi thế hay sự ưu ái dành cho nước chủ nhà, Chile, vẫn sẽ nằm ở “cửa trên”, dù Peru không thể xem thường trong lần thứ 2 liên tiếp họ tiến vào tới bán kết Copa. Nhưng để tiến đến trận chung kết đầu tiên kể từ kỳ Copa 1987 và biến giấc mơ VĐ sau cả 100 năm chờ đợi thành hiện thực, Chile còn phải nỗ lực gấp bội, đặc biệt trong khâu tấn công, nếu muốn hạ gục Peru. Dẫu vậy, nhìn vào lực lượng hiện tại, HLV Sampaoli lại không có những gương mặt dự bị chất lượng để tạo ra nét mới cho Chile. Tiền đạo dự phòng Pinilla vốn dĩ chất lượng trung bình giờ bị treo giò. Như thế, nguyên hàng tiền vệ cùng bộ đôi chân sút sẽ không xáo trộn. Uruguay gần như thành công trong việc hóa giải những miếng đánh của Chile, cho tới khi chỉ còn 10 người và không thể trụ nổi. Đó là bài học Peru sẽ nhìn vào. Chưa kể đội khách cũng sẽ “soi” thật kỹ cái cách Mexico dễ dàng chọc thủng lưới của Bravo đến 3 lần ở vòng bảng để tìm ra tử huyệt cho những Guerrero, Pizarro, Cueva hay Farfan thọc vào. Như thế, đây sẽ là trận chiến gian nan nhất với Chile từ đầu giải, chưa kể án phạt treo giò vẫn treo lơ lửng trên đầu trung vệ Jara và chỉ được quyết định vào phút chót.
Sự thực đã có 2/4 trận ở tứ kết không thể giải quyết thắng-bại sau 90 phút và phải nhờ tới loại đá 11m may rủi phân định. Chile cũng suýt đẩy mình vào tình thế đó, nếu Isla không xuất hiện đúng lúc và dứt điểm gọn ghẽ cuối trận gặp Uruguay. Giờ chủ nhà càng không muốn chơi trò ú tim trên chấm 11m, dù họ sở hữu thủ thành tài năng Claudio Bravo. Nhưng với Peru đi đến vòng này đã là thành công vượt mong đợi và với tâm lý thoải mái, đội bóng áo Trắng-đỏ đâu ngại giở hết chiêu trò, để tiếp tục tìm đường phiêu lưu. Ai dám chắc họ không sẵn sàng lôi trận đấu vào loạt đấu súng 11m?
Dự đoán: 1-1
(Chile thắng ở loạt đá luân lưu 11m)
LƯƠNG ANH
Chile
Khả năng ra sân của Gonzalo Jara để ngỏ.
Mauricio Pinilla treo giò.
Chile vẫn là đội ghi bàn tốt nhất giải, với 11 bàn/4 trận, bình quân 2,75 bàn/trận, gấp đôi thành tích của Peru (5 bàn/4 trận).
63,7% số bàn thắng của Chile được thực hiện trong hiệp 2 và rõ ràng sau giờ nghỉ chủ nhà luôn chơi thăng hoa hơn.
Chile đang là đội có thời lượng kiểm soát bóng tốt nhất giải, với bình quân 60,3% mỗi trận.
Peru
Đầy đủ lực lượng.
Cả 5 bàn Peru đã ghi đều thực hiện từ tình huống mở và họ là đội duy nhất đã ghi 1 bàn từ tình huống phản công.
Đã 40 năm Peru không lọt vào CK kể từ Copa 1975, giải đấu mà họ đã đăng quang. Cả thảy, Peru đã có 4 lần lọt vào bán kết kể từ đó.
80% số bàn thắng của Peru đến trong khoảng thời gian 15 phút giữa mỗi hiệp đấu.
Chile đã đánh bại Peru ở 9/10 lần đối đầu gần nhất. Riêng trong khuôn khổ Copa America, Peru là đội tuyển Chile thắng nhiều thứ nhì, 7 trận, chỉ sau Ecuador (11 trận). Riêng ở 4/5 gần chạm trán mới nhất tại Copa, Chile bất bại trước Peru, trong đó có 3 trận thắng.