Arsenal mất... chức vô địch Champions League vì công nghệ VAR?
Dù công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) đang phải hứng chịu “gạch đá” ở Confed Cup 2017 trên đất Nga thì HLV Arsene Wenger thừa nhận, Arsenal nhẽ ra đã có thể VĐ Champions League nếu có sự trợ giúp từ VAR.
Chính xác, Wenger cho rằng Arsenal có thể đã giành chức vô địch Champions League mùa 2005/06 nếu các trọng tài nhận được sự hỗ trợ của công nghệ VAR.
“Nếu được chọn, tôi sẽ muốn các trọng tài sử dụng công nghệ VAR để xem lại bàn thắng của Samuel Eto’o. Anh ta đã ghi bàn trong tư thế việt vị khi trận đấu chỉ còn khoảng 30 phút và chúng tôi vẫn đang dẫn trước với tỷ số 1-0”, HLV Arsene Wenger chia sẻ, “Các bạn biết đấy, đó là danh hiệu mà tôi còn thiếu và cũng là chức vô địch quan trọng nhất đối với tôi”.
Bên cạnh đó, ông Wenger còn cho rằng Arsenal đã mất người oan uổng trong 2 tình huống Robin van Persie (2011) và Laurent Koscielny (2017) phải nhận thẻ đỏ tại các trận lượt về của vòng 1/8 Champions League.
Video Samuel Eto'o ghi bàn vào lưới Arsenal ở chung kết Champions League 2006
Mặc dù vậy, không phải ai cũng đồng tình với ý kiến của HLV Arsene Wenger. Chưa tính đến chuyện Arsenal có thể gặp bất lợi khi VAR được triển khai, rõ ràng công nghệ video hỗ trợ trọng tài đang phải nhận vô số ý kiến trái chiều khi được áp dụng tại Confed Cup 2017.
Người đầu tiên lên tiếng chê bai việc triển khai VAR ở giải đấu tiền World Cup 2018 là ông Fernando Santos. HLV trưởng nhà ĐKVĐ châu Âu Bồ Đào Nha bực tức cho rằng công nghệ video hỗ trợ trọng tài đã cướp 1 bàn thắng của Nani khiến đội bóng của ông đánh rơi 3 điểm ở trận ra quân gặp Mexico.
Video trọng tài từ chối bàn thắng của Nani sau khi tham khảo công nghệ VAR
Đến trận Chile - Cameroon, vấn đề công nghệ VAR lại được đem ra tranh luận khi trọng tài liên tiếp “bẻ còi”, phủ nhận bàn thắng của Eduardo Vargas trong hiệp 1 vì lỗi việt vị, trước khi công nhận pha lập công thứ 2 cũng của Vargas với sai lầm thổi việt vị Alexis Sanchez.
Với 3 tình huống trên, VAR tiếp tục chứng minh lợi ích không thể chối cãi trong việc hỗ trợ các trọng tài đưa ra những quyết định chính xác nhất trên sân.
Trước Confed Cup 2017, Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA đã thu về những thành công nhất định khi triển khai VAR ở 2 giải đấu chính thức FIFA Club World Cup 2016 và U20 World Cup 2017.
Đầu tiên, công nghệ video hỗ trợ trọng tài giúp Kashima Antlers không mất oan một quả phạt đền quan trọng ở chiến thắng trước Atletico Nacional.
Video công nghệ VAR giúp Ronaldo không mất oan 1 bàn thắng
Đến U20 World Cup 2017, công nghệ VAR lại giúp các trọng tài lật tẩy màn chơi xấu của tiền đạo Lautaro Martinez bên phía U20 Argentina với hậu vệ Fikayo Tomori của U20 Anh.
Và mới nhất, trung vệ Raphael Varane cũng bị đuổi khỏi sân ở trận giao hữu Anh - Pháp sau khi công nghệ VAR phát hiện ngôi sao Real Madrid phạm lỗi với Dele Alli trong vòng cấm địa.
Nhưng bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, VAR cũng gây ra không ít tranh cãi khi gián tiếp khiến trọng tài "đuổi nhầm" hậu vệ Giuseppe Pezzella của U20 Italia ở trận bán kết U20 World Cup gặp U20 Zambia.
Quan trọng hơn nữa, những sự cố này chỉ ra một điểm vô cùng quan trọng khi áp dụng công nghệ VAR vào các trận đấu, "công nghệ ấy không thể đưa ra mọi quyết định chính xác vì luôn có sự nhận định của con người trong đó", theo lời chia sẻ của HLV trưởng ĐT Anh, Gareth Southgate.
Nói cách khác, trọng tài chính vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng sau khi nghe lại đoạn phân tích băng ghi hình từ 2 vị trợ lý trọng tài ngồi trong buồng máy kỹ thuật. Nhưng góc nhìn của một ông vua áo đen chạy trên sân có thể sẽ khác xa những người nằm việc ngoài sân, nhất là ở những tình huống cần xác định xem cầu thủ có cố ý chơi xấu, hay chỉ vô tình phạm lỗi để đưa ra một án phạt hợp lý nhất.
Đó là chưa kể VAR còn khiến các trận đấu vỡ vụn khi cứ chốc chốc trọng tài lại phải chạy ra ngoài sân để hội ý với các trợ lý, trong khi các cầu thủ sẽ không tránh khỏi tâm lý sốt ruột khi chờ đợi quyết định của ông vua áo đen và hụt hẫng khi bàn thắng của đội nhà bị từ chối.
Nói một cách dễ hiểu, VAR sẽ làm phai nhạt giá trị vô cùng quan trọng của bóng đá, đó là cảm xúc. Những phán quyết mang tính "con người" - tức có thể sai lầm - mới giữ cho bóng đá vẻ đẹp tự nhiên, chứ không phải sự kết hợp lủng củng, vụng về giữa máy móc với trọng tài để rồi sự hứng thú, hấp dẫn và tính liên tục của một trận đấu bị xóa sổ.