Ấn tượng thể thao tháng 10: Nơi tình yêu ở lại

thứ bảy 31-10-2015 9:57:23 +07:00 0 bình luận
Kính dâng hương hồn thầy Trần Văn Sang

Cầm quyết định phân bổ giáo viên về công tác tại huyện Ô Môn - tỉnh Cần Thơ năm 2002, tôi nung nấu trong lòng ý định thành lập một CLB Võ cổ truyền tại địa phương này. Sau khi xin giấy phép hoạt động và được sự giới thiệu của Trung tâm văn hóa huyện, tôi đến tìm thầy Trần Văn Sang - Trưởng bộ môn Võ cổ truyền huyện Ô Môn để ra mắt. Thói thường “Rừng nào cọp nấy”, “Một nước không thể có hai vua”, “Ma cũ - ma mới” nên tôi thấy hơi lo, không biết thầy Sang là người như thế nào?

Ảnh minh họa

Một tối thứ ba như đã hẹn tại điểm tập võ sân đình Ô Môn, sau khi chào thầy và các võ sinh, tôi đến hàng ghế đá ngồi quan sát lớp học, quan sát thầy dạy. Trong ánh sáng yếu ớt hắt xuống từ bóng đèn neon 6 tấc cũ kỹ, bóng thầy và các em võ sinh hòa vào nhau, hòa với cái tĩnh mịch của thiên nhiên và nhịp thở của trời đất, dường như thấp thoáng đâu đây hào khí của ông cha trong từng thế võ, đường quyền. Tan học, tôi có nhã ý mời thầy ra quán bia gần đó để “tâm sự” nhưng thầy cười hiền hòa bảo “Tốn kém!”, nên dẫn tôi ghé 1 quán cóc vỉa hè, 2 thầy trò chỉ có vỏn vẹn 2 trứng vịt lộn và 1 xị rượu đế nhưng từ lúc nào đã trở nên thân quen, đồng điệu trong niềm đam mê, nỗi trăn trở, những khó khăn và khát vọng được cống hiến võ thuật, và cũng từ giây phút này đã khắc sâu tận đáy lòng tôi niềm tôn kính, sự tri ân hình bóng một người thầy - Võ sư Trần Văn Sang. Trời đã khuya, chia tay nơi quán cóc trong cái se lạnh của mùa thu, dõi theo bóng thầy cưỡi chiếc xe đạp cọc cạch đang chìm dần vào màn đêm, một chút chạnh lòng chợt đến trong tôi.

Vậy là trên đất Ô Môn ngày đó, thầy trò chúng tôi đã sát cánh bên nhau gây dựng phong trào võ thuật cổ truyền. Người dân Ô Môn đa phần sống bằng nghề trồng lúa, phải chắt chiu “một nắng hai sương” mới có cái ăn cái mặc nên việc thu học phí từ các em võ sinh chẳng đáng là bao. Học trò thì nghèo mà thầy cũng khó, nên dạy võ mang hình thức “từ thiện” là chính, thứ hàng xa xỉ mà sân võ hàng đêm có được chính là thùng nước đá trị giá 1.000 đồng do tập thể thầy trò chúng tôi góp quỹ.

Bên cạnh thầy, tôi học được rất nhiều điều về lẽ sống, cách đối nhân xử thế, cái tình, cái đạo của người học võ. Thầy dạy cho tôi hiểu thêm về võ thuật, bổ khuyết cho những thiếu sót của tôi, những bài thảo trấn môn của võ phái như Long Môn kiếm pháp, Dịch Gia kiếm pháp, Mai Hoa kiếm pháp, Tề Mi côn, Roi thần đồng, Ngũ Môn phá trận, Đả cẩu bổng, Đả hổ lưỡng đầu côn, Tả hữu liên hoa quyền, Cửu khúc liên hoàn,… và cả những thế võ bí truyền đang lớn dần trong tôi. Có một lần tập võ, thầy gọi tôi đến và trao cho tôi quyển tập dầy cộm đầy chữ, bảo: “Đây là toàn bộ những gì về võ thuật mà thầy đã thọ học và góp nhặt được từ các bậc ân sư khi xưa, nay trao lại cho con làm nguồn tư liệu nghiên cứu, lỡ mai này trên con đường truyền bá võ thầy không đủ sức phải dừng cuộc chơi thì con có cái để mà còn!”, lúc đó, cầm quyển tư liệu quí thầy trao, tôi chẳng biết cư xử gì hơn cho phải đạo ngoài câu nói nghẹn lòng: “Con cảm ơn thầy!”.

Ảnh minh họa

Không biết lời dặn dò năm xưa có phải lời trăn trối của thầy trước lúc đi xa hay cái lẽ vô thường của tạo hóa "Sinh - Trụ - Dị - Diệt" mà từ cổ chí kim chưa ai tránh khỏi. Thầy Trần Văn Sang đột ngột qua đời vào ngày mùng 5 tháng 5 năm 2009 do tai biến mạch máu não, để lại trong lòng bà con thân quyến và các võ sinh vùng đất Ô Môn niềm tiếc thương vô hạn. Trước giờ di quan, không ai bảo ai, chúng tôi tề tựu trang nghiêm trước quan tài của thầy và lần lượt biểu diễn lại những đường quyền, thế võ mà lúc sinh tiền thầy đã dạy như một lời tri ân, sau đó chắp tay theo kiểu chào trong võ học và xếp dọc hai bên lối đi để từ biệt, tiễn đưa thầy về nơi yên nghỉ. Trời tháng năm mưa nhiều, trên khuôn mặt mọi người đưa tiễn thầy hôm đó không sao phân biệt được đâu là nước mưa, đâu là …nước mắt rơi!

Thầy đã đi xa nhưng tình yêu và tâm huyết về võ thuật đã dành trọn vẹn cho đám học trò nghèo mê võ, trong đó có tôi. Lật từng trang vở thầy trao, chợt bắt gặp dòng thơ ngày xưa thầy viết tặng: “Mười tám tuổi em tìm hoa ước vọng,…” - tôi bật khóc.

Hôm nay, trên những nẻo đường quen thuộc đất Ô Môn đã từng in bóng người thầy dạy võ năm nào giờ đã có thế hệ chúng tôi tiếp bước, các điểm tập võ vẫn được duy trì và phát triển. Trên ngọn cây đa trước sân võ đình Ô Môn có một chú chim vừa cất tiếng hót, gợi một niềm cảm xúc lâng lâng:

…“Chim bay, chim sà

Lúa tròn bụng sữa

Đồng quê chan chứa

Những lời chim ca.

Bay cao, bay vút

Chim biến mất rồi

Chỉ còn tiếng hót

Làm xanh da trời.”

(Con chim chiền chiện - Huy Cận)

Đây là bài viết tham dự cuộc thi “Ấn tượng thể thao” do báo Thể thao 24h tổ chức. Mời bạn đọc tham khảo nội dung của cuộc thi tại , và thể lệ cũng như giải thưởng của cuộc thi tại .

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội