Chấn thương rách sụn chêm của Tuấn Anh và các cách xử lý
Tuấn Anh đã phẫu thuật chữa trị vết thương rách sụn chêm khá thành công. Trước đó, từng có thông tin cho rằng tiền vệ này chỉ cần tập vật lý trị liệu là đủ.
Tiền vệ quê Thái Bình bị rách sụn chêm đầu gối sau nỗ lực sút bóng tại buổi tập cùng CLB Yokohama chuẩn bị cho trận gặp Mito Hollyhock. Các bác sĩ tại Nhật Bản khẳng định rằng anh cần nghỉ ngơi trong 1 tháng, nếu tình hình không thuyên giảm thì tiền vệ tài hoa này phải tiến hành phẫu thuật.
Trong suốt 2 tuần điều trị tại Hàm Rồng và cả khi tập trung ĐTVN, Tuấn Anh gần như không thể vận động mạnh. Nói về trường hợp của tiền vệ này, các bác sĩ chuyên khoa xương khớp của bệnh viện 115 (TP HCM) từng khẳng định phải nhanh chóng tiến hành phẫu thuật nếu muốn cứu vãn sự nghiệp của anh.
Ngay sau khi tiến hành chẩn đoán vết thương tại Singapore, bác sĩ Tan Jee Lim đã quyết định sẽ "vá" sụn chêm thay vì chích thuốc thông thường.
Chia sẻ về việc phẫu thuật của tiền vệ người Thái Bình, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiển cho hay: "Tôi chỉ đọc qua hồ sơ chấn thương của cậu nên khó chẩn đoán được. Ở Singapore họ tiến hành nội soi nên có kết quả chính xác hơn".
Thực tế, không có phác đồ hay hướng dẫn một cách hệ thống rằng những trường hợp rách sụn chêm nào cần phải lên bàn mổ. Những chỉ định can thiệp chủ yếu phụ thuộc vào kết quả chuẩn đoán từ các triệu chứng lâm sàng như mức độ đau, hạn chế chức năng, hay cần phải giải phóng kẹt khớp.
Bởi việc rách sụn chêm không phải là trường hợp cần cấp cứu, nên những ca chấn thương này không nhất thiết phải lên bàn mổ ngay, mà sẽ đợi điều trị tích cực. Nếu vết rách nhỏ ở bờ ngoại vi, lâm sàng không đau và không ảnh hưởng gì tới quá trình vận động của cơ thể thì sẽ điều trị bảo tồn (không phẫu thuật).
Đặc biệt, nếu rách sụn chêm đi kèm với đứt dây chằng chéo trước hay đang trong giai đoạn đang sửa chữa dây chằng này, thì việc phẫu thuật cắt, vá sụn chêm là không được phép.
"Nếu vết rách nằm trong vùng đỏ (1/3 sụn chêm ngoài, nơi có nhiều mạch máu và được cấp máu tốt, tiếp giáp với bao khớp), các bác sĩ sẽ khâu bảo tồn. Bởi khu vực này được cấp máu khá tốt nên vết thương có thể liền lại nhanh chóng.
Ngược lại nếu vết thương nằm trong vùng trắng (2/3 trong, nơi ít được cấp máu) thì khá phực tạp bởi máu cấp tới khu vực khá kém. Thường những người được chuẩn đoán rách ở đây đều được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ phần rách bằng kỹ thuật nội soi. Những trường hợp này có thể được ghép sụn chêm như trường hợp của Đình Hoàng là ví dụ", bác sĩ Nguyễn Trọng Hiển chia sẻ
Trong quá trình điều trị, phương pháp chườm đá, băng chun gối được áp dụng. Ngoài ra cần hạn chế vận động, tốt nhất là nghỉ ngơi bất động, đồng thời dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid như celebrex, mobic... cùng thuốc giảm phù nề.
Bởi phẫu thuật sụn chêm là dạng tiểu phẫu, nên thời gian nằm viện khá ngắn (chỉ từ 1-2 ngày) và có thể đi lại bình thường ngay mà không cần dụng nạng. Bởi vậy việc tập phục hồi chức năng không thực sự cần thiết.
Với các trường hợp chơi thể thao, cần nghỉ ngơi trong khoảng 1-2 tháng để vết thương bình phục hoàn toàn. Như trường hợp của Tuấn Anh, chỉ sau 1 tuần anh có thể đạp xe và nâng tạ nhẹ. 6 tuần sau mổ tiền vệ này có thể xỏ giày vào sân tập luyện cùng các đồng đội.
"Nhìn chung, tác dụng phụ của việc phẫu thuật sụn chêm là dẫn tới thoái hóa khớp. Đó là điều khó tránh nhưng sẽ diễn ra sau thời gian dài", bác sĩ Hiển cho hay.
Nặng hơn, phẫu thuật sụn chêm có thể dẫn tới hoại tử từng phần của lồi cầu xương đùi, nhưng trường hợp này hiếm gặp. Ngoài ra, nếu sau phẫu thuật vẫn còn tái diễn tình trạng đau thì cần chú ý, rất có thể phần tổn thương vẫn chưa được loại bỏ hết, hoặc có thương tổn mới xuất hiện.
"Các cụ xưa thường nói có kiêng có lành. Nhìn chung, việc kiêng cữ sau phẫu thuật không nhất thiết. Nhưng bệnh nhân có thể kiêng một số loại đồ ăn như hải sản, rau muống... để tránh vết mổ tạo thành sẹo lồi. Tất nhiên, cũng tùy theo cơ địa từng người mới có thể phòng tránh hoàn toàn", bác sĩ Hiển cho hay.
Clip phẫu thuật sụn chêm