Dwight Yorke muốn có việc, phải nhờ cậy “Rooney”
30 năm nữa mới có sự bình đẳng
Ruud Gullit sau khi rời Chelsea đã đi đâu? Frank Rijkaard lúc bị Barcelona sa thải vào năm 2008 giờ đang làm gì? Đây là hai HLV da màu người Hà Lan ít nhiều đã chứng tỏ cho tất cả thấy rằng, họ cũng có thể thành công trên băng ghế huấn luyện, trước khi họ biến mất một cách lặng lẽ. Đúng hơn, sau danh hiệu FA Cup giành được cùng Chelsea năm 1997, Gullit trong vai trò HLV dường như không còn được nhắc đến nữa, dù ông đã tới Newcastle, Feyenoord, LA Galaxy và Terek Grozny. Tương tự như vậy là Rijkaard kể từ ngày rời Nou Camp, khi ông thất bại ở Galatasaray và Saudi Arabia. Điều kỳ lạ là dù đã đưa Barcelona vô địch Champions League năm 2006, giành La Liga năm 2005 và 2006, và Siêu Cúp Tây Ban Nha năm 2005 và 2006, không một CLB nào tại Premier League đặt vấn đề với cựu tiền vệ của Ajax.
Liệu có phải vì Rijkaard là một HLV da màu, nên nhớ rằng Man City đã đưa Manuel Pellegrini từ Malaga về thay thế Roberto Mancini dù HLV người Chile trước đó không giành được một danh hiệu nào trong cả thập kỷ lăn lộn ở châu Âu. Hay Brendan Rodgers dẫn dắt Liverpool chỉ sau một mùa giải ở Premier League với Swansea và Man Utd để David Moyes thay thế Alex Ferguson dù biết ông còn ít kinh nghiệm như thế nào.
Sau cùng thì như cựu tiền vệ của Liverpool và đội tuyển Anh, John Barnes, từng cay đắng thừa nhận, các HLV da màu thường khó tìm công việc mới sau khi họ bị sa thải. Ở trường hợp của Barnes, ông đã ngồi không kể từ ngày rời Tranmere vào tháng 10/2009, tính ra là đã được 6 năm.
Dĩ nhiên, Barnes cũng nên tự trách mình bởi ông đã có cơ hội ở Celtic, đội tuyển Jamaica và đều không thành công. Tuy vậy, những gì xảy ra cho cựu tiền vệ người Anh, Gullit hay Rijkaard đang phơi bày một thực tế rất rõ ràng rằng, ngay cả khi bóng đá Anh không thường xuất hiện những trường hợp phân biệt chủng tộc trên sân cỏ, sự bất bình đẳng trên băng ghế huấn luyện đã kéo dài trong nhiều thập kỷ qua.
Thậm chí, một nghiên cứu mới của Sports People’s Think Tank còn khẳng định rằng, sẽ phải mất 30 năm nữa trước khi cộng đồng thiểu số các HLV da màu, hiện là 4%, đạt được tỷ lệ tương đương như số cầu thủ da màu, 25%. Cụ thể hơn, Sports People’s Think Tank cho biết chỉ có 18 trong số 92 CLB ở Premier League và Football League có HLV và quản lý là người da màu. Còn nếu muốn chính xác hơn, con số HLV người da màu có vị trí tương đương như Arsene Wenger tại Arsenal, Jose Mourinho ở Chelsea hay Louis van Gaal tại Man Utd chỉ là 6. Riêng Premier League không có một HLV người da màu nào, trừ khi Yorke thay thế Sherwood tại Aston Villa.
Cần có Luật Rooney?
Từng là cầu thủ da màu của West Brom vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, Brendon Batson đã dành nhiều thời gian và công sức cho các phong trào chống phân biệt chủng tộc. Giờ đây, trong vai trò là cố vấn cho Liên đoàn bóng đá Anh (FA) về bình đẳng giới, Batson tham gia vào những chương trình giúp các HLV thuộc cộng đồng thiểu số, da màu và châu Á hòa nhập với bóng đá Anh. Mặc dù vậy, ông cũng phải thừa nhận rằng, bóng đá Anh có hơn 25% cầu thủ là da màu nhưng điều này không có nghĩa là cầu thủ da màu khi chuyển sang công tác huấn luyện sẽ được thừa nhận. Thậm chí, gần như tất cả đều có chung một suy nghĩ rằng, “chúng tôi nghĩ các anh (da màu) là những cầu thủ giỏi nhưng chúng tôi không cho rằng các anh là những HLV thành công”.
Thực tế đã giải thích tại sao Football League, liên đoàn kiểm soát 3 hạng của bóng đá Anh là Championship, League One, League Two, dự kiến sẽ bỏ phiếu về Luật Rooney trong cuộc họp thường niên vào năm 2016. Luật Rooney này không liên quan gì đến Wayne Rooney, tiền đạo của Man Utd, hay bóng đá nhưng là cơ sở để Football League và sau này là Premier League có thể áp dụng.
Ra đời năm 2003, Luật Rooney được đặt theo tên Dan Rooney, chủ sở hữu CLB Pittsburgh Steelers của giải bóng đá nhà nghề Mỹ (NFL). Theo luật này, các đội bóng của NFL phải phỏng vấn ít nhất một HLV da màu hoặc thiểu số cho vị trí HLV hoặc quản lý nhằm tạo sự minh bạch và công bằng trong quá trình tuyển dụng, thay vì chỉ có những HLV da trắng.
Cho đến lúc đó, cơ hội để Yorke hay Barnes dẫn dắt một CLB tại Premier League là không có và giải thích tại sao bóng đá Anh vẫn có một “trở ngại ngầm” ngăn cản các HLV da màu ngồi ghế huấn luyện.