Ngôi sao bóng đá: Bỗng dưng...tiền rơi
Đó là thực trạng đã và đang diễn ra không chỉ trong bóng đá nói riêng mà cả thế giới thể thao. Trong một bài báo trên Sports Illustrated (SI) năm 2009 cho biết sau 2 năm giã từ sự nghiệp, 79% cựu cầu thủ thuộc Giải bóng đá nhà nghề kiểu Mỹ (NFL) rơi vào tình trạng căng thẳng về tài chính, hoặc bị phá sản, hoặc bị thất nghiệp, ly hôn. Tỷ lệ cao trên được cho là có tác động không nhỏ đến từ cuộc đại suy thoái kinh tế nước Mỹ trải qua thời điểm đó.
Một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Cục nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) đã tập trung vào khía cạnh phá sản. Những tài liệu nghiên cứu của NBER đã tập trung vào các cầu thủ NFL chơi từ khoảng năm 1996 đến 2003. Kết quả cho thấy tình trạng phá sản xảy ra khá sớm sau khi đối tượng nghiên cứu nghỉ hưu, và bị khó khăn về tài chính trong khoảng 12 năm sau khi giã từ sự nghiệp.
Thiếu kế hoạch tài chính là điểm chính. Nhiều cầu thủ không muốn nhận những lời tư vấn tài chính hoặc không hiểu được. Rất khó cho một cầu thủ nhận thức đầy đủ thực tế là sự nghiệp của họ ngắn ngủi và phải lập kế hoạch cho tương lai. Họ không theo “mô hình vòng đời” của tiết kiệm. Trong mô hình này, người ta cố gắng cân bằng chi tiêu trong suốt cuộc đời và tiết kiệm cho tương lai, thay vì đơn giản chi tiêu tỷ lệ thuận với số tiền kiếm được.
Cốt lõi của vấn đề, vẫn là cái nền cơ bản của các cầu thủ bóng đá, hay nhìn rộng hơn của giới thể thao. Hầu hết không được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống, kỹ năng chi tiêu. Trong đó, chiếm tỷ lệ không nhỏ là những người có tuổi thơ không sung túc và không có phương hướng khi trở nên giàu có.
Nhìn rộng ra xã hội, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của các cầu thủ tỷ phú khi còn thi đấu nhưng sớm phá sản ở những khu đô thị mới mở của Việt Nam, với những gia đình “bỗng dưng… đống tiền rơi vào đầu” nhờ tiền đền bù và bán đất. Đang trong cảnh chỉ đủ ăn, tự nhiên có tiền tỷ vậy thì tại sao không thử những thứ vốn trước kia chỉ đến trong giấc mơ? Xe đẹp, ăn quán sang, dùng đồ hiệu, thay vì nghĩ cách tiền đẻ ra tiền một cách chính đáng.
Thật ra rất khó cho những gia đình như vậy tìm hướng để làm ăn. Họ trước kia đầu tắt mặt tối làm nông nghiệp, giờ ruộng vườn không còn thì rơi vào cảnh mất phương hướng. Các cầu thủ cũng vậy thôi, không còn quả bóng thì biết đá cái gì ra tiền?