Cơn biến động của FIFA năm 2015: Sau cơn giông, trời lại sáng?
FIFA đã trở nên tàn tạ hơn sau cuộc điều tra tấn công toàn diện của FBI vào bộ máy này, làm Sepp Blatter mất ghế, làm Michel Platini mất cửa ngồi thay, làm hàng chục quan chức ở các Liên đoàn châu lục hoảng loạn. Thế nhưng, những mất mát đó không lớn bằng việc FIFA bị đánh mất niềm tin về một tổ chức bị nhúng bẩn toàn cảnh bởi đồng tiền, hối lộ, tham nhũng và âm mưu. Những trái bóng World Cup tưởng như là đẹp đẽ song thực chất là được điều khiển bởi sự tham lam của quyền lợi nhóm và bởi tiền - công cụ xây dựng quyền lực cá nhân. Ở đó, tất cả đã bị dối lừa.
Song ai đó cũng từng nói, niềm tin sẽ được thắp lên từ chính niềm tin ảo tưởng khác bị đánh sập. “Cái chết” của FIFA ngày hôm qua là con đường hướng đến sự sống mới, như một quy luật như chẳng phải ngạn ngữ Pháp đã bảo rằng: “Sau cơn mưa trời lại sáng”. FIFA đã ẩn chứa những ung nhọt từ nhiều thập kỷ, từ gian lận phiếu bầu World Cup 2006 đến Qatar 2022, tạo thành một hệ thống khối u và việc vạch ra nó là một bước đi ban đầu để chữa trị. FIFA sẽ trở nên trong sáng hơn, ít nhất là nó đã đào thải được những chất độc tồn đọng, bơm vào nhựa sống mới từ những con người thay thế, có thể tạo nên cỗ máy hoạt động mạnh mẽ hơn, không già nua như dáng điệu yếu ớt của ngài chủ tịch cũ Sepp Blatter. Ông không còn đủ minh mẫn và sức sáng tạo để cải tiến hệ thống cũ kỹ và mối mọt.
Hệ thống ấy hoạt động với các cấp liên đoàn y hệt như những chiếc vòi bạch tuộc, phụ thuộc vào một đầu não nhơ nhuốc, và bây giờ sau khi được “tẩy não” thì nó cần được cắt bớt những chiếc vòi. Các liên đoàn nên chăng được cắt bớt, thậm chí cắt tiệt để quy về một mối duy nhất là FIFA? Tổ chức lớn nhất bóng đá hành tinh sẽ tự quản lý các Liên đoàn quốc gia, tự xây dựng các kế hoạch, dự án phát triển, chiến lược và hướng đi mới cho từ Liên đoàn từ quốc gia đến châu lục. Họ sẽ gánh trọng trách thâu tóm và tổ chức mọi giải, khi đó đồng tiền sẽ được quy về một mối và sự phân bổ tài chính cũng đồng đều và công bằng hơn. Cơ chế quản lý chéo cũng có thể được áp dụng, đảm bảo sự minh bạch, mục đích cũng là để một FIFA giàu có hơn, quyền năng hơn và bóng đá phát triển theo hướng thiện nhiều hơn nữa.
Ý tưởng ấy, bên lề hàng loạt những ý tưởng khác phục vụ cho bóng đá, là cuộc cải cách mà người lên thay có thể tính đến. Chỉ có điều, sẽ phải là những con người khác, không thuộc “sản phẩm” của Sepp Blatter - FIFA.
5 năm biến động
23/7/2011: Mohammed Bin Hammam (Qatar), Cựu chủ tịch LĐBĐ châu Á đã phải nghỉ hưu sớm vì bị kết tội mua phiếu bầu World Cup 2022.
30/3/2012: Ủy ban điều hành và Ủy ban đạo đức FIFA mâu thuẫn và chia rẽ. 3 tháng sau, cựu công tố Mỹ Michael J. Garcia kiểm soát cầm đầu đoàn điều tra.
17/9/2014: Chủ tịch phòng điều tra của Ủy ban đạo đức từ chức.
04/5/2015: Issa Hayatou - Chủ tịch tạm thời của FIFA - bị một nhà đài của Đức cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến cuộc đua đăng cai
World Cup 2006.
30/6/2015: Năm ngày sau khi tái đắc cử, Sepp Blatter tuyên bố rời ghế (không có văn bản).
29/7/2015: Michel Platini thông báo ra ứng cử ghế chủ tịch FIFA, qua thư gửi đến 209 Liên đoàn thành viên.
25/9/2015: Điều tra bắt đầu dành cho Sepp Blatter và Michel Platini về số tiền 1,8 triệu euro Blatter đưa cho Platini.
08/10/2015: Sepp Blatter, Michel Platini và cả TTK Jerome Valcke bị Ủy ban đạo đức áp lệnh cấm tham gia hoạt động bóng đá trong 90 ngày.
11/12/2015: Tòa án trọng tài thể thao (TAS) bác đơn kháng án của Michel Platini.
21/12/2015: Michel Platini và Sepp Blatter bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 8 năm - coi như vĩnh viễn.
07/01/2016: Michel Platini tuyên bố chính thức từ bỏ việc ứng cử vào ghế chủ tịch FIFA.