Cái nhìn khác về án treo giò của Neymar: Đá không nổi, trốn cho rồi
Chạy là thượng sách?
Từ World Cup 2014 đến Copa America 2015, Neymar đều vắng mặt đúng vào thời điểm nước sôi lửa bỏng nhất. Cách nay 12 tháng, Neymar bị rạn xương cột sống ở trận tứ kết thắng Colombia, nên phải bỏ lỡ phần còn lại của World Cup do không kịp bình phục. Còn tại Chile hè năm nay, Neymar lại sớm chia tay giải lớn do chuỗi hành động liên hoàn: đá bóng vào người đối phương, húc đầu vào ngực đối thủ và chửi trọng tài.
Không như 1 năm trước, sự cố xảy ra với Neymar lần này dễ dẫn tới nghi vấn: Liệu có bao nhiêu % khả năng Neymar đã cố tình chạy trốn khỏi nghĩa vụ với ĐTQG, khi nhận thấy rằng Brazil không đủ khả năng lên ngôi cao nhất? Vì tại World Cup 2014, Neymar có thể thoát khỏi bi kịch của Selecao là nhờ sự “trợ giúp” của đối thủ trong bối cảnh anh cùng đồng đội bắt đầu cảm thấy Brazil khó lên đỉnh vinh quang khi sớm phải nhọc nhằn trước Colombia. Do đó, ngay cả khi Neymar quyết định không đá trận bán kết hoặc tranh hạng 3 với lý do chưa đảm bảo thể lực, chẳng ai có thể trách anh bỏ rơi đồng đội.
Niềm tin ở đâu?
Nhưng lần này, những sai phạm của Neymar chẳng phải là không có vấn đề. Vì nhìn vào đội hình Brazil ở 2 giải đấu lớn gần nhất, dễ dàng thấy là họ kém hơn nhiều so với những ƯCV hàng đầu như Đức hay Argentina. Minh chứng rõ nhất nằm ở hàng tiền đạo Brazil, vì ở World Cup 2014 thì dùng “ông già” Fred, còn tại Copa America 2015 thì sử dụng chân sút đang chơi ở Trung Quốc là Diego Tardelli.
Đấy là chưa kể lực lượng còn có những thành viên mà ở thời hoàng kim, ban huấn luyện Brazil chắc chắn chẳng thèm ngó ngàng tới như tiền vệ Everton Ribeiro, người đang kiếm sống ở Al-Ahli (UAE) đúng vào giai đoạn chín muồi nhất của sự nghiệp. Với đội ngũ như vậy, Brazil có thể hoàn thành mục tiêu vô địch Chile 2015? Khả năng thật sự không cao, ngay cả khi Selecao đứng đầu bảng C. Bởi lẽ, 2 trong 3 đối thủ của họ đều thuộc nhóm 4 đội không vượt qua được vòng loại World Cup 2014. Chỉ có Colombia đáng chú ý, song thật trớ trêu, đây chính là đối thủ đã hạ Brazil.
Học theo… Messi
Trong hoàn cảnh như vậy, Neymar chẳng dại gì mà không diễn bài chuồn để vừa tránh được những thất bại ê chề, vừa được các CĐV Brazil tiếc nhớ như hồi World Cup 2014. Vì giả sử cứ cố đá và Brazil thua trận, Neymar – trong vai trò ngôi sao số 1 – rất dễ bị biến thành vật tế thần như Lionel Messi với Argentina cách nay 12 tháng. Còn một khi Neymar không đá, mọi tội lỗi sẽ trút lên đầu HLV như Felipe Scolari trước đây và Dunga hiện nay cùng các trụ cột còn lại.
Thật ra, tuyệt chiêu này chưa hẳn do Neymar nghĩ ra, mà chẳng qua là học hỏi từ Messi và Barcelona. Bởi sau khi thua Bayern Munich 0-4 ở lượt đi vòng bán kết Champions League 2012/13, ban huấn luyện Barca quyết định cất luôn “số 10” ở lượt về với lý do chấn thương do tất cả đều hiểu có đưa anh vào cũng chẳng đảo ngược được tình thế, thậm chí có thể ảnh hưởng tới hình ảnh quảng cáo của ngôi sao Argentina.
Brazil bó tay
Vì vậy, Chile 2015 mới chứng kiến Neymar cư xử như một thằng điên trong trận gặp Colombia, vì ở cấp CLB, tiền đạo này đâu có thiếu kiềm chế đến cỡ đó. Thậm chí, nếu cho rằng Neymar bị khiêu khích thì ngay từ World Cup 2014 đã không thiếu cảnh đó, nhưng có ai thấy tiền đạo này bị đuổi đâu? Và phải chăng Neymar đã làm mọi cách để bị treo giò hết Copa, vì sau một hành động đủ để bị treo giò, tiền đạo này còn thực hiện thêm những hành động khác có khả năng gia tăng mức phạt trong giải đấu ngắn ngày này.
Việc Brazil quyết định không kháng án cho Neymar càng củng cố lập luận rằng các thành viên của LĐBĐ nước này (CBF) đã biết rõ toan tính của Neymar. Và nếu xét kỹ, CBF ắt hẳn đồng tình với cách làm đó! Đơn giản là do hành động này chẳng khác nào tạo sẵn bậc thang cho thầy trò Dunga xuống đài, một khi Selecao không giành được ngôi vô địch Nam Mỹ. Cái cớ đó càng hoàn mỹ khi có một âm mưu, nhưng không phải nhắm vào Neymar mà là trọng tài của nước chủ nhà Copa America 2015, Enrique Osses, nhằm tạo ảo giác rằng người Chile đang cố làm tất cả để ngăn cản Selecao giật lại ngôi vô địch.
MINH CHÂU