Cha đẻ "Luật Bosman" không hề khốn khó
Phải thừa nhận rằng ảnh hưởng do phán quyết Bosman tạo ra trong bóng đá là quá lớn, nên nếu có thể bù đắp phần nào cho người tiên phong Jean-Marc Bosman, các cầu thủ triệu phú xem ra cũng cần bỏ ra một chút? Tuy nhiên, suy nghĩ như thế xét kĩ thật nông nỗi. Bởi lẽ, hành động ấy chỉ hợp lý nếu ngay thời điểm năm 1995, Bosman rơi vào cảnh bần hàn do 5 năm kiện cáo. Nhưng trên thựct tế đúng vào thời điểm đó, Bosman vẫn có 720.000 bảng trong ngân hàng, khoản tiền không nhỏ ngay hiện nay và càng to vào thời ấy.
Đấy là chưa kể hơn 10 năm sau, gia sản của Bosman đã bao gồm 2 căn nhà, gồm 1 căn để ở có hồ bơi ngay trước cửa, còn căn kia cho thuê. Không chỉ vậy, cựu cầu thủ Bỉ còn lái chiếc BMW rất bảnh. Và quan trọng không kém, Fifpro – Hiệp hội cầu thủ thế giới thật ra đã hỗ trợ cho nhân vật huyền thoại này số tiền xấp xỉ 1 triệu bảng.
Ngoài ra, có một sự thật là Bosman đi kiện với chủ ý ban đầu chẳng phải là giành quyền lợi cho các đồng nghiệp. Mục tiêu của anh ta chỉ nhằm đòi công bằng cho chính bản thân. Vì thế, lúc xảy ra hiệu ứng phụ mang tính toàn cầu, Bosman phải chăng có phần hơi trơ trẽn khi vỗ ngực tuyên bố mình là người cứu rỗi thế giới (bóng đá)?
Cuối cùng song chẳng kém phần quan trọng: Bosman rơi vào hoàn cảnh khốn khó là do chính anh ta gây ra, nên phải chính anh ta giải quyết. Vấn đề của Bosman là thói nghiện rượu có thể xuất phát từ việc giải nghệ nên bị trầm cảm, nhưng đấy nào phải chuyện riêng của anh, mà biết bao đồng nghiệp khác từng gặp phải như Tony Adams, thậm chí Lee Hendrie từng 2 lần tự sát do phá sản. Nhưng rốt cuộc, họ đã đứng dậy từ chính nơi ngã xuống, không như Bosman luôn oán trách người đời và đồng nghiệp bỏ rơi mình.