Bóng đá Trung Quốc thu hút nhân tài: Uy quyền của đồng tiền
Nói vậy có vẻ là hơi quá khi châu Âu vẫn tập trung chủ nhân của 8 Qủa bóng Vàng FIFA gần đây và tập trung đầy đủ những HLV được đánh giá là hàng đầu thế giới hiện nay như Pep Guardiola, Luis Enrique, Diego Simeone, Jose Mourinho, Carlo Ancelotti… Mặc dù thế, trong thời điểm CSL giống như thỏi nam châm hút tất cả về phía họ, chẳng ai có thể đảm bảo rằng, một ngày nào đó, những Neymar, Luis Suarez, Wayne Rooney, John Terry hay Zlatan Ibrahimovic lại không khoác lên người chiếc áo của Guangzhou Evergrande, Shanghai Shenhua, Shanghai SIPG… Bởi như đã nói ở trên, CSL tuy chưa phải là giải đấu số 1 thế giới nhưng nếu xét về lương thưởng mà họ đưa ra mời chào các cầu thủ, họ không thua La Liga của Tây Ban Nha hay Premier League của Anh.
Chẳng hạn như Shanghai SIPG nghe không có gì giống với một CLB nhưng đội bóng của Sven Goran Eriksson, cựu HLV đội tuyển Anh, sẵn sàng trả cho tiền đạo hết thời ở Sunderland là Asamoah Gyan mức lương gần 250.000 bảng/tuần. Nghĩa là nếu đặt lên bàn cân, thu nhập của cầu thủ người Ghana không kém gì Yaya Toure hay Rooney và thậm chí là Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.
Cũng vì thế, khi tiền vệ của Chelsea là Ramires, với cơ hội mà anh đang có là được thi đấu ở Premier League, Champions League và đội tuyển Brazil, chuyển đến Jiangsu Suning đứng thứ 9 tại CSL năm 2015 cùng bản hợp đồng trị giá 25 triệu bảng, thay vì hỏi tại sao, tất cả nên nghĩ ngay rằng, đây chỉ là xu thế tất yếu phải xảy ra trong kì chuyển nhượng mùa Đông và với một lời đề nghị từ Trung Quốc.
Trong xu thế này, dường như chẳng có gì có thể cưỡng lại thỏi nam châm CSL, khi Ramires dù mới có vỏn vẹn 7 trận đấu đá chính tại Premier League trong mùa giải 2015/16 nhận được mức lương tăng gấp đôi ở Stamford Bridge. Thậm chí là gấp ba từ Jiangsu Suning. Thế mới nói, trước tuyển thủ Brazil, hàng loạt ngôi sao và HLV của bóng đá thế giới ồ ạt kéo nhau tới CSL, thay vì đến Mỹ, Trung Đông hay Ấn Độ như trước đây.
Và trước Ramires khoảng 4 năm, đừng quên CSL đã có Didier Drogba, Nicolas Anelka đi tiên phong và sau này là Paulinho, Robinho… Nhờ vậy, thống kê cho thấy chỉ riêng ở CSL đang có 25 cầu thủ hàng đầu người Brazil thi đấu tại đây, chẳng hạn như Guangzhou Evergrande có Robinho, Paulinho, Ricardo Goulart; Shandong Luneng có Diego Tardelli; Beijing Guoan có Renato Augusto, Ralf, Kleber…
Không những vậy, các CLB hạng 2 của Trung Quốc cũng vung tiền mời chào cầu thủ và HLV nổi tiếng nhờ sự hậu thuẫn của những tập đoàn, công ty ở phía sau. Thực tế này đã giải thích tại sao cựu tiền đạo của Sevilla là Luis Fabiano quyết định rời bỏ Sao Paulo, nơi giúp anh trở lại đội tuyển Brazil, và chuyển tới Tianjin Quanjian CLB đang thi đấu ở hạng 2. Hay cựu tiền đạo của Arsenal là Gervinho sẵn sàng chia tay Roma để tới Hebei China Fortune và Gyan gia nhập Shanghai SIPG cùng mức lương 250.000 bảng/tuần như đã nói ở trên.
Trong khi đó, sau Marcello Lippi, Fabio Cannavaro… CSL cũng mời chào các HLV nổi tiếng như Luiz Felipe Scolari, Vanderlei Luxumburgo và Mano Menezes của Brazil; Eriksson của Thụy Điển; Dan Petrescu của Romania.
Dám cá rằng, sự có mặt của những tên tuổi lớn tại Trung Quốc sẽ không dừng ở đây vì một đồn mười, mười đồn trăm. Vì vậy mà Eriksson sau gần hết sự nghiệp dẫn dắt Benfica, Lazio hay đội tuyển Anh đã hết lời ca ngợi cuộc sống tại Trung Quốc, tuy ông mới chỉ có mặt ở đây vào năm 2013 và đang gắn bó với Shanghai SIPG, và gần đây khẳng định ông rất muốn Rooney thi đấu cho đội bóng của ông. “Đây là một quốc gia tuyệt vời để sinh sống”, Eriksson nói. “Tôi sống ở Thượng Hải và nếu mọi người hỏi tôi như thế nào nếu so với London, thành thực mà nói tôi không thể khẳng định thành phố nào tốt hơn”.
Liệu Rooney có biết được ý định của ông thầy cũ tại đội tuyển Anh? Premier League và nhiều giải vô địch hàng đầu châu Âu khác cũng nên chuẩn bị tâm lí bị CSL và bóng đá Trung Quốc nói chung rút ruột. Bởi khi người Trung Quốc còn bỏ tiền thâu tóm cổ phần ở Man City, Atletico Madrid, Espanyol hay mua lại Sochaux và Slavia Prague, chẳng lẽ họ không mua được một cầu thủ giỏi?